Tiếp tục là những quan điểm xung quanh việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa trong Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tại Thường vụ Quốc hội, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với giáo sư Hoàng Tụy – một trong những học giả hàng đầu của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, người được mệnh danh là “Người cha của tối ưu toàn cục”.
Sách có thể tạm thời còn chương trình phải làm nhanh
Là người từng tham gia tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho tất cả các môn học của hệ giáo dục phổ thông 10 năm, giáo sư Hoàng Tụy cho rằng:
“Chương trình phải làm nhanh, đổi mới giáo dục gần năm rồi mà chương trình chưa xong. Thời điểm chúng tôi hồi năm 55,56 cả chương trình, cả bộ sách giáo khoa làm trong mấy tháng, tuy việc bây giờ nhiều hơn nhưng người cũng giỏi hơn, có kinh nghiệm bao lâu rồi. Vậy thì phải làm nhanh chương trình, thông báo chương trình để người ta có thể làm sách giáo khoa”.
GS Hoàng Tụy cho rằng chương trình thì phải làm nhanh, rồi thông báo cho mọi người chủ trương làm sách. Ảnh Hồng Nhung |
Nếu chưa có chương trình nên có chủ trương nói cho mọi người biết, như là thầy giáo hay ai muốn viết sách cứ viết sách giáo khoa rồi xuất bản sách giáo khoa, Bộ nên khuyến khích.
Lý giải về điều này, giáo sư Hoàng Tụy cho biết: “Quan niệm về chương trình, sách giáo khoa rất cứng nhắc. Sách giáo khoa là pháp lệnh, thầy giáo phải dạy theo đúng sách giáo khoa, sách giáo khoa phải theo đúng chương trình. Trong khi trên thế giới không ai làm kiểu như vậy cả”.
Chia sẻ thêm, giáo sư Hoàng Tụy bày tỏ: “Chương trình là cái khung, còn thực hiện cái khung ấy cụ thể phải là nhà giáo, nhà giáo tự dạy, có khi muốn tự soạn bài lấy không cần sách giáo khoa cũng được. Sách giáo khoa không phải là bắt buộc cho nhà giáo. Sách giáo khoa là công cụ giúp đỡ cho thầy giáo, sách giáo khoa không cần bám sát chương trình, có thể rộng hơn chương trình.”
Tuyên bố kinh ngạc: Chỉ cần 300 triệu đồng là làm được sách giáo khoa
“Chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện nhuận bút, bản quyền của nhà văn... có nhà văn nào đến đòi, nhóm sẽ đề nghị các nhà văn cho nhóm khoản này”.
Nói rõ hơn tại sao sách giáo khoa lại rộng hơn chương trình, giáo sư Hoàng Tụy đưa ra hai lí do:
Thứ nhất đề phòng chương trình trong 2,3 năm có thay đổi nhỏ nhỏ, sách giáo khoa rộng ra để chương trình có thay đổi, điều chỉnh chút ít vẫn còn thích hợp được, không phải viết lại, in lại sách tốn kém. Thứ hai, rộng hơn chương trình nghĩa là rộng hơn trình độ thường thường để giúp cho nhiều người có thể tự học, học sinh giỏi tự dùng sách giáo khoa để học theo được.
Giáo sư Hoàng Tụy có nhấn mạnh rằng: “Sách giáo khoa tốt có thể dùng trong 10 năm chứ không phải năm nào cũng chữa cả”.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mới đưa ra chủ trương xã hội hóa, giáo sư Hoàng Tụy gọi là giai đoạn tạm thời, 1, 2 năm phải có một bộ sách giáo khoa tạm thời. Sách giáo khoa tạm thời có thể là sách đang dùng có sửa lại. Sách giáo khoa tạm thời cũng phải ghi rõ là sách giáo khoa tạm thời dùng trong bao nhiêu năm. Do là tạm thời nên chỉ cho tạm thời trong một thời gian ngắn.
