Đã trình Bộ Chính trị vấn đề biên chế giáo viên

16/01/2019 06:39
Thùy Linh
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, ngày 2/1 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có tờ trình Bộ Chính trị về thực hiện ý kiến chỉ đạo xem xét về vấn đề biên chế giáo viên.

Việc quản lý, sử dụng, tuyển dụng đội ngũ viên chức trong thời gian qua là vấn đề nóng, rất được quan tâm. 

Đây là thông tin được ông Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đưa ra tại hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. 

"Về vấn đề giao biên chế, tuyển dụng, sử dụng viên chức ngành giáo dục và phân cấp đối với các ngành địa phương thì Nghị định 127/2018/NĐ-CP đã nêu rõ nhưng nhiều khi địa phương lại “đẩy” lên Bộ" - ông Cường nhận định.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, ngày 2/1 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có tờ trình Bộ Chính trị về thực hiện ý kiến chỉ đạo xem xét về vấn đề biên chế giáo viên. (Ảnh: Thanh Hùng)
Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, ngày 2/1 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có tờ trình Bộ Chính trị về thực hiện ý kiến chỉ đạo xem xét về vấn đề biên chế giáo viên. (Ảnh: Thanh Hùng)

Giải thích thêm về nhận định của mình, ông Cường nêu rõ, tại khoản 3, Điều 6, Nghị định 127 nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là:

Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 02 buổi/ngày ở giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý.

Hơn nữa, tại khoản 3, Điều 8 của Nghị định này cũng nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp huyện là:

Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm đủ biên chế công chức quản lý giáo dục, đủ số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, tiến tới tổ chức học 02 buổi/ngày đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và người học, thực hiện chính sách phát triển giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

“Rõ ràng, Nghị định đã phân cấp, nêu rõ trách nhiệm của địa phương nhưng thực tế, khi đi công tác, chúng tôi thấy các địa phương bỏ quyền của mình, cứ hỏi Bộ”, ông Cường nhấn mạnh. 

Tỉnh nào tuyển quá biên chế, Chủ tịch cứ bỏ tiền túi ra bồi hoàn sẽ hết tùy tiện

Do đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị định 127 theo đúng nhiệm vụ, chức năng của mình. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Cường thông tin thêm, trong thời gian qua nhiều nơi, nhiều tỉnh, địa phương kêu về việc thiếu giáo viên. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã họp 2 phiên kỳ tháng 5, tháng 9 năm 2018 và ra nghị quyết giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương rà soát, báo cáo Chính phủ để đảm bảo thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế và thực hiện các nghị quyết của Đảng.

“Ngày 2/1 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có tờ trình Bộ Chính trị về thực hiện ý kiến chỉ đạo xem xét về vấn đề biên chế cho đội ngũ nhà giáo. Sau khi Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai cụ thể.

Trên tinh thần đó, đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo các văn bản quy định hiện hành nhưng sẽ tích cực cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo đúng vị trí việc làm" - Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.

Thùy Linh