Cải cách giáo dục ở mức độ môn học

25/05/2017 03:23
Giáo sư Lê Đình Lương
(GDVN) - Với việc sắp xếp lại nội dung môn học theo cách hoàn toàn mới, khối lượng dạy và học cũng như khối lượng tài liệu giảng dạy cũng sẽ được điều chỉnh.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Giáo sư - Tiến sĩ Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam.

Trong bài viết này, Giáo sư Lê Đình Lương trao đổi về vấn đề cải cách giáo dục sẽ được tiến hành như thế nào ở mức độ môn học, và cụ thể là với môn Di truyền học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bấy lâu nay, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, cũng như tất cả chúng ta (vì ai cũng có lý do để quan tâm đến giáo dục) đều hoạch định, thiết kế, xây dựng, xem xét, phản biện công cuộc cải cách giáo dục ở tầm vĩ mô.

Điều đó là đúng và cần. Chương trình tổng thể hiện nay cũng vậy. Tuy nhiên, có lẽ đó là lý do khiến xuất hiện nhiều băn khoăn, thắc mắc về tính khả thi của chương trình.

Bởi vì, đội quân đông đảo nhất (trên 90%) thực hiện công cuộc cải cách trên thực tế là các thày cô giáo.

Nếu quan sát chương trình ở tầm vĩ mô như hiện nay, các thày cô rất khó hình dung được sẽ phải làm gì cụ thể và làm như thế nào để thực hiện cải cách.

Vì vậy, chúng tôi viết bài này nhằm góp phần làm rõ cải cách giáo dục sẽ được tiến hành như thế nào ở mức độ thấp nhất, cụ thể là mức độ môn học.

Chúng tôi xin lấy di truyền học như một thí dụ cụ thể. Đây là một trong những môn học chủ yếu của sinh học, đang được giảng dạy ở lớp 9, 10 và 12.

Trong nửa thế kỷ qua, di truyền học, cũng như nhiều môn khoa học khác, đã phát triển với tốc độ thần kỳ, tích lũy một khối lượng kiến thức lớn hơn rất nhiều lần khối lượng có được trước đó, đủ lớn để lượng biến thành chất.

Giáo sư Lê Đình Lương. (Ảnh: VnExpress.net)
Giáo sư Lê Đình Lương. (Ảnh: VnExpress.net)

Bản thân môn học đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Trong khi chúng ta vẫn dạy, học, viết sách giáo khoa như cách đây nửa thế kỷ!

Nói một cách khác, thực tế khách quan đòi hỏi một cuộc cải cách toàn diện và triệt để trong đào tạo Di truyền học – môn học quan trọng của sinh học và công nghệ sinh học hiện đại.

Nếu như những năm 60-80 của thế kỷ trước khi dạy Di truyền học trên đối tượng con người các thày cô giáo chỉ có thể dẫn ra 8-9 gen để minh họa cho môn học, thì ngày nay số gen đó đã lên tới hàng nghìn.

Hơn thế nữa, với hàng nghìn gen này, ngày nay không phải chỉ dùng để minh họa bài học (chứng minh sự tồn tại của chúng) mà còn có thể dễ dàng phát hiện (chẩn đoán) chỉ trong vài giờ.

Thậm chí với nhiều gen người ta còn thiết kế và tạo ra được thuốc men để chữa nếu chúng bị sai hỏng (đột biến gây bệnh). Đó mới là một trong hàng trăm, hàng nghìn thí dụ về sự phát triển của di truyền học.

Điều đó cho thấy khối lượng và đặc biệt là chất lượng kiến thức di truyền học ngày nay đòi hỏi và đồng thời cho phép chúng ta sắp xếp lại môn học này 2 theo một cách hoàn toàn khác, khoa học và hợp lý.

Do vậy, khối lượng dạy và học giảm đi nhiều lần trong khi hiệu quả lại tăng lên đáng kể. Khả năng ứng dụng rõ hơn, hấp dẫn hơn, người học chủ động hơn.

Cách sắp xếp đó dựa trên hai nguyên tắc:

1) Sắp xếp theo trình tự logic (khái niệm nào cần biết trước mới hiểu được các khái niệm khác thì được trình bày trước) thay cho trình tự lịch sử mà chúng ta vẫn dùng lâu nay (theo thời gian xuất hiện của các phát minh).

Xin xem sự khác nhau giữa hai trình tự trong bảng sau:

 STT Trình tự lịch sử  Trình tự logic 
 1  Các định luật Menden (1865)  Biến nạp (1928)
 2  Di truyền liên kết (1904)  Vai trò di truyền của ADN (1944)
 3  Biến nạp (1928)   Cấu trúc xoắn kép của ADN (1953)
 4  Vai trò di truyền của ADN (1944)  Các định luật Menden (1865)
 5  Cấu trúc xoắn kép của ADN (1953)  Di truyền liên kết (1904)

Trình tự logic dựa hẳn vào nội dung khoa học để sắp xếp các khái niệm nên chắc chắn sẽ ngắn gọn và dễ hiểu hơn rất nhiều so với trình tự lịch sử.

Nội dung kiến thức của giáo trình sẽ là một khối thống nhất các khái niệm mang tính hệ thống cao, tạo điều kiện tốt cho người học dễ dàng nắm bắt môn khoa học mà hiện nay tưởng như rất khó này.

