LTS: Xoay quanh chủ đề giáo viên dùng đòn roi đánh học sinh, cô giáo Phan Tuyết cho rằng đây cũng là một biện pháp mang tính răn đe nhằm giúp những học sinh chưa ngoan học tốt hơn.
Tuy nhiên qua những vụ việc phụ huynh đánh giáo viên, giáo viên bị kỉ luật khi dạy dỗ học sinh đã khiến giáo viên ngày càng mất dần vị thế khi dễ bị phụ huynh, xã hội chỉ trích, lên án những hành động của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Trước đây, trong mỗi giờ dạy học, nếu học sinh nào gây ồn ào mà nói không nghe, chỉ cần quất một roi vào mông các em sẽ ngồi im thin thít.
Thấy bạn bị đòn, nhiều học sinh khác cũng chẳng dám nói chuyện, hay phá bạn và gây mất trật tự; bài tập cô giáo giao về nhà ngày mai lên lớp, cũng ít học sinh dám quên làm bởi các em sợ giáo viên đánh đòn.
Bạo lực học đường không chỉ phổ biến giữa sinh viên, học sinh với nhau mà còn giữa phụ huynh - giáo viên, giáo viên - học sinh (Ảnh: vtv.vn). |
Nhiều phụ huynh khi biết chuyện con bị đòn trên lớp cũng chẳng mắng mỏ giáo viên như bây giờ, không ít người còn nói vào: “Lần sau nó còn thế, cô thầy cứ đánh thẳng tay hơn”.
Không được ba mẹ bênh, chẳng có được chỗ dựa nên phần lớn các em đều rất nghe lời. Vậy nên, học sinh thời đó vừa chăm học, vừa có nề nếp, nếu có việc đột xuất giáo viên phải ra khỏi lớp, các em vẫn yên lặng ngồi ôn bài.
Vài năm trở lại đây, chuyện giáo viên tức giận mà mắng học sinh là đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp nói gì đến dùng đòn roi.
Thương con như thế bằng mười hại con |
Chỉ cần một vết xước nhỏ trên má con, một vết bầm nơi mông (da thịt trẻ chỉ quất nhẹ cũng bầm) thì tai họa sẽ lập tức giáng xuống.
Giáo viên nào may mắn gặp phụ huynh ôn hòa thì được nhắc nhở trực tiếp một cách “nhẹ nhàng” theo kiểu: “Lần này tôi bỏ qua, lần sau còn thế cô (thầy) đừng trách tôi làm quá”.
Giáo viên nào xui xẻo hơn, bị phụ huynh dắt con lên tận Ban giám hiệu tố cáo, nhưng như thế vẫn còn là may chán.
Nhiều gia đình xông vào trường đánh giáo viên cùng những lời chửi rủa vô cùng thậm tệ.
Chưa hả giận, họ làm đơn và phô tô thành nhiều bản để trực tiếp gửi các cấp, nhiều gia đình khác chụp hình vết đánh, đôi khi nhờ quen biết để làm tăng thêm vết thương (giống phụ huynh ở Thanh Hóa) và đưa lên mạng để tố cáo.
Thế rồi, dù với bất cứ lý do gì, những giáo viên này cũng sẽ bị kỉ luật; nhẹ thì cảnh cáo toàn ngành, ghi hồ sơ, nặng thì bị đuổi việc.
Giáo viên biết thế nên việc dùng đòn roi với học sinh đã giảm rất nhiều, có lẽ vì điều này, bây giờ các em không thấy sợ giáo viên như trước.
Giáo viên nói cũng chẳng nghe, ngồi học tự do nói chuyện; rồi văng tục, chửi thề, cà khịa đánh nhau…
Nhiều em tới lớp không làm bài, học bài; khi được hỏi cứ đáp tỉnh khô: “hôm qua con quên”, “hôm qua con bận” với thái độ xấc xược, bất cần của nhiều em học sinh.
Thầy cô trong lớp nói trò còn không nghe chứ nói gì ra khỏi lớp; lập tức lúc ấy, lớp học biến thành trận địa đầy tiếng la hét, tiếng bàn ghế xô vào nhau, tiếng rượt đuổi, cười đùa náo động cả dãy.
Hai năm trở lại đây, ở địa phương tôi đã cấm giáo viên dùng thước gỗ để trên bàn, đây cũng là biện pháp làm hạn chế cơn nóng giận của giáo viên khi trò bướng bỉnh không nghe lời.
Thế rồi, vào các tiết học, lại ngồi học theo kiểu “quay mặt, chụm đầu” các em tha hồ nói chuyện.
Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi bị bạo hành? |
Nhiều khi cô hét đến khản cổ nhưng chỉ vài phút sau đâu lại vào đấy; khi trò mắc lỗi như đánh bạn, trèo cây, leo tường, ăn cắp đồ của bạn… giáo viên cũng chỉ ngọt ngào dặn dò, nhắc nhở và chứng nào vẫn tật ấy.
Mệt thì mệt thật nhưng sau mỗi buổi học trong lòng lại thoải mái dù cũng rất buồn.
Nói là thoải mái vì không lo sợ bị phụ huynh lên chửi, lên kiện thưa vì đánh con họ nhưng vẫn buồn vì trẻ ít nghe lời, ít chăm ngoan hơn trước.
Giá phụ huynh hiểu được mình chỉ có 2 con mà nhiều khi dạy bảo chúng còn điên đầu bởi tuổi nhỏ hiếu động, trong khi cô thầy gần 40 chục em như thế.
Giá cha mẹ các em hiểu được chẳng giáo viên nào thích dùng vũ lực với các em, là vì các em chưa ngoan, chưa chăm học.
Nếu các em có ý thức, hẳn sẽ chẳng bao giờ còn cảnh thầy cô giáo đánh đòn học sinh nữa.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả!