Chiều nay, Quốc hội đã thực hiện chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Vũ Luận. Nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015; công tác triển đổi mới khai chương trình - sách giáo khoa; Đánh giá học sinh tiểu học và bỏ tuyển sinh đầu cấp.
Không để chỗ cho gian lận
Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đặt câu hỏi: Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp đến, nhân dân băn khoăn là năm ngoái thi tốt nghiệp do các cơ sở giáo dục phổ thông tại các tỉnh tổ chức, kết quả tốt nghiệp đạt 99%. Năm nay lại do các cơ sở giáo dục đại học chủ trì, vì vậy có lo lắng là khi làm nghiêm thì tỷ lệ tốt nghiệp thấp?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Thứ nhất việc coi thi, chấm thi đều có quy chế. Thứ hai là các thầy cô giáo từ địa phương hay các trường đại học đều coi học sinh như con cháu của mình, tất cả vì các cháu. Các cháu sau khi tốt nghiệp và vào đại học thì là học sinh của các trường thôi.
Chúng tôi cũng đã tính toán có ba rem điểm kỹ càng, làm sao để đảm bảo thi cử nghiêm túc. Chúng tôi quan niệm thi cử cũng là một hoạt động giáo dục quan trọng. Chúng ta không để chỗ cho những thứ không trung thực, gian lận, phá loại quá trình giáo dục nhân cách cho các cháu.
Thi tốt nghiệp THPT thì không thể có sự thay đổi đột ngột. Các cháu yên tâm ôn tập, làm bài một cách nhanh nhất. Còn các thầy cô luôn trân trọng các cháu, sẽ không có cú sốc. Mục tiêu cơ bản của giáo dục đào tạo không phải là tạo ra cú sốc”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ không để xảy ra cú sốc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. ảnh: TTBC Quốc hội. |
Cũng theo Bộ trưởng Luận, có hai loại cụm thi: Một loại dành cho các cháu chỉ có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT thì thi tại địa phương. Theo báo cáo của các tỉnh thì đều thi tại huyện. Về cơ bản các cháu không gặp khó khăn gì so với kỳ thi trước đây.
Với các cháu không chỉ thi tốt nghiệp mà đăng ký tuyển sinh vào đại học thì trước các cháu cùng người nhà phải đi rất xa, nhưng nay có 38 cụm thi. Thay đổi này không làm cho các cháu và gia đình vất vả khó khăn thêm mà giảm số lần đi, trước đây thi 2 lần, giờ chỉ thi 1 lần. Như thế là không có gì khó khăn hơn.
“Chúng tôi quán triệt các thầy cô giáo, nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục nhận khó khăn về mình và tạo thuận lợi tối đa cho học sinh.
Số lần đi thi giảm đi, số bài thi giảm đi, khoảng cách thi giảm đi. Cho các cháu có kết quả thi rồi thì mới cân nhắc lựa chọn vào các trường có thể trúng tuyển”, ông Luận cho hay.
Thanh tra, kiểm tra ngay cả khi thí sinh đã vào Đại học
Đối với học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, nhưng sau này có nhu cầu vào học Đại học, Cao đẳng thì có được giải quyết không?
Bộ trưởng Luận thông tin: “Với các cháu chỉ đăng ký thi tốt nghiệp mà không đăng ký thi vào đại học thì vẫn có cơ hội vào đại học.
Thực hiện tự chủ của các trường đại học, Bộ Giáo dục đã có quy chế để các trường tuyển sinh. Nói con số tròn là có 150 trường Đại học, Cao đẳng có phương án tuyển sinh. Các cháu hoàn toàn có cơ hội vào các trường đại học này, sau khi đã có kết quả”.
Trước lo lắng của Đại biểu Ma Thị Thúy về việc có thể xảy ra bất công bằng giữa các điểm thi, Bộ trưởng Luận cho biết có ba giải pháp sẽ áp dụng để giải quyết:
Thứ nhất là quy chế, quy định rõ ràng cụ thể chi tiết về những việc phải làm, được làm, không được làm.
Thứ hai là cùng với đề thi có ba rem điểm, thang điểm rất chi tiết. Trước đây là 0,4 điểm, năm nay dự kiến xuống 0,8 điểm để việc chấm thống nhất hơn.
Thư ba là các địa điểm thi cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, phúc tra kỹ lương.
“Hoạt động thanh tra, kiểm tra này không chỉ diễn ra ngay trong kỳ thi, sau kỳ thi, mà kể cả khi các cháu vào Đại học rồi thì quá trình tự kiểm tra của các trường, thanh tra của Bộ vẫn tiếp tục để đảm bảo sự công bằng cho các cháu”, ông Luận nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số Đại biểu chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Đại biểu Đặng Kim Chi (đoàn Phú Yên) đặt ra câu hỏi: Ở Phú Yên có 2 trường Đại học (Đại học Phú Yên và Đại học Xây dựng miền trung) nhưng không được tổ chức thi tại tỉnh mà hàng nghìn thí sinh phải vào Khánh Hòa dự thi? Khi ra ngoài tỉnh thi tại sao không cho các em chọn thi theo khu vực, thí dụ các huyện ở phía Bắc của Phú Yên ra Quy Nhơn thi, còn các huyện phía Nam ra Nha Trang thi sẽ đỡ tốn kém, đi lại an toàn hơn?
Tại sao một chủ trương lớn như vậy mà không tổ chức thí điểm rút kinh nghiệm, hoặc hỏi ý kiến lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Mặt trận tổ quốc trước khi quyết định? Tôi nghĩ rằng cách tổ chức như vậy thì sẽ có một bộ phận các em vì không có điều kiện (chứ không phải năng lực yếu) không thể đi thi được.
Nếu năm nay các em thi tốt nghiệp tại tỉnh thì năm sau khi có điều kiện kinh tế các em sẽ đi thi Đại học. Nhưng kiểu tổ chức thế này thì các em sẽ không bao giờ được đi thi Đại học nữa. Vậy Bộ trưởng nghĩ như thế nào về quyền lợi của những em này?
Những thắc mắc của Đại biểu Đặng Kim Chi và nhiều Đại biểu khác sẽ được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm rõ trong phiên chất vấn sáng mai (13/6).