2) Toàn bộ nội dung của chương trình cần phân thành hai nhóm: Nhóm các khái niệm nguyên nhân và nhóm các khái niệm hệ quả.

Khái niệm nguyên nhân là các khái niệm đóng vai trò nguyên nhân tạo ra hoặc giải thích các khái niệm hệ quả.

Cải cách giáo dục ở mức độ môn học ảnh 2

Việt Nam học được gì từ bài học Phần Lan trong đổi mới giáo dục

Thí dụ, giảm phân là khái niệm nguyên nhân, nguồn gốc của nhiều khái niệm hệ quả như các định luật Menđen, biến dị tổ hợp, đa bội thể …

Việc phân các khái niệm di truyền học thành 2 nhóm như trên giúp giảm thiểu đáng kể khối lượng dạy và học môn di truyền học.

Bởi vì khi đó các thày cô và học sinh có thể tập trung dạy và học chỉ các khái niệm nguyên nhân có số lượng rất ít.

Còn các khái niệm hệ quả, vốn chiếm đa số, thì học sinh lại có thể tự suy ra từ các khái niệm nguyên nhân.

Chẳng hạn, phần quan trọng và chiếm khối lượng lớn nhất trong di truyền học là Di truyền học nhiễm sắc thể thì chỉ có hai khái niệm nguyên nhân là nguyên phân và giảm phân.

Nội dung còn lại lớn gấp nhiều lần là các khái niệm hệ quả (xem bảng dưới).

STT   Các khái niệm Loại khái niệm 
 1  Nguyên phân  Nguyên nhân
 2  Giảm phân  Nguyên nhân
 3  Các định luật Menden  Hệ quả
 4  Quy luật vận động của gen  Hệ quả
 5  Cơ sở tế bào của tính di truyền  Hệ quả
 6  Liên kết gen và liên kết giới tính  Hệ quả
 7  Đa bội thể  Hệ quả
 8  Sai hình nhiễm sắc thể  Hệ quả
 9  Xây dựng bản đồ di truyền  Hệ quả
 10  Cân bằng di truyền trong quần thể  Hệ quả
 11 Di truyền ngoài nhiễm sắc thể   Hệ quả

Như vậy, từ bảng trên (2/11 mục là khái niệm nguyên nhân cần dạy và học, 9/11 mục còn lại là khái niệm hệ quả học sinh có thể tự suy ra, không cần dạy) ta thấy, có thể rút ngắn khối lượng giảng dạy khoảng 5 lần so với hiện nay mà hoàn toàn không giảm bớt nội dung cần học.

Ngược lại, thời lượng dôi ra cho phép mở rộng thêm phần thực hành và ứng dụng, vốn là phần rất yếu từ trước đến nay của môn học này, làm cho môn học, nói chung, sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

Phương pháp luận mới nêu trên về dạy và học môn Di truyền học đã được tác giả bài viết áp dụng vào một giáo trình thu gọn, được soạn thảo và công bố trực tuyến theo yêu cầu một dự án của Liên minh châu Âu (EU), như một tài liệu chuyên dụng cho các luật gia và triết học gia chuyên soạn thảo các văn bản luật quốc tế liên quan đến công nghệ sinh học hiện đại như Nghị định thư về sinh vật biến đổi gen (GMO), những khía cạnh đạo đức của hỗ trợ sinh sản (IVF)…

Có thể đọc giáo trình này theo đường dẫn:

http://www.stc.arts.chula.ac.th/BACKGROUND%20OF%20GENETICS.pdf

Hoặc xem bản dịch tiếng Việt tại: http://phantichadn.vn/images/stories/Nguyen%20ly%20CNSH%20hien%20dai.pdf

Như vậy, với việc sắp xếp lại nội dung môn học theo cách hoàn toàn mới, khối lượng dạy và học cũng như khối lượng tài liệu giảng dạy (sách giáo khoa) môn di truyền sẽ giảm đi 3 – 4 lần.

Tính chủ động của học sinh sẽ thay đổi hẳn vì các em phải tự suy ra hoặc giải thích các khái niệm hệ quả từ các khái niệm nguyên nhân.

Cải cách giáo dục ở mức độ môn học ảnh 3

Việt Nam 2035 – Giáo dục và nhân lực tri thức

Điều quan trọng hơn là các thày cô không cần phải đào tạo lại vì chỉ thay đổi cách cấu trúc môn học, không sửa đổi nội dung môn học.

Chúng tôi cho rằng với sự phát triển rất nhanh của khoa học nói chung trong nửa thế kỷ qua, nhiều môn học khác cũng có chung thế mạnh như môn di truyền học. 

Và chúng cũng đòi hỏi phải có phương pháp luận mới trong đào tạo, cách tiếp cận, tương tự như môn di truyền học này.

Nếu tất cả hoặc phần lớn các môn học đều có thể tiến hành cải cách về chất như vậy thì khi ghép các môn đó vào “cái khung” chương trình tổng thể, như hiện nay hoặc sửa đổi đôi chút, sẽ tạo nên công cuộc cải cách giáo dục toàn diện và triệt để với tính khả thi cao như mong muốn, tránh được rất nhiều các băn khoăn lo lắng từ cộng đồng.

Giáo sư Lê Đình Lương