Chống bệnh thành tích đang trong tình thế trứng chọi đá tảng

21/01/2019 06:52
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Trong khi ai cũng nói là bệnh thành tích là giả dối, là xấu, là đáng lên án nhưng thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại.

Bệnh thành tích trong ngành giáo dục hiện nay đã “ngấm sâu” vào một bộ phận lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh nên nó rất khó “hết bệnh”.

Bởi, nhìn vào hệ thống văn bản, nhìn vào cách chỉ đạo của các địa phương và quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên trong từng năm học chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này.

Những lời kêu gọi, những chỉ đạo phần lớn chỉ dừng ở những chia sẻ, phát biểu bằng lời nói chứ chưa có một văn bản nào cụ thể nhằm hạn chế bệnh thành tích.

Vì thế, trước đây- bây giờ và ít nhất là trong vài năm tới đây thì bệnh thành tích vẫn “có đất” để phát triển ở ngành giáo dục.

Bệnh thành tích trong giáo dục rất khó chữa ( Ảnh minh họa: vov.vn)
Bệnh thành tích trong giáo dục rất khó chữa ( Ảnh minh họa: vov.vn)

Khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân đã khởi xướng phong trào “hai không” trong ngành giáo dục.

Khi vừa khởi xướng thì phong trào này đã nhận được rất nhiều sự đồng thuận từ dư luận xã hội.

Tuy nhiên, phong trào “hai không” vừa ra đời được một thời gian rất ngắn đã phải chết yểu tức thì bởi nó đã "kéo" chất lượng dạy và học thật xuống mức quá thấp.

Xã hội lên tiếng, phụ huynh lên tiếng nên rồi nó lại trở về với căn bệnh trầm kha của ngành đã có từ lâu.

Chúng ta đều biết, muốn không có bệnh thành tích thì nhất thiết lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương phải có những định hướng phù hợp, không ấn định chỉ tiêu hàng năm cho các nhà trường…nhưng thực tế thì sao?

Trong các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục đề ra chỉ tiêu để đạt được trường chuẩn, trường chuyên.

Mỗi năm phải khống chế được bao nhiêu % học sinh yếu kém, bao nhiêu % học sinh bỏ học. Vì thế, các trường muốn giữ chuẩn cũng phải “phấn đấu” chỉ tiêu theo hướng dẫn của ngành.

Vậy nên, hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”,  học sinh lên lớp đều đều mà hổng kiến thức cơ bản mà dư luận đã liên tục lên tiếng, phản ánh trong những năm gần đây.

Chống bệnh thành tích đang trong tình thế trứng chọi đá tảng ảnh 2Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá

Trong các bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cũng quy định nếu xã đạt được chuẩn nông thôn mới thì các giáo dục phải đạt được như sau:

Tiêu chí số 5: Xã nông thôn mới phải có 80% trường học các cấp: mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia;

Tiêu chí 14: xã đạt phổ cập giáo dục trung học, có 85% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc hoặc học nghề; có trên 35% lao động qua đào tạo”.

Vì thế, hàng năm các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở cũng phải “phấn đấu” để đạt được tiêu chí mà lãnh đạo xã giao nhiệm vụ.

Trường lớp phải xây dựng mới, nhiều xã xây dựng Trung tâm Giáo dục cộng đồng rất hoành tráng hàng tỉ đồng mà cuối cùng chẳng có sử dụng vào việc gì cụ thể.

Số lượng học sinh bỏ học, không đậu vào lớp 10 cũng không dám báo cáo thật hoặc phải “lách” để hướng tới việc…đủ chuẩn.

Ngành giáo dục địa phương thì phát động liên miên các cuộc thi cho cả giáo viên và học sinh.

Lúc thì thi giáo viên giỏi, thi làm đồ dùng dạy học, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, thi chủ nhiệm giỏi, thi nghiên cứu khoa học, thi học sinh giỏi, hùng biện, giải máy tính...để cuối năm có nhiều thành tích báo cáo.

Nếu các trường ít tham gia hoặc tham gia các phong trào không đạt hiệu quả cao thì cắt thi đua nhà trường, tổ chuyên môn và cá nhân từng giáo viên.

Chính vì thế, Ban Giám hiệu các nhà trường cũng phải vận động, phân công giáo viên, học sinh của mình phải cố gắng hết sức để cùng tham gia phong trào của ngành nhằm đem lại thành tích tốt cho nhà trường.

Công tác tuyển sinh 10 cũng thể hiện những bất cập không kém.

Khi ra đề tuyển sinh thì lãnh đạo Sở Giáo dục yêu cầu người ra đề phải ra nhẹ nhàng, khi chấm thì yêu cầu nương tay vì ra đề khó sợ điểm thấp thì Uỷ ban nhân dân tỉnh nhắc nhở, phê bình, các trường trung học phổ thông kêu than chất lượng đầu vào lớp 10 thấp.

Chống bệnh thành tích đang trong tình thế trứng chọi đá tảng ảnh 3Thầy Nguyễn Xuân Khang: Tóm lại, hãy bỏ hết các cuộc thi đi

Giáo viên giảng dạy trên lớp thì nhiều người sợ chất lượng trung bình môn của mình hàng năm thấp hơn giáo viên trong tổ, trong trường.

Nên, cũng chấm điểm rất thoáng, kéo lên thật nhiều học sinh khá giỏi và hạn chế tối đa học sinh yếu kém cho dù chất lượng học tập của học trò, chất lượng giảng dạy của giáo viên không cao.

Nhưng vì từ đầu năm học, Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn đã giao chỉ tiêu cho từng tổ, từng cá nhân rồi thì bắt buộc phải đạt bằng được chỉ tiêu.

Ngay cả giảng viên các trường đại học cũng phóng khoáng cho sinh viên điểm thật cao để các em có tấm bằng, bảng điểm đẹp nhằm ra trường dễ xin việc, cho dù nhiều lần các doanh nghiệp đã phải yêu cầu các trường đại học nên cho sinh viên…điểm thật.

Đối với phụ huynh thì luôn mong muốn con mình cuối năm có danh hiệu học tập dù biết rõ thực lực học tập của các em không tốt.

Nhiều phụ huynh tìm cách chạy trường, chạy lớp, chạy cả giáo viên dạy con mình để cuối năm có tấm giấy khen, có phần thưởng để có thể đưa lên Facebook khoe khoang với mọi người.

Chính vì thế, bệnh thành tích đã ngấm vào nhiều người, từ phụ huynh đến các lãnh đạo như vậy thử hỏi làm sao mà “chống” được những giả dối?

Việc hướng tới thành tích giáo dục là đúng là hữu ích nhưng phải là thành tích thật, giá trị thật mới đáng trân trọng.

Vì thế, muốn chống, muốn loại trừ bệnh thành tích phải cần sự quyết tâm của nhiều ban ngành, đặc biệt là sự quyết tâm của lãnh đạo ngành giáo dục.

Một mình giáo viên không làm nổi bởi giáo viên luôn phải thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, phải thực hiện nhiệm vụ và lãnh đạo nhà trường giao cho hàng năm và đôi lúc còn phải đáp ứng những lời “gửi gắm” từ phụ huynh học sinh.

Trong khi ai cũng nói là bệnh thành tích là giả dối, là xấu, là đáng lên án nhưng thực tế thì lại hoàn toàn ngược lại. Chính vì thế, việc loại bỏ bệnh thành tích trong ngành giáo dục bây giờ không hề đơn giản chút nào.

NGUYỄN NGUYÊN