LTS: Chỉ ra mục đích của việc hiện nay vẫn có rất nhiều giáo viên hăng say viết sáng kiến kinh nghiệm, tác giả Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Khi Nghị định 56 của Chính phủ được ban hành, nhiều giáo viên cơ sở than trời vì bắt buộc phải viết sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp loại viên chức hoàn thành thành nhiệm vụ ở cuối năm.
Bây giờ, khi Nghị định 88 sửa đổi ra đời không bắt buộc giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm nữa thì nhiều giáo viên vẫn hăng say đăng kí viết, có những giáo viên không chỉ thực hiện 1 đề tài mà đăng kí thực hiện đến 2 đề tài sáng kiến kinh nghiệm. Vậy, mục đích của những sáng kiến kinh nghiệm bây giờ là gì?
Nhiều giáo viên vẫn hăng say viết sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa: gialaitv.vn). |
Nếu như trước đây, theo hướng dẫn của Nghị định 56 thì bất kì cán bộ, công viên chức nào cũng phải thực hiện một đề tài, một cải tiến, một sáng kiến kinh nghiệm mới được xếp hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, mọi người viết để cuối năm không phải xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”.
Bởi, không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp là bị tinh giản biên chế. Rõ ràng, những năm đó ai cũng sợ mình bị tinh giản biên chế nên viết để đối phó và cũng chờ được công nhận giải nữa thì tốt mà không được cũng như mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Nếu được giải thì còn được khen thưởng và hy vọng được xét các danh hiệu thi đua cao hơn.
Khi Nghị định 56 đã được sửa đổi một số điều bằng Nghị định số 88/2017/NĐ-CP chỉ yêu cầu người được xếp loại công chức, viên chức “xuất sắc” mới phải thực hiện tiêu chí“điểm đ”của “điều 25”, các mức còn lại (từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở xuống) không yêu cầu thực hiện tiêu chí này.
Rõ ràng đây là một sửa đổi hợp lí của Chính phủ khi nhận thấy sự bất cập của một số điểm ở Nghị định 56 trước đây nên đã được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Và, nhiều người đã mường tượng ra cảnh giáo viên nói riêng và công viên chức nói chung được “giải thoát” khỏi sự lãng phí thời gian của nhiều người cũng như ngân sách nhà nước.
Sáng kiến kinh nghiệm chỉ nuôi lớn sự giả dối, lãng phí, Bộ còn giữ đến lúc nào? |
Vậy nhưng, thực tế nhiều người, trong đó có giáo viên lại thích “được khổ”- họ vẫn âm thầm, thậm chí hăng say viết sáng kiến kinh nghiệm trong năm học này.
Đơn vị chúng tôi công tác có chưa tới 50 giáo viên, nhân viên nhưng có tới hơn 30 người đã đăng kí và viết sáng kiến kinh nghiệm.
Rõ ràng đây là một con số “lí tưởng” khi giáo viên trong trường đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm.
Trong số này, có những giáo viên đăng kí thi giáo viên giỏi các cấp thì viết đã đành (bởi quy định thi giáo viên giỏi phải có sáng kiến kinh nghiệm), những người không thi giáo viên giỏi, thậm chí nhân viên văn phòng cũng có một nửa nhân viên đăng kí thực hiện.
Ai cũng biết, sáng kiến kinh nghiệm là sự tích lũy, trải nghiệm của mỗi cá nhân sau nhiều năm công tác. Việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm là sự chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã đúc kết đến với mọi người để mọi người cùng lấy những kinh nghiệm đó mà áp dụng vào nhiệm vụ, công việc.
Vì thế, nếu những đề tài hay, hiệu quả, viết vì mục đích chia sẻ với ngành với đơn vị là một điều vô cùng trân quý.
