Giáo viên đã hợp đồng đi dạy đến hơn 20 năm, sao còn gọi là “tạm tuyển” nữa?

14/08/2018 07:10
Thùy Linh
(GDVN) - Thầy Tùng Lâm kiến nghị, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cần có câu trả lời rõ với 434 giáo viên xem hiện nay huyện đang thừa, thiếu bao nhiêu giáo viên?

Từ ngày 1/9/2018 sắp tới, hàng trăm giáo viên hợp đồng đang giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Oai sẽ bị Ủy ban nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được Ủy ban nhân dân huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các nhà trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền.

Thông tin này khiến 434 giáo viên của huyện Thanh Oai thuộc diện này đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Trong đó, nhiều giáo viên đã hợp đồng hơn 20 năm vẫn đứng trước nguy cơ cho nghỉ việc.

Trước thông tin trên, nhiều giáo viên như “ngồi trên đống lửa” và bức xúc cho rằng, việc Ủy ban nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng cần bảo đảm thấu tình, đạt lý, bởi hiện nay người lao động vẫn chưa được biết nguyên nhân cụ thể như thế nào!

Thầy Tùng Lâm kiến nghị, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cần có câu trả lời rõ với 434 giáo viên xem hiện nay huyện đang thừa, thiếu bao nhiêu giáo viên? (Ảnh: Trinh Phúc)
Thầy Tùng Lâm kiến nghị, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cần có câu trả lời rõ với 434 giáo viên xem hiện nay huyện đang thừa, thiếu bao nhiêu giáo viên? (Ảnh: Trinh Phúc)

Xung quanh sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, câu chuyện 434 giáo viên ở Thanh Oai đứng trước nguy cơ mất việc đã bộc lộ 2 vấn đề. 

Thầy Lâm chỉ rõ, thứ nhất, về phía người lao động mà trong trường hợp này chính là giáo viên phải biết luật, phải hiểu rõ thế nào là biên chế, thế nào là hợp đồng tạm tuyển để chấp nhận cuộc chơi, tránh tình trạng bị bơ vơ, bị động. 

Thứ hai, về phía Ủy ban nhân dân huyện, Nhà trường lưu ý rằng, khi sử dụng người lao động phải có trách nhiệm với họ và cùng bàn bạc, tạo điều kiện để mang tính chất xã hội chứ không phải cứ hết hợp đồng là đẩy họ ra đường. 

Giáo viên đã hợp đồng đi dạy đến hơn 20 năm, sao còn gọi là “tạm tuyển” nữa? ảnh 2Bà Bùi Thị An giật mình vì lương bậc 1 của cô giáo 20 năm tuổi nghề

Hơn nữa, hợp đồng tạm tuyển chỉ nên có thời gian từ 1-2 năm, chứ kéo dài hợp đồng đó hơn 20 năm rồi chấm dứt thì ai còn gọi là “tạm tuyển” nữa. 

Chính vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai cần có câu trả lời rõ ràng với 434 giáo viên xem hiện nay huyện đang thừa, thiếu bao nhiêu giáo viên?

Những giáo viên này sẽ được tuyển dụng như thế nào trong thời gian tới? 

Bởi lẽ, theo thầy Lâm, đối với những giáo viên có năng lực, tâm huyết với nghề, cống hiến lâu năm thì cần có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho họ và có lộ trình để giáo viên thực hiện.

Còn đối với những giáo viên chưa đáp ứng về mặt năng lực thì cũng cần đảm bảo chế độ thôi việc, có định hướng cụ thể để họ bớt hoang mang. 

Trước đó như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài viết về nguy cơ mất việc của 434 giáo viên huyện Thanh Oai.

Trong đó có thông tin, ngày 19/7/2018, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội ra văn bản số 1020/UBND-NV do bà Lê Thị Hà - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai ký về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Một trong những nội dung trong văn bản nêu: “Thực hiện việc phân cấp ký hợp đồng lao động tại các trường công lập thuộc các huyện:

Ủy ban nhân dân huyện chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp trước đây được Ủy ban nhân dân huyện đã ký hợp đồng lao động làm giáo viên và nhân viên tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do Hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền từ ngày 1/9/2018…”.

Thùy Linh