LTS: Liên quan đến câu chuyện thiếu sách giáo khoa đầu năm học mới, thầy giáo Nhật Duy đề cập đến vấn đề độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mấy ngày nay, trên các mặt báo đã đồng loạt đưa tin về chuyện thiếu sách giáo khoa phổ thông đầu năm học mà trong đó sách giáo khoa đầu cấp có phần khó khăn hơn cả.
Câu chuyện thừa, thiếu sách giáo khoa cục bộ thì có lẽ năm nào ta cũng thấy nhưng thiếu sách giáo khoa đầu cấp như năm nay thì có lẽ là lần đầu.
Suy cho cùng, khi mà ngành giáo dục chưa bỏ độc quyền sách giáo khoa thì vấn đề thiếu sách sẽ còn nóng cho đến khi thay sách mới.
Hiện nay, sách giáo khoa phổ thông được Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền xuất bản và phân phối tới các Công ty thiết bị trường học các tỉnh và các cửa hàng, siêu thị sách.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ có thể tính toán được số liệu học sinh của từng năm khá dễ dàng để in ấn và phát hành.
Bởi các số liệu của địa phương thường được thống kê báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm và sách in thường đã được hoàn tất từ trước khi bước vào năm học mới mấy tháng trời.
Việc thiếu sách giáo khoa có liên quan đến sự độc quyền trong xuất bản? Ảnh minh họa: Laodong.vn |
Tuy nhiên, cũng chính vì sách giáo khoa chỉ phụ thuộc vào hệ thống phân phối của Nhà xuất bản Giáo dục nên nếu thiếu sách là thiếu cả hệ thống.
Và, không chỉ Nhà xuất bản mà các cửa hàng sách giáo khoa cũng đã tính toán kỹ càng để có thể đem lại những khoản lợi nhuận cao nhất cho mình.
Năm nay là năm cuối cùng ngành giáo dục sử dụng bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành bởi bước sang năm học 2019-2020 là sách giáo khoa lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng.
Năm học 2020-2021 là đến bộ sách giáo khoa lớp 6. Chính vì thế việc cân đối để không dư thừa bộ sách ở những lớp đầu cấp là điều chắn chắn được Nhà xuất bản Giáo dục tính toán rất kỹ để khỏi lãng phí.
Vì thế, khi mà lượng sách xuất bản tương ứng với số học sinh thì chuyện thiếu cục bộ là điều đương nhiên bởi lượng sách nhập về của các cửa hàng sách sẽ khó cân đối với số lượng học sinh của khu vực mình kinh doanh.
Nhập về nhiều thì sợ ế, nhập ít thì thiếu nhưng thiếu thì lấy thêm vẫn hơn là dư thừa.
Cơn sốt nhân tạo thiếu sách đầu năm học và kế bán lạc kèm bia |
Điều mà dư luận đặt ra là tại sao những bất cập về bài toán sách giáo khoa phổ thông đã nhiều năm mà ngành giáo dục không giải quyết thấu đáo.
Không chỉ chuyện thừa thiếu hàng năm mà cách xây dựng, xuất bản cũng khiến dư luận băn khoăn.
Đối với chương trình sách giáo khoa phổ thông hiện hành (2000) thì ngân sách nhà nước đã phải chi đến hàng tỉ USD cho việc biên soạn, chỉnh sửa nhưng vẫn được đánh giá là không ưu việt.
Điều mà dư luận đặt ra là khi biên soạn chương trình tổng thể, chương trình môn học và viết sách giáo khoa thì những tác giả này đã được trả tiền thù lao viết và biên soạn, được đăng ký quyền tác giả.
Điều này cũng đồng nghĩa nó đã là sản phẩm chung thuộc sở hữu nhà nước và toàn dân.
Nhưng, chính vì độc quyền xuất bản nên hàng năm phụ huynh học sinh phải bỏ ra không biết bao nhiêu là tiền để mua sách giáo khoa cho con em mình học tập.
Giá cả thì không cạnh tranh, niêm yết bao nhiêu thì phụ huynh phải bỏ ra bấy nhiêu không có quyền lựa chọn, mặc cả.
Ngay như chương trình sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai mấy năm qua thì chúng ta cũng thấy một số những băn khoăn.
Cho dù Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông”.
Nhưng, đã nhiều năm chuẩn bị thì dư luận cũng chưa thấy được những thay đổi mới.
Để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thì Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cam kết tài trợ cho một khoản tín dụng ưu đãi trị giá tương đương 77 triệu USD để thực hiện mục tiêu của dự án.
Kinh phí dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện là 16.068.150 USD.
Một khi Bộ vẫn tổ chức biên soạn phát hành thì các tổ chức, cá nhân khác cũng khó có thể cạnh tranh được thế độc quyền lâu nay của Nhà xuất bản Giáo dục bởi Bộ đã có rất nhiều lợi thế.
Bởi, Bộ vẫn nắm việc xuất bản 1 bộ sách giáo khoa thì cũng đồng nghĩa bộ sách này là của “người trong nhà” mà lại được cung cấp tiền để thực hiện dự án thì sự cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân khác có được đảm bảo?
Quay lại với chuyện sách giáo khoa khan hiếm đầu năm nay cho chúng ta thấy sự độc quyền một bộ sách giáo khoa mà ngành giáo dục đang áp dụng trong mấy chục năm qua không tạo được sự cạnh tranh mà còn kìm hãm sự phát triển của xã hội về mọi mặt.
Một bộ sách thì giáo viên, học sinh không có quyền lựa chọn khác.
Vì thế, sách hay cũng chịu mà sách dở cũng phải đành, giá cả bao nhiêu, xuất bản như thế nào là nhờ vào “lương tâm”, đạo đức kinh doanh từ một đầu mối.
Và, dĩ nhiên là phụ huynh học sinh sẽ gánh hết mọi phần thua thiệt.
Bỏ độc quyền xuất bản một bộ sách giáo khoa từ một nhà xuất bản là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đừng đánh lừa dư luận bằng những câu từ trịnh thượng, khách sáo nữa.
Bởi, lợi ích chỉ thuộc về một nhóm người nhưng mấy chục năm qua, mỗi chuyện bộ sách giáo khoa mà phụ huynh cứ phải chạy đôn đáo đi mua đầu năm cho con em mình, rồi chạy theo những “chỉnh lý, bổ sung” của Nhà xuất bản Giáo dục đã đủ “thấu cảm” lắm rồi!