Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đã xác định được triết lý giáo dục phổ thông

18/01/2017 08:52
Thùy Linh
(GDVN) - Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết: “Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới theo triết lý giáo dục là thực học – thực nghiệp và đảm bảo tính dân chủ”.

80 triệu USD hỗ trợ dự án đổi mới giáo dục phổ thông

Ngày 17/1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT  phối hợp với Ngân hàng Thế giới khởi động dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”. 

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án lên tới 80 triệu USD trong đó nguồn vốn vay của Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA)- Ngân hàng Thế giới là 77 triệu USD, nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3 triệu USD.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đã và đang được khẩn trương thực hiện với nhiều hoạt động, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong lĩnh vực đổi mới quan trọng này, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới. 

Hiệp định tài trợ dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông” giữa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế được phê duyệt từ năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đã xác định được triết lý giáo dục phổ thông ảnh 1
Chương trình giáo dục phổ thông đã xác định được triết lý giáo dục (Ảnh: Báo Người Lao động)

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cam kết tài trợ một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 77 triệu USD để thực hiện các mục tiêu của dự án nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tiếp cận dựa trên năng lực, nâng cao hiệu quả giảng dạy bằng việc biên soạn, thực hiện sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và đổi mới đánh giá giáo dục học sinh.

Dự án bao gồm 4 thành phần, trong đó thành phần “Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới” chiếm 25% kinh phí.

Thành phần “Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông” chiếm gần 50% kinh phí.

Hai thành phần còn lại là “Hỗ trợ phát triển chương trình” và “Quản lý dự án”.

Gần 50% kinh phí dự án (thuộc thành phần “Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông”) dành cho các “đầu việc”:

Xây dựng trung tâm quốc gia phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và trung tâm quốc gia khảo thí ngôn ngữ;

Tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh;

Triển khai đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh.

Trong số 25% kinh phí của thành phần 2, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ GD&ĐT thực hiện) gồm các đầu việc:

Xây dựng bản thảo và lấy ý kiến đối với bản thảo một bộ sách giáo khoa;

Thẩm định, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng đối với một bộ sách giáo khoa;

Biên soạn sách giáo khoa song ngữ cấp tiểu học (tiếng Việt – tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) và Biên soạn, thử nghiệm sách giáo khoa điện tử. 

Bên cạnh đó, dự án sẽ thẩm định các sách giáo khoa (bao gồm sách của Bộ GD&ĐT và sách giáo khoa khác do cá nhân, tổ chức biên soạn).

Ngoài ra, dự án cũng dự kiến cung cấp 50.000 bộ sách giáo khoa (từ lớp 1 đến lớp 12) cho học sinh thuộc hộ gia đình nghèo và học sinh một số trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bằng dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt để những học sinh này được mượn, sử dụng trong năm học. 

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng mong muốn các chuyên gia phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa, các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa nỗ lực hết mình, hợp tác chặt chẽ, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các cơ sở giáo dục, các tầng lớp nhân dân và chuyên gia tư vấn quốc tế để xây dựng chương trình và biên soạn bộ sách giáo khoa giáo dục phổ thông có chất lượng tốt nhất. 

Định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới

Báo cáo tóm tắt về dự án “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”, ông Đoàn Văn Ninh - Giám đốc Ban quản lý Dự án chia sẻ: Dự án này được thực hiện đến năm 2020, nhằm đạt được 7 kết quả chính. 

Trong đó gồm: Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực được ban hành; Tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa cho các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biên soạn sách giáo khoa được ban hành. 

Bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn được phê duyệt, cho phép sử dụng. 

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách giáo khoa mới; sách giáo khoa một số môn học cấp tiểu học được biên soạn song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số có chữ viết). 

Hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng được đưa vào hoạt động, tất cả giáo viên phổ thông được tập huấn, bồi dưỡng để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. 

Và hệ thống đánh giá định kỳ năng lực giáo dục quốc gia được xây dựng và đưa vào hoạt động, kết quả học tập của học sinh theo chương trình mới được phân tích toàn diện, trong đó, đặc biệt quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh nghèo và nhóm học sinh thiệt thòi. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đã xác định được triết lý giáo dục phổ thông ảnh 2
GS.Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh: Trần Vương)

Cũng tại hội nghị, GS.Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đề cập về định hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Theo đó, việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, với triết lý giáo dục là thực học – thực nghiệp và đảm bảo tính dân chủ.

Cụ thể, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh. 

Chương trình phải lấy người học làm trung tâm, tích cực hóa hoạt động học tập, kết hợp giáo dục ở nhà trường với giáo dục tại gia đình và ngoài xã hội, đảm bảo chương trình mở. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới phải bảo đảm sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp học, lớp học; kế thừa, phát triển các chương trình giáo dục phổ thông đã có và tiếp thu có chọn lọc chương trình giáo dục phổ thông của các nước có nền giáo dục phát triển. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cần đảm bảo sự liên thông với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Thùy Linh