Chuyện kể của thần đồng Đỗ Nhật Nam sau 1 năm du học

30/06/2016 07:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Giáo dục không đơn thuần chỉ là dạy con người ta kiến thức. Cái quan trọng hơn cả là phải hướng mỗi con người đến những điều tốt đẹp, lương thiện.

LTS: Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sau năm học đầu tiên trên đất Mỹ, cậu bé Đỗ Nhật Nam vẫn luôn được nhiều người yêu mến gọi là "thần đồng"đã nói rằng, đây là một môi trường giáo dục đầy lòng vị tha, tình yêu thương.

Giáo viên có thể dành hàng giờ liền để thảo luận riêng với từng học sinh, thậm chí đến tận nơi ở trong ký túc xá để giảng bài cho từng học sinh.

Chào Nhật Nam, năm học vừa qua với em hẳn là có rất nhiều điều thú vị?

Đỗ Nhật Nam: Trường em học có tên là Church Farm School. Đó là một ngôi trường tuyệt vời, đầy ắp tình yêu thương.

Em sống ngay trong ký túc xá của trường. Trong ký túc xá chia làm nhiều ngôi nhà nhỏ, mỗi ngôi nhà có từ 10 – 15 học sinh. Chúng em sống với nhau thật gần gũi và đầy tình yêu thương, có những mối liên kết rất bền chặt giống như một gia đình.

Ở đó em có những trải nghiệm vô cùng quý giá về cuộc sống, có thêm những người bạn rất chân tình. Mọi thứ trong ngôi nhà thì đều chung nên mọi người cùng chia sẻ với nhau.

Đặc biệt là ở mỗi ngôi nhà như vậy đều có hai giáo viên của trường quản lý và sống cùng chúng em. Họ như là "bố, mẹ" của chúng em vậy. Và, chúng em cũng gọi họ là bố và mẹ.

Họ chăm lo, bảo ban chúng em từ những điều nhỏ bé nhất, theo sát mình trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày. Mỗi tuần, chúng em sẽ dành ra một khoảng thời gian nào đó để làm vệ sinh, dọn dẹp ngôi nhà.

Dù sao chăng nữa, chúng em cũng còn nhỏ tuổi, đôi lúc rất nghịch ngợm và dọn nhà không sạch. “Bố, mẹ” sẽ “kiểm tra” những việc làm ấy của các thành viên trong nhà, và dù chưa hài lòng thì họ cũng rất nhẫn nại chỉ bảo cho từng người và cùng với chúng em dọn dẹp cho thật sạch ngôi nhà.

Một năm học đã trôi qua, tới đây em sẽ phải chuyển sang nơi ở khác và em cảm thấy rất xúc động, rất nhớ nơi mình đã được sống trong suốt 1 năm qua, với biết bao nhiêu tình yêu thương, sẻ chia của “bố, mẹ” và các bạn.

Đỗ Nhật Nam chia sẻ, các thầy cô ở Trường Church Farm School như những người thân trong gia đình. ảnh: Ngọc Quang.
Đỗ Nhật Nam chia sẻ, các thầy cô ở Trường Church Farm School như những người thân trong gia đình. ảnh: Ngọc Quang.

Ở trường thì sao, Nhật Nam được trợ giúp như thế nào để hoàn thành tốt nhất việc học tập?

Đỗ Nhật Nam: Ở trường, các thầy cô cũng rất tuyệt vời, giống như cha mẹ của mình.

Giáo viên có thể dành hàng giờ để trao đổi với học sinh, để tranh luận về một vấn đề nào đó, để phản biện giúp học sinh những ý tưởng nào đó.

Thậm chí có những buổi, giáo viên dạy môn Văn hoặc môn Sinh dành cho em liên tục 4 giờ đồng hồ liền để thảo luận về các cuốn sách khác nhau, đó là những cuốn sách mà em chưa học tới trong chương trình nhưng muốn tìm hiểu trước.

Đôi khi, cũng có thể là những cuốn sách không nằm trong chương trình học. Tuy vậy, cô giáo rất tuyệt vời, luôn sẵn sàng dành thời gian để thảo luận và trao đổi với chúng em.

Có một điều rất thú vị nữa là hàng tuần sẽ có một số giáo viên đến ký túc xá để cùng trao đổi thảo luận (chung) với học sinh. Nếu bạn nào có vướng mắc cần trao đổi riêng thì có thể đề xuất thẳng với giáo viên, và nếu giáo viên sắp xếp được thời gian thì sẽ tới tận nhà gặp gỡ, cùng thảo luận cùng học sinh.

Chúng em cảm thấy thực sự rất là thoải mái khi học tập, trao đổi, thảo luận như vậy, và các thầy cô luôn rất gần gũi như người thân của mình.

Chuyện kể của thần đồng Đỗ Nhật Nam sau 1 năm du học ảnh 2

Bộ nói phản khoa học, nhưng có giáo viên nói "trẻ học trước, giáo viên đỡ mệt"

Ở trường, mặc dù các thầy cô và học sinh đối xử với nhau tran hòa như vậy, nhưng kỷ luật vẫn luôn được áp dụng bất cứ khi nào chúng em mắc lỗi.

