LTS: Cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định Ban giám hiệu phải có những tiết dạy dự giờ cho giáo viên dự, tác giả Phan Tuyết đưa ra bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thường thì những giáo viên dạy giỏi, vững chuyên môn sẽ được cất nhắc lên làm phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng.
Thế nhưng kể từ khi lên chức, những thầy cô này gần như không bao giờ dạy thao giảng trước giáo viên. Những tiết dạy của họ trên lớp cũng không bao giờ có ai vào dự giờ.
Ngược lại, họ lại có quyền được phép dự giờ giáo viên bất cứ khi nào và thoải mái phán xét. Trong khi bản thân mình dạy thế nào, cũng chẳng ai có quyền biết, quyền được kiểm tra.
Có lẽ vì điều này, không ít Ban giám hiệu nhà trường đã không còn chú tâm nhiều cho những giờ dạy trên lớp. Những bài giảng không giáo án, có người dạy lơ là cho xong nhiệm vụ.
Cần có quy định Ban giám hiệu dạy thao giảng dự giờ (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại). |
Giáo viên các trường thường hay mang chuyện dạy của Ban giám hiệu ra bàn tán. Người nói, hiệu trưởng trường mình vào dạy lớp ồn như cái chợ, thầy giảng cứ giảng, trò chơi cứ chơi, dạy hai tiết chưa hết một bài.
Người lại tố, hiệu phó dạy lớp tôi chỉ cho học sinh ngồi viết bài mỏi tay còn mình thì cứ ngồi ì trên bục giảng ghi ghi chép chép cái gì đó cho hết giờ là bước ra…
Tâm lý chẳng ai dám dự giờ mình, mình cũng chẳng phải dạy cho ai dự giờ để họ nhận xét, đánh giá đã làm cho cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có sức ì lớn.
Khi còn là giáo viên, họ dạy giỏi, nhiều kinh nghiệm bao nhiêu, khi lên chức rồi chỉ vài năm sau là tay nghề giảng dạy bị sụt giảm nghiêm trọng. Giáo viên thường nói vui là bị “lục nghề”.
Người chỉ đạo chuyên môn mà lục nghề thì sao? Thì những chỉ đạo của họ đến giáo viên cũng chẳng còn mấy phần chính xác.
Những điều cấm kỵ ở nhà trường mà thầy cô muốn yên ổn đều buộc phải thuộc |
Thế mới có chuyện đã có không ít hiệu trưởng dự giờ xong chẳng biết tiết dạy ấy hay ở điểm nào, điểm nào chưa đạt?
Hay phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhưng xây dựng hoặc góp ý tiết dạy cho giáo viên chẳng “trúng trật đường nào”. Họ nói và góp ý thường dựa vào ý kiến của giáo viên.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục vẫn giữ quy định về định mức tiết dạy cho phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần, hiệu trưởng 2 tiết/tuần.
Dạy để không quên nghề, dạy để theo sát chuyên môn, để nắm thực tế và để thấu hiểu, cảm thông. Từ đó, giúp cho việc chỉ đạo chuyên môn của trường sẽ sát hơn.
Đã có quy định, Ban giám hiệu nhà trường cùng xuống các tổ chuyên môn họp trong những lần sinh hoạt tổ.
Vậy tại sao không quy định, Ban giám hiệu cũng phải tham gia thao giảng như những giáo viên khác trong trường?
Giáo viên một năm phải dạy thao giảng tổ, thao giảng trường, đôi khi còn dạy thao giảng cụm... rất nhiều tiết.
Nhưng, người trực tiếp chỉ đạo chuyên môn lại không phải dạy một tiết nào thì thật là vô lý?
Hàng năm, ngoài tổ chuyên môn phải lên chuyên đề thao giảng cho tổ. Tổ trưởng là người triển khai và cũng là người trực tiếp dạy tiết chuyên đề đó. Giáo viên dự giờ, góp ý và luân phiên nhau thực nghiệm lại tiết dạy.
Muốn chỉ đạo chuyên môn tốt Phó Hiệu trưởng phải dạy thao giảng, lên chuyên đề |
Nhà trường cũng phải lên chuyên đề cấp trường nhưng phó hiệu trưởng lên lý thuyết chỉ đạo giáo viên trực tiếp dạy chuyên đề. Điều vô lý, người lên chuyên đề lại không phải người dạy.
Phần lớn giáo viên đều cho rằng, giá như phó hiệu trưởng nhà trường trực tiếp dạy sẽ thuyết phục hơn nhiều, nhưng chuyện này gần như chưa bao giờ xảy ra.
Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thêm quy định Ban giám hiệu nhà trường mà trực tiếp là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trong năm học phải có những tiết dạy dự giờ cho giáo viên dự. Điều này sẽ mang đến nhiều điều lợi.
Tay nghề chuyên môn của Ban giám hiệu sẽ luôn được nâng lên tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo chuyên môn của nhà trường tốt hơn.
Những kinh nghiệm đứng lớp quý báu của Ban giám hiệu sẽ không bị lãng phí, bị mai một. Thông qua các tiết dự giờ thực tế, thầy cô giáo sẽ học hỏi được khá nhiều điều bổ ích.
Nếu mình thật sự có năng lực thì chẳng có lý do gì Ban giám hiệu lại sợ dạy cho giáo viên dự giờ.
Hãy chứng tỏ với mọi người, mình thật sự xứng đáng với vai trò là người chỉ đạo chuyên môn bằng việc nói được làm được các thầy cô ạ.