Tại Hội nghị Giáo dục năm 2017 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức vào ngày 22/9, một vấn đề được nhiều học giả quan tâm đó là Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của nhiều chuyên gia, trong đó có ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm.
Trong bài tham luận “Mục tiêu của giáo dục phổ thông Việt Nam nhìn từ Văn hóa”, ông Trần Ngọc Thêm chỉ ra một số điểm bất cập về mục tiêu giáo dục của nước ta và những hệ lụy của nói.
Theo ông Thêm, việc đặt mục tiêu giáo dục để đào tạo ra nguồn nhân lực phục vụ cộng đồng là đúng.
Nhưng nếu chỉ nói đến phục vụ cộng đồng mà quên đi lợi ích, hạnh phúc cá nhân của mỗi người học thì sẽ thiên lệch, bất cập và đòi hỏi không tưởng.
Quan niệm chỉ nhìn thấy trách nhiệm chung mà bỏ mất lợi ích riêng đã khiến cho mục tiêu giáo dục càng trở nên quan liêu, xa rời thực tế, thiếu tính khả thi, không có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển.
Bất cập đó khi đi vào thực tế lại thể hiện trên thực tế trở thành biến tướng ra bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh sĩ diện, thói khôn vặt… luyện gà nòi, học tủ, quay cóp, gian lận.
Nhiều ý kiến lo ngại về chương trình phổ thông mới (ảnh Trinh Phúc). |
Tại buổi hội thảo, ông Trần Ngọc Thêm phát biểu rằng, chương trình phổ thông tổng thể mới có rất nhiều những điểm mới, đi đúng hướng. Mục tiêu căn cứ vào Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị Quyết 88 của Quốc hội được cụ thể hóa bằng các phẩm chất và năng lực.
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thêm "hơi băn khoăn" về các phẩm chất, năng lực.
Theo ông, đó là những cái thế giới lợi ích mang đến gồm hai nhóm năng lực chung và năng lục cụ thể. Năng lực cụ thể như toán, tin học, nó cụ thể rõ ràng rồi. Nhưng năng lực chung có những cái chưa rõ ràng.
“Hai nhóm phẩm chất và năng lực đó của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hoàn toàn dựa trên cái tôi cho rằng chưa thuyết phục.
Đó là dựa trên những Nghị quyết lâu nay, dựa trên 5 điều Bác Hồ dạy, dựa trên tình hình thực tế có nghĩa thiếu các cơ sở khoa học thực sự sâu và có cơ sở” – ông Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng:
“Mục tiêu giáo dục của chúng ta lâu nay khá chung chung.
Hiện nay, đang dần dần cụ thể hóa nhưng nó vẫn đang là chung chung. Mục tiêu giáo dục của chúng ta quá to tát, toàn diện.
Đó là mục tiêu trên lý thuyết trong khi mục tiêu trong thực tế. Mục tiêu của nhà nước là giáo dục toàn diện nhưng xuống trường, xuống tới học sinh nó khác.
Vấn đề chúng ta mắc một cái bệnh, đó là văn hóa Việt Nam thích ổn đinh. Ổn định nghĩa là muốn mọi thứ phải cầm tay chỉ việc.
Vì cầm tay chỉ việc cho nên dẫn tới chỗ mô thức tuy duy của chúng ta là mô thức cố định trong khi lẽ ra mô thức của chúng ta là mô thức mở”.
Ông Trần Ngọc Thêm phân tích thêm:
“Vì sao VNEN mục tiêu là để học sinh linh hoạt sáng tạo nhưng trong khi triệt tiêu tính sáng tạo của người thầy, nó bắt người thầy thực hiện đúng kịch bản nên cuối cùng còn gì là sáng tạo nữa?
Điều này, nó diễn ra ở tất cả mọi nơi vì vậy chúng ta phải tỉnh táo chỗ này. Cái chương trình Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đặt ra rất là hay nhưng cuối cùng nó sẽ gặp thất bại và vỡ mộng như VNEN.