Nếu chúng em mắc lỗi gì đó thì sẽ phải dành một khoảng thời gian trong ngày nghỉ để tham gia những công việc chung với cộng đồng.

Tuy nhiên, không có bất kỳ một hình thức kỷ luật nào gây ra những ảnh hưởng về tâm lý hay học tập cho học sinh. Ngay cả trong kỷ luật, chúng em cũng thấy ở đó đầy lòng vị tha và mục đích của nhà trường hướng đến là để học sinh tốt hơn.

Mỗi lần mắc lỗi, chúng em cũng cảm thấy thoải mái khi tham gia công việc với công đồng, tuy vậy chúng em luôn cố gắng để chủ động tham gia chứ không muốn tham gia theo nghĩa “bị phạt”, vì như vậy thì rất xấu hổ. Mọi người đều cảm thấy xấu hổ và luôn cố gắng để không bị phạt.

Thế còn kết quả học tập của em trong năm qua thì sao?

Đỗ Nhật Nam: Trong năm vừa qua, em đã hoàn thành 7 môn học. Kết quả học tập của em rất là tốt, các môn học đều đạt điểm số cao.

Bên cạnh đó, em đã tham dự một cuộc thi về khoa học của khu vực có khoảng 25 trường dự thi và giành giải 3.

Em nói về chủ đề nhiếp ảnh: Nhiếp ảnh là một công cụ đơn thuần để ghi nhận ký ức hay còn có những góc nhìn khác?

Em đã nói rằng, nhiếp ảnh có cả hai ý nghĩa này. Nhiếp ảnh có quyền năng rất lớn, vừa ghi lại ký ức, giúp cho mình có những trải nghiệm, nhưng đồng thời cũng giúp cho mỗi chúng ta nhìn thế giới bên ngoài với một con mắt giàu lòng vị tha hơn, biết thương, cư cử với nhau độ lượng hơn.

Thế nhưng bên cạnh đó, nhiếp ảnh cũng có thể là một công cụ tuyên truyền khiến cho con người suy nghĩ tiêu cực về một vấn đề nào đó.

Em thấy thích thú với môn học nào nhất?

Đỗ Nhật Nam: Em thích môn Sinh học. Em học lớp 9, nhưng vì rất yêu thích môn này nên em đã học luôn chương trình môn Sinh học của lớp 10 và lớp 11.

Ở Mỹ, chúng em hoàn toàn có thể đăng ký học trước các môn học mà mình cảm thấy có khả năng theo đuổi, vì chúng em học theo Tín chỉ - cũng giống như học đại học. Vì vậy khi nào chúng em hoàn toàn đủ số môn học và số tín chỉ theo quy định là sẽ tốt nghiệp.

Chúng em không chỉ học lý thuyết mà còn phải viết những đề tài nhỏ, hàng tuần đều thực hiện các thí nghiệm ấy.

Chuyện kể của thần đồng Đỗ Nhật Nam sau 1 năm du học ảnh 3

"Đỗ Nhật Nam hoàn toàn không có tố chất nổi bật khác thường"

(GDVN) - “Con muốn bắt đầu mọi thứ từ con số 0 để xem con có thể làm được đến đâu” – Thần đồng Đỗ Nhật Nam đã thuyết phục bố mẹ để được đi du học.

Thí dụ, chúng em làm một cái vòm để đặt cây vào trong, rồi nối các đèn led xung quanh với cường độ ánh sáng khác nhau. Sau đó, phải quan sát xem cây đó hướng tới đèn led nào, từ đó phân tích trên biểu đồ để thấy được cường độ ánh sáng nào và màu nào của chiếc đèn thì cây sẽ hướng đến nhiều hơn.

Em cũng rất hứng thú với chủ đề di truyền và đã làm những thí nghiệm về tế bào này truyền năng lượng cho tế bào kia.

Đó là những thí nghiệm rất thực tế và chúng em phải sử dụng tới rất nhiều các công cụ khác nhau, và những trải nghiệm ấy có thể hướng cho chúng em trở thành những nhà khoa học thực thụ trong tương lai.

Nhật Nam đang dạy những gì cho các em nhỏ trong mùa hè này?

Đỗ Nhật Nam: Mỗi kỳ nghỉ hè em đều nhanh chóng trở về nước thăm bố mẹ, người thân và bạn bè. Và bên cạnh đó, em cũng dành một khoảng thời gian để dạy tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh ngay tại trường Newton.

Sở dĩ hai năm vừa qua, em dạy hè ở Newton vì đây là ngôi trường tuyệt vời mà em đã gắn bó nhiều năm trước khi sang Mỹ.

Trong thông báo thì lớp học dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 8, nhưng thực tế là có cả những em chỉ mới 4 – 5 tuổi cũng đăng ký học. Cũng có cả những anh chị học lớp 10 tham gia.

Có bạn gọi “Anh Nhật Nam” có bạn gọi “Thầy Nhật Nam”, cũng có bạn gọi “Anh thầy Nhật Nam”. Em cảm thấy thật hạnh phúc khi chia sẻ những kiến thức của mình với các bạn nhỏ.

Cảm ơn Nhật Nam. Chúc em đạt được nhiều kết quả tốt trong năm học mới!

Ngọc Quang