LTS: Nhìn nhận về vấn đề đánh giá đạo đức học sinh tại các trường phổ thông hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng chúng ta không thể cứng nhắc đánh giá đạo đức học sinh chỉ dựa trên mức độ các em chấp hành các quy định của Bộ GD&ĐT.
Điều quan trọng nhất là giáo dục các em “khả năng tự trị”, tức là tự ý thức, tự phân định, tự phán đoán với lòng tự trọng để học sinh có những hành vi, ứng xử phù hợp trong cuộc sống hàng ngày.
Trong bài viết này, tác giả chỉ rõ điều đó. Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Trường học phổ thông ở ta hiện nay vẫn đánh giá đạo đức của học sinh bằng những con số, và xếp loại hạnh kiểm theo thứ bậc Tốt, Khá, Trung bình, Kém, dựa trên mức độ các em thực hiện những yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Có nghĩa là ngành Giáo dục đang số hóa khía cạnh đạo đức dựa vào những biểu hiện bên ngoài của học sinh trong việc đánh giá.
Liệu cách nghĩ và cách làm như vậy có còn phù hợp?
Số hóa chất lượng đạo đức trong giáo dục
Nói một cách ngắn gọn, đạo đức một người là tập hợp những niềm tin, giá trị, chuẩn mực được nội tâm hóa, cấu tạo nên chiếc la bàn định hướng, căn cứ để người đó suy xét, hành sự hàng ngày.
Điểm số, xếp loại hiện nay có phản ánh chân thực đạo đức học sinh? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Đạo đức là những thứ thuộc về bên trong, không phải lúc nào cũng bộc lộ ra ngoài, bởi thế mới có câu “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”.
Vậy làm sao có thể định lượng đạo đức của người khác bằng những con số?
Ấy thế mà trong giáo dục nhà trường tại Việt Nam, người lớn vẫn hàng ngày giáo dục và đo đạo đức của học sinh bằng những con số.
Và dĩ nhiên những con số phần trăm này cũng được sử dụng phục vụ cho những đợt thi đua khen thưởng.
Thầy cô giáo sao nỡ để các em thiệt thòi?(GDVN) - Để chấn chỉnh tình trạng muôn kiểu cộng điểm, đặc cách, ưu tiên ở trường phổ thông hiện nay, chúng ta cần có sự đồng bộ, lấy Thông tư 58 làm chuẩn. |
Chẳng hạn một trường Tiểu học đưa ra các chỉ tiêu thi đua đầu năm, trong đó có thi đua về mặt đạo đức là “chất lượng đạo đức: 100% thực hiện đầy đủ”.
Có nghĩa là thực hiện đầy đủ 5 nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT quy định trong Điều lệ trường Tiểu học như chấp hành nội quy, kính trọng cha mẹ, giáo viên, tham gia các hoạt động nhà trường…
Những điều này chỉ mô tả phần nào những thể hiện bên ngoài chứ không đánh giá hoàn toàn đạo đức bên trong của học sinh.
Giáo dục khả năng “tự trị”
Và để đưa các em vào khuôn khổ, trường học dùng nhiều phương cách “doạ” học sinh như cử đội sao đỏ của trường đi chấm điểm, khiển trách; kiểm điểm hàng tuần; chấm điểm, xếp loại đạo đức mỗi học kỳ…
Những hình thức như vậy cốt yếu để các em sợ mà tuân thủ chứ không phải là việc giáo dục đạo đức các em từ bên trong.
Nghĩa là các trường phổ thông hiện nay chỉ mới chú tâm đến mặt “ngoại trị” (theo cách nói của E. Kant) mà không chú ý đến giáo dục mặt “tự trị” cho học sinh, mà theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Quang (2012), việc chỉ chú ý tính chất ngoại trị của nền đạo đức nói riêng và của đời sống văn hoá tinh thần nói chung là nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Bộ Giáo dục thay Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học(GDVN) - Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 với hi vọng sẽ tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học. |
Giáo dục đạo đức bên trong là hướng các em đến đời sống luân lý để các em có được niềm tin, những giá trị nội tâm làm nền tảng vững chắc để trước một vấn đề, các em có thể tự phán đoán, phân định đúng sai tốt xấu và hành xử theo sự mách bảo của lương tâm.