Tiền soạn sách chuyển qua bồi dưỡng giáo viên
Về số tiền dự chi gần 800 tỷ đồng cho làm sách giáo khoa, giáo sư Hoàng Tụy cho rằng “phải tính lại” cũng như "không phải đầu tư tiền biên soạn sách giáo khoa".
Muốn thực hiện đổi mới giáo dục, việc quan trọng đó là chất lượng giảng dạy, chất lượng giảng dạy phụ thuộc rất nhiều vào thầy giáo. Do đó, giáo sư Hoàng Tụy có đề xuất: “Số tiền bao nhiêu tỉ ấy không phải để biên soạn sách giáo khoa mà để bồi dưỡng chuyên môn cho thầy giáo, để trợ cấp cho các trường sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo. Bồi dưỡng giáo viên, làm những việc ấy hết bao nhiêu tiền thì hãy tính ra.”
Về việc ai sẽ là người viết sách giáo khoa và thẩm định bộ sách giáo khoa, giáo sư Hoàng Tụy nêu quan điểm: “Bộ Giáo dục phải dần dần rút ra khỏi việc tự viết sách, nên để việc viết sách, xuất bản cho xã hội hóa, có thể thầy giáo viết, còn xuất bản thì nhà xuất bản nào cũng được”.
Số tiền Bộ giáo dục xin để làm sách: "Con số mù mờ, không minh bạch"
Từ con số 34 nghìn tỷ đồng xuống còn chưa bằng 1/40 nên ta cảm thấy nhỏ, nhưng đối chiếu với từng quyển sách thì không hề nhỏ tí nào...
Bộ Giáo dục không nên nhận trách nhiệm viết sách giáo khoa, làm như vậy không có hiệu quả. Sách giáo khoa của Bộ bao nhiêu năm mà năm nào cũng có sai sót.
Để việc thẩm định sách giáo khoa có thể khách quan, giáo sư Hoàng Tụy cho rằng cơ quan thẩm định không thể đồng thời viết sách, “việc thẩm định là trách nhiệm của Bộ không thể thoái thác được. Do đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất vừa viết sách vừa thẩm định là không nên. Bộ giáo dục không thể viết sách được”.
Đối tượng làm công việc thẩm định sách theo giáo sư Hoàng Tụy là “một bộ phân có biên chế”, hay hội đồng thẩm định là người trong cơ quan của Bộ Giáo dục, bên cạnh đó mời nhiều chuyên gia của những ngành khác nhau.
“Sách giáo khoa khi có xã hội hóa cần có sự cạnh tranh lành mạnh” – giáo sư nhấn mạnh.
Đề phòng có những sách giáo khoa viết ẩu hoặc đưa vào những nội dung không thích hợp, giáo sư Hoàng Tụy cho rằng “phải có sự thẩm định cho phép dùng trong các trường học. Sách giáo khoa nào muốn bán cho các trường phải có sự thẩm định”.
Với kinh nghiệm tìm hiểu nền giáo dục ở nhiều nước trên thế giới, giáo sư Hoàng Tụy cho biết: “THPT bây giờ quan niệm khác, không phải dạy đồng loạt mà chú ý đến năng khiếu. Theo kinh nghiệm các nước phát triển phải có hai chương trình, trong đó một chương trình bình thường, còn một chương trình cho nâng cao”.
Giáo sư cho rằng nếu có làm lại luôn thì nên làm ở THPT cho “đỡ mất công”, còn các cấp khác là tạm thời.
Cuối cùng, giáo sư Hoàng Tụy khẳng định lại một số vấn đề trong đổi mới chương trình sách giáo khoa cần lưu tâm: “Bộ giáo dục không biên soạn sách giáo khoa, giao việc viết sách cho xã hội. Bộ giáo dục chỉ có nhiệm vụ thẩm định, còn muốn thẩm định khách quan thì không chỉ có người của Bộ trong hội đồng thẩm định mà có người trong nhiều ngành khác”.