Thủ khoa bán táo mèo kiếm tiền thi đại học
Khang A Tủa – cậu học trò nghèo người dân tộc H’Mông sinh ra và lớn lên tại bản Háng Tầu Dê (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái).
Nhớ lại khoảng thời gian đúng 1 năm trước, cũng vào tầm tháng 5, tháng 6, nhà A Tủa hết gạo ăn. Cả gia đình 7 người bữa nào cũng đói. Trong bản, ai thuê gì bố mẹ đều làm nấy để kiếm miếng cơm cho con cái sống qua ngày.
A Tủa là con cả trong gia đình có 5 anh em. Nhà Tủa ít ruộng, thu nhập của bố mẹ không đáng là bao, mỗi tháng chỉ được khoảng 500 nghìn. Ngay từ khi còn nhỏ, A Tủa phụ bố mẹ làm việc đồng áng, chăm lo các em và làm thuê kiếm thêm thu nhập.
Nhiều lúc hoàn cảnh khó khăn, tưởng chừng phải nghỉ học giữa chừng, nhưng được sự động viên của thầy cô và quyết tâm học tập em lại tiếp tục đến trường.
Chàng sinh viên năm nhất ĐH Bách Khoa Khang A Tủa bên người thân |
Liên tiếp là học sinh giỏi lớp 11, 12, Khang A Tủa đã xuất sắc đỗ thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, tỉnh Thái Nguyên với số điểm 53,5 điểm. Kỳ thi đại học năm 2013, Tủa đỗ đồng thời hai trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Hiện tại, A Tủa đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Quyết tâm thi đại học nhưng gia đình không có điều kiện, A Tủa phải tự kiếm tiền đi thi. Thời điểm tháng 6 cũng là mùa táo mèo, vì thế A Tủa đi bán táo mèo dành dụm tiền dự thi. Số tiền bán táo mèo cộng vào tiền bố mẹ đi làm thuê được 1 triệu đồng, Tủa bắt xe xuống Hà Nội dự thi đại học.
A Tủa nhớ lại một năm về trước: “Lúc đó, bố em bị tai nạn nên không đi làm được, em phải phụ giúp mẹ thay cho bố. Do đó, em cũng không có nhiều thời gian học bài, chủ yếu là tự học buổi tối. Ban ngày đi làm, tối em học từ 9 giờ đến 1, 2 giờ sáng thì ngủ, 6h sáng hôm sau lại dậy đi làm”.
Nuôi ước mơ đại học từ gói mì tôm
Những ngày đầu xuống Hà Nội nhập học, A Tủa ở trong kí túc xá của trường. Để tiết kiệm tiền, A Tủa thường xuyên ăn mì tôm thay cơm. Do đó, Tủa chọn cách mua cả thùng mì tôm ở tại tạp hóa về ăn dần cho rẻ. Dần dần, các bạn trong phòng muốn ăn mì nhưng không muốn ra ngoài mua nên bảo Tủa bán lại cho.
Từ đó, A Tủa hình thành ý tưởng kinh doanh mì tôm. Tủa chia sẻ: “ Mỗi lần em mua tầm 3,4 thùng mì tôm, mỗi thùng bán cũng lãi được 5 – 8 nghìn đồng”.
Ban đầu, Tủa chỉ bán trong kí túc xá trường. Sau đó có thời gian rảnh, Tủa mang mì tôm đi bán dạo quanh khu vực trường Bách khoa, Đại học Thủy lợi, Đại học Xây dựng… vào các buổi tối trong tuần. Mỗi tháng Tủa cũng kiếm được từ 1 – 1,2 triệu để trang trải học phí và sinh hoạt hàng ngày. Nhờ bán mì tôm dạo, A Tủa có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt mà không cần bố mẹ phải gửi tiền.
Công việc kinh doanh mì tôm không phải là không có khó khăn. Để tránh bị bảo vệ phát hiện, Tủa cho mì tôm vào ba lô, tay bê thùng mì giả vờ như mua về ăn. “Có những lần bị bảo vệ phát hiện, bị dọa đuổi học, em sợ mà bật khóc. Sau đó các chú cũng hiểu và thông cảm nên cũng tạo điều kiện cho” – Tủa nhớ lại.
Bán mì tôm dạo không chỉ giúp A Tủa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn giúp Tủa tự tin hơn. “Đi bán mì tôm, em học được cách ứng xử với mọi người, thấy mình tự tin hơn trong giao tiếp” – A Tủa cười tươi cho biết.
Ngoài việc bán mì tôm, trong thời gian học tại trường đại học, A Tủa còn làm thêm công việc phụ giúp cho các giáo sư tại trường. Các thầy cô cũng tạo điều kiện và giúp đỡ cho em rất nhiều trong học tập. Công việc làm thêm này không cố định mà theo dự án. Tuy nhiên, A Tủa lại có cơ hội được học thêm về kỹ năng sử dụng máy tính – kỹ năng mà em còn nhiều hạn chế do không có điều kiện thực hành.
Nói về cuộc sống sau 1 năm xuống Hà Nội, A Tủa cho biết giờ đã chuyển ra ngoài kí túc xá ở. “Ở kí túc xá, tiền phòng rẻ nhưng tiền ăn lại đắt. Mỗi suất cơm cũng phải mất 20 nghìn đồng. Do đó, em chuyển ra ngoài ở để tiết kiệm tiền. Em và 2 bạn học cùng thuê chung 1 phòng 550 nghìn đồng, gạo thì bố mẹ gửi ở quê xuống, em chỉ phải mua thêm thức ăn”.
Hiện tại, tháng 6 đang là thời điểm thi cuối kỳ khá căng thẳng nên A Tủa tạm gác việc làm thêm lại để tập trung ôn thi cho tốt. “Đến ngày 27 thi xong môn cuối, em lại tiếp tục đi bán mì tôm, cũng có thể tìm một công việc khác để làm” Tủa cho biết.
Một năm học xa nhà, A Tủa về thăm nhà được 2 lần. Bố mẹ cũng không có điều kiện xuống Hà Nội thăm em. Em gái ở nhà bị bệnh đau dạ dày, nhưng do phải đi học xa và đã bỏ học giữa chừng. Tìm được một công việc tốt để có thêm thu nhập và gửi về cho bố mẹ lo cho các em là mong muốn duy nhất của A Tủa lúc này.