Cách giáo dục bên ngoài hiện nay không giúp các em trưởng thành, không góp phần kiến tạo nên một nền đạo đức xã hội lành mạnh.
Ví dụ, chúng ta không thể dạy các em giữ gìn vệ sinh chung hiệu quả bằng cách dán khắp nơi “cấm xả rác” mà phải làm sao để tự các em ý thức hành vi xả rác là không tốt, làm sao để ý thức bảo vệ môi trường trở thành một giá trị bên trong, và chính lương tâm sẽ ra lệnh cho bản thân các em không xả rác.
Nếu vì sợ quy định, sợ bị theo dõi mà học sinh không xả rác, thì khi không còn những điều đó, các em sẽ lại xả rác, còn nếu chuyện này trở thành một phần những giá trị gắn với lương tâm, hằn sâu vào nếp nghĩ, thói quen thì các em sẽ tự trị, tự hành động đúng trong mọi tình huống.
Lúc đó, chẳng cần ai đi theo để chấm điểm, chẳng cần những câu như “cấm xả rác” thì đường sá vẫn có thể sạch sẽ.
Giáo dục tiếp cận từ bên ngoài không còn phù hợp
Kiểu giáo dục từ bên ngoài có thể phù hợp trong các xã hội cổ truyền nơi có các tập tục, văn hóa làng xã mạnh và có tính liên kết cộng đồng chi phối đời sống cá nhân, nhờ vậy cá nhân bớt làm những điều phi chuẩn.
Trong thời hiện đại với những đặc điểm là đô thị hóa, toàn cầu hoá, chủ nghĩa cá nhân và tính vô danh lên ngôi, một người ngồi trước máy tính nối mạng mà hàng xóm không hay biết anh ta là ai, thì những điều đã nói trong xã hội truyền thống dường như không còn mấy ý nghĩa.
Lúc đó anh ta chỉ đối diện với chính lương tâm, mọi quyết định của anh ta phụ thuộc vào khả năng tự trị và ít chịu sự chi phối từ các yếu tố bên ngoài.
Giáo viên đề nghị thay đổi học bạ nhận xét theo Thông tư 30(GDVN) - Những cuốn học bạ không được đề cập để điều chỉnh cũng là một sự thiếu sót cần được xem xét lại. |
Trong tình huống như thế, nếu không được trang bị một nền tảng đạo đức chắc chắn từ bên trong và khả năng tự trị, thì anh ta rất dễ bị xô đẩy bởi các trào lưu xã hội, sức nặng của bản năng, sự cám dỗ của tiền và tình…
Như thế, cách giáo dục chỉ theo “tiếp cận từ bên ngoài đã không còn phù hợp nữa” (Covey, 1997).
Thế nhưng, hiện nay giáo dục phổ thông Việt Nam vẫn cứ tập trung vào mặt “ngoại trị” trong cách giáo dục đạo đức học sinh và vẫn loay hoay tìm cách “lấy thước mà đo lòng người”.
Giáo dục sự tự lập, tự chủ về mặt tinh thần đạo đức cho học sinh là giáo dục khả năng tự trị, giúp các em trở thành những chủ thể luân lý, và chỉ như vậy, xã hội mới có thể phát triển bền vững và lành mạnh.
Xã hội Việt Nam nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng đang hướng đến “tính ngoại trị”, đây là căn cớ phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội hiện nay.
Tôi nghĩ, những điều ác, tật xấu kém văn minh vẫn sẽ tồn tại và ngày càng trầm trọng nếu những người làm giáo dục không chịu thay đổi trong tư duy và hành động.
Nếu một nền giáo dục không giúp những người trẻ trở thành những công dân tương lai có khả năng tự chủ trong đời sống luân lý, trí tuệ, xã hội và nghề nghiệp thì nền giáo dục đó đã thất bại!