Trong những quốc gia vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, kể cả trường hợp đặc thù của Việt Nam là “cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn hoặc không xác định thời hạn, luôn đối diện với nguy cơ bị bên sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ngay cả người được tuyển dụng làm viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập vẫn có thể bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Câu chuyện giáo viên ký hợp đồng lao động bị chính quyền cấp huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng gần đây tại một số địa phương đặt ra một số vấn đề:
Thứ nhất, tính pháp lý liên quan đến quyết định (đơn phương) chấm dứt hợp đồng của bên sử dụng lao động;
Thứ hai, quyền lợi của người bị chấm dứt hợp đồng;
Thứ ba, những vấn đề xã hội và nhân văn.
Ảnh mang tính minh hoạ: Laodongthudo.vn |
Với những người được tuyển dụng làm viên chức giáo dục (giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập) việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tuân theo Luật Viên chức.
Nhà giáo ký hợp đồng lao động với chính quyền cấp huyện nhưng chưa được tuyển dụng làm viên chức thì việc chấm dứt hợp đồng phải căn cứ vào Luật Lao động.
Bài viết này nêu một số ý kiến xung quanh chuyện nhà giáo ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với chính quyền (cấp huyện) bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Với trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn, việc chấm dứt hợp đồng khi hết hạn là điều hiển nhiên, nếu bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, thày cô giáo có thể tham khảo thêm các gợi ý trong bài viết này.
I. Về phía chính quyền:
Ai bồi thường tuổi thanh xuân cho 434 giáo viên nếu bị đuổi việc? |
Theo khoản 1 điều 38 Luật Lao động (2012), người sử dụng lao động (chính quyền huyện) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong 4 trường hợp:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.
Điều 41: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
“Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này”.
Nếu chính quyền cấp huyện không chứng minh được người lao động vi phạm một trong bốn quy định a, b, c, d của điều 38 nêu trên thì việc chấm dứt hợp đồng với nhà giáo là hành vi trái pháp luật quy định tại điều 41 nêu trên.
Thanh Oai tổ chức thi cho 434 giáo viên là để tuyển dụng hay sa thải? |
Có thể chính quyền nêu lý do việc chấm dứt hợp đồng là do nhà giáo không đỗ trong kỳ thi tuyển viên chức do chính quyền tổ chức.
Dẫu thế chính quyền vẫn phải thực hiện theo đúng các điều khoản đã giao kết trong hợp đồng và quy định của Luật Lao động.
Khi chính quyền “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật” thì phải thực hiện các quy định nêu trong điều 42 Bộ Luật Lao động:
“Điều 42: Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”:
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
II. Về phía người lao động
"Được trả lương bằng thóc lép chúng tôi vẫn lên lớp, sao nay lại cắt hợp đồng" |
Các thày cô giáo cần nhận thức rõ là chính quyền huyện có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định của Luật Lao động.
Vấn đề là tùy vào từng trường hợp cụ thể (hợp đồng có thời hạn, không xác định thời hạn) việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đó đúng hay trái pháp luật.
Mặt khác, cần chú ý là trong hợp đồng lao động không xác định thời hạn, bên sử dụng lao động có “thòng” vào điều khoản cho phép bên sử dụng lao động không phải bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng và người lao động không được khởi kiện hay không?
Nếu hợp đồng lao động của các thày cô giáo bị chấm dứt trước thời hạn (trái pháp luật) thì các thày cô giáo có quyền yêu cầu chính quyền thực hiện khoản 1 điều 42 nêu trên, nghĩa là:
a. Phải “nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết”;
b. Trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc” và “bồi thường ít nhất 02 tháng lương theo hợp đồng”.
Nếu chính quyền huyện vẫn không tiếp nhận những người bị chấm dứt hợp đồng (trái pháp luật) trở lại làm việc và không đền bù thỏa đáng theo quy định tại khoản 3 điều 42 (hai bên thỏa thuận mức đền bù) thì cách giải quyết cuối cùng là khởi kiện chính quyền ra tòa.
Trong trường hợp quyết định khởi kiện, nếu có nhiều người cùng tình trạng tương tự thì nên khởi kiện tập thể, không nên làm riêng rẽ để giảm các chi phí phát sinh.
III. Những vấn đề xã hội và nhân văn
434 giáo viên Hà Nội nguy cơ mất việc, có người cống hiến đã 23 năm |
Một trong những vấn đề đối với người lao động trong ngành giáo dục bị mất việc là trạng thái tâm lý.
Từ vị thế đang được xã hội gọi là thày/cô giáo chuyển đến đến chỗ làm việc chân lấm tay bùn, có gì đó hơi ngượng ngùng, xấu hổ.
Tâm lý này khiến nhà giáo luôn cố bám lấy nghề dù đồng lương khá ít ỏi.
Một số người không biết nghề phụ, không chủ động học nghề mới để xin vào các cơ sở kinh doanh, sản xuất và do đó đối diện với nguy cơ thất nghiệp.
Đây là điểm yếu cố hữu của đội ngũ giáo viên, khác với không ít công nhân sẵn sàng bỏ việc chuyển sang cơ sở mới nếu được đãi ngộ tốt hơn hoặc điều kiện làm việc thuận tiện hơn.
Những nhà giáo đã làm việc xấp xỉ 20 năm, thời gian cần làm tiếp để được hưởng bảo hiểm không dài.
Vậy có nên làm bất kỳ công việc gì miễn là người/cơ quan sử dụng lao động chấp nhận việc tiếp tục đóng bảo hiểm cho người lao động?
Về phía chính quyền, đối với những người có hợp đồng lao động (không xác định thời hạn) đã làm việc khoảng 20 năm mà chấm dứt hợp đồng là cách giải quyết quá cứng nhắc, không thỏa đáng, đặc biệt khi người lao động không vi phạm các quy định của pháp luật và các điều khoản đã giao kết trong hợp đồng.
Để tránh bị khởi kiện ra tòa, chính quyền huyện cần tiếp nhận những người đó trở lại làm việc cho đến khi đủ thời hạn được hưởng lương hưu.
Cần xem lại lý do vì sao chính quyền tiền nhiệm ký hợp đồng lao động vượt quá chỉ tiêu hoặc không tuân thủ các quy định hiện hành, chẳng hạn việc thi tuyển biên chế viên chức giáo dục hàng chục năm không tổ chức, có tiêu cực không trong việc ký hợp đồng lao đông với giáo viên,…?
Cũng cần xem lại vai trò của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi nhà giáo.
Vì sao để xảy ra tình trạng nhiều địa phương chấm dứt hợp đồng lao động như vậy?
Một vài ý kiến nêu trên chắc chắn là không đầy đủ và có những khiếm khuyết vì sự hiểu biết pháp luật có hạn.
Người viết hy vọng giúp cho những thày cô giáo có nguy cơ thất nghiệp bình tĩnh và có giải pháp tự lo liệu cho cuộc sống chứ không phải trông chờ vào lòng trắc ẩn của xã hội, nhất là vào những người được liệt vào hàng ngũ “hành là chính”.