Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình của tất cả môn học/hoạt động giáo dục từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông để xin góp ý của xã hội trong thời gian 2 tháng.
Góp ý vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie cho hay:
Đã có dự thảo chương trình của tất cả môn học/hoạt động giáo dục thì Bộ cũng cần sớm đưa ra dự thảo quy chế đánh giá, xếp loại học sinh và hướng thi tốt nghiệp, tuyển sinh.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Bộ Giáo dục cần sớm đưa ra dự thảo quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (Ảnh: Thùy Linh) |
Lý do mà ông Khang đưa ra là, chương trình, nội dung sách giáo khoa – quá trình dạy và học – đánh giá, thi cử là một quy trình liên hoạt với nhau;
Tức là nếu không làm tốt quá trình đánh giá, xếp loại, thi cử thì chúng sẽ tác động ngược trở lại quy trình dạy và học, như vậy có nghĩa là công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sẽ không đạt yêu cầu.
Do đó đến nay khi đã có dự thảo chương trình của các môn học thì giáo viên cơ sở cũng cần được biết xem với nội dung chương trình mới như vậy thì cách đánh giá, xếp loại học sinh cụ thể sẽ như thế nào?
Nói đến đây, thầy Khang nêu minh chứng, giả sử hiện nay bậc Tiểu học đang áp dụng đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 22, vậy bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông có sử dụng công cụ đánh giá, xếp loại như bấy lâu nay hay không?
Nếu không sử dụng công cụ bấy lâu nay thì đánh giá, xếp loại sẽ thế nào? Có còn tuyển sinh đầu cấp, thi trung học phổ thông quốc gia nữa hay không?
Từ trước đến nay chúng ta vẫn trăn trở về cách học ứng thí ở xã hội Việt Nam tức là thi kiểu gì thì học kiểu nấy, tức là không phải học để biết, học để áp dụng vào cuộc sống mà học đề thi.
Do đó, nếu ngành giáo dục muốn khắc phục triệt để cách học này thì chương trình nội dung môn học cần gắn liền với cách đánh giá, thi cử, xếp loại, định hướng phương thức thi cử tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh đại học cụ thể ra sao?
Giáo viên hàng ngày đánh giá học sinh như thế nào?
Thầy Khang chia sẻ thêm, mấy năm trở lại đây, cách thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học có thay đổi so với trước nhưng đó mới chỉ là thay đổi ở cách thi tức là chúng ta chỉ thay đổi hình thức còn nội dung thì chưa được chú trọng.
Mặc dù trong dự thảo chương trình môn Giáo dục thể chất đã đưa ra cách đánh giá là không chấm điểm mà chỉ xếp loại A, B, C, D.
Vậy còn 19 môn học khác thì đánh giá như thế nào, chấm theo thang điểm 10 hay thang điểm 5?
Đánh giá học sinh theo điểm trung bình chung các môn có như hiện nay hay không?...
Từ đó, ông Khang nhấn mạnh: “Nếu viết sách giáo khoa xong mới làm dự thảo quy chế đánh giá xếp loại học sinh và hướng thi tốt nghiệp, tuyển sinh thì không ổn vì có dự thảo môn học thì đi liền với đó phải có dự thảo cách đánh giá môn học đó như thế nào?”.