Tôi có cảm giác như chúng ta bị lẫn lộn cái chúng ta cần mở thì lại đóng nhưng cái chúng ta đóng thì lại mở.
Ví dụ các nước phát triển người ta rất ít có giải Pisa, họ không nhiều bằng ta nếu tính theo đầu người.
Ấy thế mà số lượng giải Nobel thì họ rất nhiều. Trong khi chúng ta không quan tâm mục tiêu xa là sáng tạo thực sự, đào tạo nhà khoa học.
Chúng ta có được Ngô Bảo Châu là ghê gớm lắm rồi trong khi giải Nobel của họ thì đầy. Ngịch lý ở chỗ lượng kiến thức người ta học được lại thua chúng ta.
Vậy thì nguyên nhân do đâu, tôi nghiên cứu và chỉ ra, chúng ta chỉ quan tâm cái trước mắt đó là cái tư duy đối phó của anh văn hóa nông nghiệp mà quên đi tầm nhìn xa”.
Giáo sư Thuyết hy vọng loại bỏ được nền giáo dục "ứng thí thâm căn cố đế" |
Cũng liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng:
"Những gì đã công bố triển khai đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục, tôi từng chứng kiến các cuộc đổi mới giáo dục 1959 cho đến nay.
Tất cả đều thế cả, cả tư tưởng triết học đến nghiệp vụ thực thi đều thế cả.
Chương trình mới này, tư tưởng triết học chỉ như chương trình năm 2000.
Nay chỉ nói khác đi, nói khéo đi, nói những vấn đề xưa nay giáo dục cổ truyền vẫn nói.
Công nghệ thực thi vẫn như cũ như những lão nông giàu kinh nghiệm, không có công nghệ mới áp dụng vào giảng dạy.
Thầy giảng trò ghi nhớ vẫn là công thức duy nhất xưa nay với những mưu mẹo liên quan đến kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, trừng phạt, noi gương.
Làm gì cũng cần có con người cụ thể làm việc đó.
Tất cả những ai liên quan đến giải pháp đổi mới toàn diên giáo dục đều phải có quyết tâm chính trị, quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Nếu chưa đủ thực hiện thì thà tu sửa chương trình năm 2000 còn hơn”.
Xung quanh những ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ rằng:
“Xin nêu rõ chương trình thế giới theo định hướng phát triển các nước châu Á xác định các mục tiêu phẩm chất. Các nước Trung Quốc, Hà Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đều xác định phẩm chất rất cụ thể.
Các chương trình ở các nước Âu Mỹ người ta không đưa ra các mục tiêu về phẩm chất nhưng thực tế người ta đánh giá lại rất chú ý tới phẩm chất học sinh.
Tại sao phẩm chất lại dựa vào các Nghị quyết của Đảng, báo cáo với thầy Trần Ngọc Thêm là thế này:
Mình đang xây dựng con người Việt Nam mà Đảng có Nghị quyết xây dựng con người và văn hóa Việt Nam.
Căn cứ nào để mà thuyết phục, để thực hiện xây dựng yêu cầu con người văn hóa Việt Nam nếu không dựa vào các Nghị quyết của Đảng?
Các Nghị quyết này được xây dựng trên cơ sở ý kiến rất nhiều người nghiên cứu chứ không phải chúng tôi ngồi nghĩ ra những phẩm chất như thế.
Về năng lực: Năng lực chung, tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo thể hiện qua phương pháp dạy học. Đối với một số môn, trực tiếp hình thành.
Mục tiêu, vĩ mô và vi mô phải hài hòa. Riêng giải Nobel chúng ta không có còn nhiều lý do lắm.
Chúng ta không phải dạy học sinh thi Pisa thôi. Còn trong tương lai có được giải Nobel không chúng ta đang chờ đợi”.