Nhưng, những người thực hiện sáng kiến kinh nghiệm phần lớn là lấy trên mạng Internet hoặc xin của người ở địa phương khác về đơn vị nộp thì mục đích là gì nếu không phải là lấy thành tích, là sự háo danh mà đã dối lừa đồng nghiệp, lãnh đạo của mình.
Có nhiều người viết sáng kiến kinh nghiệm mà đề tài lại không phải là khối học mà mình giảng dạy lâu nay. Ai có thể tin một người chưa từng dạy khối học đó mà lại có “kinh nghiệm” để thực hiện đề tài sáng kiến kinh nghiệm? Và, dĩ nhiên từ một chi tiết rất nhỏ này đã “lòi” ra sự gian dối của người thực hiện.
Có những giáo viên đăng kí đến 2 đề tài sáng kiến kinh nghiệm thì thật là…tài giỏi vô cùng. Cả một đời đi dạy cũng chỉ đúc kết, thực hiện nhuần nhuyễn một vài phương pháp giảng dạy để có thể viết 1-2 đề tài đã là thành công lắm rồi.
Bởi, ngoài kinh nghiệm thì sáng kiến kinh nghiệm còn đòi hỏi văn phong, cách thức thực hiện của một đề tài khoa học. Đằng này, một giáo viên trẻ mới ra trường vài năm mà năm nào cũng viết, có năm viết 2 đề tài thì phải nói thật là ai cũng phải…bái phục tài năng xuất chúng này!
Một nỗi buồn…rất buồn mà những ai trong ngành cũng biết là bên cạnh những giáo viên miệt mài cống hiến, đóng góp cho trường, cho ngành thì hiện nay có một bộ phận giáo viên rất cơ hội. Họ tận dụng tối đa mọi phương thức để đạt được mục đích của mình.
Bởi, một thực tế là theo hướng dẫn xét thi đua trong nhà trường hiện nay thì sáng kiến kinh nghiệm được ưu ái đứng ở vị trí số 1.
Các thành tích khác như bồi dưỡng học sinh giỏi đạt từ giải 3 cấp tỉnh trở lên, đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, đạt giải làm đồ dùng dạy học, tham gia bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, đứng giảng dạy minh họa chuyên đề cho hội đồng bộ môn… mới được quy đổi thành sáng kiến kinh nghiệm.
Vì thế, người ta cứ viết, viết rồi hy vọng, viết rồi tìm mối quan hệ, sự tác động của người này, người kia để đạt giải và thậm chí nhiều người chờ “vận may” đến với mình.
Bản thân sáng kiến kinh nghiệm có lẽ không đáng lên án mà điều chúng tôi lên án là một bộ phận giáo viên hiện nay đang làm méo mó những phong trào của ngành dẫn đến nhiều khó khăn trong việc đánh giá, xếp loại, xét thi đua cuối năm cho mỗi đơn vị.
Có những người nhiệt tình trong công tác chủ nhiệm, giảng dạy, có nhiều học sinh giỏi, có tỉ lệ học sinh đỗ cao trong các kì thi chuyển cấp lại phải ngậm ngùi “vỗ tay” trong lễ tổng kết, lễ trao giải để tuyên dương một số giáo viên đạt giải sáng kiến kinh nghiệm.
Trong khi, một số giáo viên không đầu tư công sức, trí tuệ mà chỉ lên mạng tải một đề tài sáng kiến kinh nghiệm của người khác về thay tên, đổi họ. Vậy mà họ đạt giải, được xét loại viên chức xuất sắc, được công nhận chiến sĩ thi đua…
Có lẽ, mỗi thầy cô giáo cần nêu cao trách nhiệm, sự trung thực với nghề nghiệp của mình theo đuổi để hướng tới sự phát triển chung cho ngành.
Mọi danh hiệu chỉ thực sự xứng đáng khi mình…xứng đáng, khi mọi đồng nghiệp đều cảm phục tài năng, đức độ của người được khen thưởng. Ngược lại, sự gian dối, cơ hội chỉ là một trò hề lố bịch trước mọi người mà thôi.