Giáo sư Phan Huy Lê xứng đáng là tượng đài ngành giáo dục Việt Nam

24/06/2018 02:39
Đỗ Thơm
(GDVN) - Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bộ Châu (Nghệ An) nhấn mạnh về Giáo sư Phan Huy Lê.

Chiều 23/6, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, một trong bốn cây đại thụ "Lâm - Lê - Tấn - Vượng" của sử học Việt Nam đương đại đã về với đất mẹ yêu thương.

Nhưng với riêng Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, đến thời điểm này, ông vẫn không muốn gọi thầy Phan Huy Lê là “cố Giáo sư Phan Huy Lê”.

Bởi thầy Lê vẫn còn nhiều việc dở dang, chưa an lòng.

“Thầy là con người của công việc, với bất cứ việc gì, Giáo sư đều muốn làm tròn trách nhiệm.

Bất cứ ai tiếp xúc với thầy đều cảm nhận được sự ấm áp, chân thành, nhẹ nhàng, lịch thiệp. Đó như là cuộc trò chuyện của cha với con, ông với cháu.

Giáo sư Phan Huy Lê và Thạc sĩ Trần Trung Hiếu. (Ảnh: Thầy Trần Trung Hiếu cung cấp)
Giáo sư Phan Huy Lê và Thạc sĩ Trần Trung Hiếu. (Ảnh: Thầy Trần Trung Hiếu cung cấp)

Thầy xứng đáng là tượng đài của ngành giáo dục Việt Nam. Ở thầy hội tụ đầy đủ tác phong của một nhà khoa học chân chính, một nhà sư phạm mẫu mực”, Thạc sĩ Hiếu chia sẻ.

Thầy Hiếu cho biết: “Mặc dù tôi chỉ là giáo viên sử ở bậc phổ thông nhưng tôi được thầy Lê dành cho những tình cảm đáng trân trọng.

Tôi được thầy Lê xem như là học trò dù trên thực tế tôi chưa từng là học trò của thầy. Nhưng những gì từng được thầy Lê chia sẻ, trò chuyện, với tôi, đó là người thầy đáng kính”.

Thạc sĩ Hiếu cho biết mình có nhiều kỷ niệm với Giáo sư Phan Huy Lê. Nhưng kỷ niệm lớn nhất, ấn tượng, khó quên nhất với thầy Hiếu là khoảng thời gian lên tiếng đấu tranh để môn Sử có vị trí xứng đáng trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Vào tháng 8/2015, lúc đó thầy Hiếu nhận được cuộc điện thoại thông tin về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong chương trình đó, không có tên môn Sử (môn Sử không phải là môn học bắt buộc - PV).

“Buổi tối, tôi đọc lại thông tin đó và sáng hôm sau tôi gọi điện cho thầy Lê. Tôi nói: “Thầy ơi, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự kiến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và không có tên môn Sử”.

Thầy Lê nói với tôi: “làm gì có chuyện vậy!”. Tôi đã lấy danh dự khẳng định với thầy thông tin đó là chính xác và gửi mail về dự thảo chương trình cho thầy.

Đến trưa, thầy Lê gọi lại cho tôi, thầy bảo, dưới góc độ là giáo viên phổ thông, em viết một bài đi.

Giáo sư Phan Huy Lê xứng đáng là tượng đài ngành giáo dục Việt Nam ảnh 2GS.Phan Huy Lê: Khi trẻ con có chút nhầm lẫn lịch sử, họ từng chê bai ghê gớm

Dưới góc độ là Chủ tịch Hôi Lịch sử Việt Nam, thầy sẽ phối hợp với tất cả mọi người để có tiếng nói”, Thạc sĩ Hiếu kể lại.

Theo thầy Hiếu, trong giai đoạn đó, Giáo sư Phan Huy Lê rất bận nhưng Giáo sư đã gắng hết sức làm những gì trong khả năng có thể, bằng tầm ảnh hưởng, bằng uy tín, bằng sự kính trọng của nhiều người.

Thậm chí, có lúc những tiếng nói của giới sử học dường như rơi vào bế tắc vì gặp phải một số người bảo thủ trong cơ quan quản lý. Họ kiên quyết không thay đổi.

“Điều để tôi quý trọng hơn với thầy là ý chí, tâm huyết của thầy với bộ môn Sử.

Đáng lẽ ở tuổi đó, thầy phải được nghỉ ngơi nhưng thầy vẫn hy sinh thời gian nghỉ ngơi với gia đình và con cháu để bảo vệ môn Sử.

Đặc biệt thời điểm đó, thầy mang trong mình 2 căn bệnh về huyết áp và tim mạch. Vợ thầy cũng đang bệnh nhưng thầy vẫn gắng dành mọi thời gian, sức lực, tâm huyết cùng với giới sử học bảo vệ, đòi lại tên môn Sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Nếu như người khác trong hoàn cảnh đó, có lẽ đã buông xuôi nhưng thầy Lê thì không. Thầy Lê nói sẽ đấu tranh đến cùng để giữ lại môn Sử. Thầy bảo bỏ môn Sử là việc khó có thể chấp nhận”, Thạc sĩ Hiếu chia sẻ.

Với uy tín, tâm huyết nỗ lực của thầy, quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Cuối cùng vấn đề lại được quyết định ở Nghị trường Quốc hội.

Theo đó, trong Nghị quyết của Quốc hội thông qua vào tháng 11/2015 vẫn đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc ở chương trình phổ thông

Đây là thắng lợi lớn của giới sử học Việt Nam trong đó có vai trò cá nhân của thầy Phan Huy Lê.

Hình ảnh, trái tim, tấm lòng của thầy với nghề giáo, với giới sử học thể hiện rất rõ trong nhiều sự kiện. Trong đó có sự kiện trên.

Giáo sư Phan Huy Lê xứng đáng là tượng đài ngành giáo dục Việt Nam ảnh 3Thương tiếc nhà sử học Phan Huy Lê

Kỷ niệm thứ hai về Giáo sư Phan Huy Lê với Thạc sĩ Hiếu là thời gian gần đây, sức khỏe của thầy biểu hiện không tốt nhưng thầy vẫn dành thời gian cùng tập thể các nhà sử học hàng đầu Việt Nam hình thành bộ quốc sử 25 tập.

Thầy Phan Huy Lê có vai trò là tổng chủ biên. Đến thời điểm này, công trình này cũng đã sắp xong. Đó là những dấu ấn khá lớn của thầy với Thạc sĩ Hiếu.

Thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ, dù bận rất nhiều việc nhưng thời gian qua, thầy Lê vẫn luôn day dứt về việc cho thi trắc nghiệm môn Sử ở kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Thầy Lê cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn hình thức thi trắc nghiệm với môn Sử là xé nát môn này và làm cho học sinh không yêu môn Sử mà sẽ chán học sử hơn.

"Thi trắc nghiệm các em sẽ võ đoán hơn là thực sự có kiến thức. Đó là một điều day dứt lớn mà thầy Lê từng chia sẻ với tôi", Thạc sĩ Hiếu nhấn mạnh.

Đỗ Thơm