Giáo sư Đào Trọng Thi: Chương trình phổ thông mới không quá tải ở số môn học

18/04/2017 16:54
Thùy Linh
(GDVN) - Giáo sư Đào Trọng Thi khẳng định: “Thời điểm này rất khó để khẳng định chương trình áp lực hay quá tải”.

Ngày 12/4 vừa qua, dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận. 

Ngay sau khi công bố, dự thảo đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội đặc biệt từ đội ngũ chuyên gia và các thầy cô giáo. 

Đánh giá về dự thảo, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, dự thảo lần này đã có rất nhiều tiến bộ so với lần công bố trước đó (năm 2015). 

Theo ông Thi, chương trình tổng thể đã tạo ra một hình dung chung về cơ cấu tổ chức chương trình học, bố trí các môn, vị trí các môn trong hệ thống chung và các yêu cầu cho từng môn học trong hệ thống kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần phải cung cấp cho người học. 

Đặc biệt, dự thảo đã giúp giúp chúng ta nhìn rõ được định hướng và mong muốn của chương trình. Từ đó trông đợi vào những bước triển khai tiếp theo. 

Giáo sư Đào Trọng Thi khẳng định: “Thời điểm này rất khó để khẳng định chương trình áp lực hay quá tải”. (Ảnh: Xuân Trung)
Giáo sư Đào Trọng Thi khẳng định: “Thời điểm này rất khó để khẳng định chương trình áp lực hay quá tải”. (Ảnh: Xuân Trung)

Nhưng nếu để đánh giá một cách đầy đủ và chuẩn xác về chương trình giáo dục phổ thông mà chúng ta hướng tới thì cần phải chờ chương trình cụ thể của các môn học cũng như đề cương chi tiết của nội dung các môn học”, ông Thi nói. 

Khi dự thảo được công bố có một số luồng ý kiến cho rằng, chương trình quá ôm đồm, tham vọng hay vẫn chưa giảm tải được số môn học là bao nhiêu. 

Nhìn nhận ý kiến này, giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng, việc đánh giá chương trình ôm đồm hay không, có đạt được mục tiêu đặt ra là giảm tải so với chương trình hiện hành hay không thì tại thời điểm này chưa đủ điều kiện để đánh giá. 

Bởi theo ông Thi, hiện nay về cơ cấu môn học đã có nhưng cụ thể từng môn học sẽ như thế nào, chương trình ra sao, mức độ kiến thức được đưa vào như thế nào, chúng ta chưa có. Như vậy rất khó để khẳng định chương trình áp lực hay quá tải

Giáo sư Đào Trọng Thi: Chương trình phổ thông mới không quá tải ở số môn học ảnh 2

Bốn vấn đề trong mắt giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông thông mới

Mặc dù theo dự thảo, tổng số môn học nhiều lên, số môn học bắt buộc nhiều và xuất hiện thêm nhiều môn học mới khiến nhiều người lo lắng, ông Thi giải thích, “bắt buộc” không có nghĩa là “số một” mà là “kiến thức phải có”.

Tuy nhiên, ông Thi cũng nhắn nhủ:

Khi dư luận đặt ra vấn đề thì những người soạn thảo cũng nên lưu ý để hoàn thiện, tránh đi ngược lại mục đích, yêu cầu mà chúng ta đặt ra trong đổi mới chương trình phổ thông tổng thể lần này”. 

Để ý thấy, nếu trước đây, chúng ta coi hoạt động trải nghiệm sáng tạo được hiểu như một phương pháp học thì nay theo dự thảo đây lại trở thành một môn học xuyên suốt từ tiểu học đến hết lớp 10. 

Đánh giá về sự thay đổi này, giáo sư Đào Trọng Thi khẳng định: “Việc đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành một môn học theo tôi là phù hợp”. 

Ông Thi phân tích, trước kia hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể được thể hiện qua một bài nói chuyện, cuộc trao đổi hay buổi thăm quan thực tiễn, còn bây giờ chúng ta thiết kế chương trình theo kiểu tích lũy các môn học, nên tất cả phải đưa dưới dạng môn học hoặc chuyên đề. 

Theo dự kiến, chương trình mới sẽ được triển khai từ năm học 2018 – 2019, trao đổi với phóng viên, ông Thi khẳng định: “Thời điểm như trên được coi là đảm bảo tiến độ vì

Thứ nhất, quá trình soạn thảo chương trình và sách giáo khoa lần này làm bài bản hơn, xây dựng chương trình trước, viết sách giáo khoa sau, lần trước chúng ta làm ngược lại là chỉ phác thảo chương trình rồi viết sách giáo khoa trước, sau đó hoàn thiện chương trình. 

Giáo sư Đào Trọng Thi: Chương trình phổ thông mới không quá tải ở số môn học ảnh 3

Chương trình giáo dục phổ thông mới và bài toán giáo viên ở cấp Trung học cơ sở

Với việc triển khai kỹ thuật làm việc mới là làm khung rồi những cái khác thực hiện theo khung đó, hy vọng quá trình sẽ nhanh hơn.

Thứ hai, lần này trong phương pháp biên soạn đã bỏ đi yêu cầu thực nghiệm toàn bộ chương trình, trước kia chúng ta thực nghiệm toàn bộ chương trình trên toàn bộ số học sinh.

Lần này sẽ chỉ thực nghiệm những nội dung mới và những phương pháp giáo dục mới, còn những gì đã cũ không cần thực nghiệm nữa vì đã được chứng minh trong thực tế.

Thứ ba, chương trình mới đưa ra dựa trên cơ sở chủ yếu là kế thừa. Trên cơ sở các nội dung cũ, chúng ta liên kết lại, cấu trúc lại sao cho phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn. 

Như vậy, những cái thực sự mới một cách tổng thể, đầy đủ, toàn diện là không nhiều, đó chỉ là một số mô-đun mới, một số bộ phận mới và chúng ta chỉ thử nghiệm có phần đó thôi”. 

Tuy nhiên, giáo sư Đào Trọng Thi cũng không quên nhắc nhở ban soạn thảo rằng: “Yêu cầu về chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu, không vì chạy theo thời gian mà bỏ qua yêu cầu này. 

Chúng ta cần thực hiện theo lộ trình Nghị quyết Quốc hội đề ra nhưng nếu trong quá trình thực hiện thấy cố gắng thực hiện ấy mà gượng ép, dẫn đến vi phạm về chất lượng cũng cần phải tính toán sao cho hợp lý”. 

Thùy Linh