LTS: Trước 3 phương án Kỳ thi quốc gia THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều bài viết thể hiện các quan điểm khác nhau về vấn đề này. Phần nhiều ý kiến đồng ý với việc đổi mới học và thi, nhưng chưa đồng tình với các phương án thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Bài viết sau là của một giáo viên (đề nghị giấu tên) hiện đang công tác tại một trường THPT với những góp ý rất tâm huyết và đáng chú ý, Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Mấy ngày qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 3 phương án cho kì thi quốc gia trung học phổ thông. Dư luận dường như thiên về phương án 1. Nhưng dù có theo phương án nào đi chăng nữa thì theo tôi cái quan trọng nhất vẫn là tổ chức thi thế nào để kết quả đạt tương đối chính xác và hạn chế tối đa những tiêu cực.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất một số phương án coi thi song tôi thấy vẫn chưa thể đảm bảo hạn chế tiêu cực. Là giáo viên có nhiều năm coi thi và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tôi mạnh dạn đề xuất một số ý kiến về tổ chức thi và coi thi như sau:
Thứ nhất, toàn hệ thống chính trị phải chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo tính nghiêm túc của kì thi này. Năm 2007, chúng ta thành công được việc tổ chức kì thi tốt nghiệp được dư luận đánh giá cao có một nguyên nhân rất quan trọng đó là công tác chỉ đạo từ trung ương đến địa phương. Những năm sau công tác chỉ đạo có phần xem nhẹ nên kết quả tăng đột biến đến lạ lùng.
Toàn hệ thống chính trị phải chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo tính nghiêm túc của kì thi quốc gia (Ảnh minh họa) |
Thứ hai, về khâu tổ chức coi thi, dứt khoát khoát không cho trường sở tại coi thi học sinh của mình. Chẳng hạn học sinh huyện này cho thi ở huyện khác. Các hiện tượng ném bài, giải đề trong mấy năm gần đây xảy ra như vụ Đồi Ngô có nguyên nhân từ việc trường sở tại được coi thi học sinh của mình. Học sinh đến nơi khác thi cũng bỡ ngỡ nên cũng hạn chế tiêu cực.
Thứ ba, công tác thanh tra giám sát thi vô cùng quan trọng. Giám thị có lơ là, học sinh có quay cóp được không cũng là do lực lượng thanh tra, giám sát này. Theo tôi vẫn phải tăng cường lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ cắm chốt tại các địa điểm thi. Nhưng quan trọng hơn vẫn là cần có lực lượng thanh tra lại lực lượng thanh tra ủy quyền này để họ có muốn lơ là, bỏ qua hay làm ngơ cho tiêu cực cũng không được.
Trên các phòng thi cần lắp camera giám sát để chúng ta có bằng chứng xử lí tiêu cực chứ không quay lại thì lời nói gió bay. Có camera nhưng chúng ta phải xử lí quyết liệt những tiêu cực thu được từ camera. Phải kết nối camera với các phương tiện truyền thông khác chứ không chỉ ở Bộ.
Với các nhà báo, chúng ta cần cho các phóng viên đến phòng thi đến bất cứ lúc nào miễn là có thẻ phóng viên. Không được cản trở phóng viên tác nghiệp và không có chuyện chủ tịch hội đồng coi thi dẫn đường phóng viên đến tác nghiệp. Chúng ta đừng ngại nhà báo đến nếu không có tiêu cực. Chỉ những nơi làm tiêu cực mới sợ nhà báo đến thôi.
Thứ tư , công tác ra đề thi được đánh giá là vẫn đề then chốt. Chúng ta hãy ra đề thế nào để thí sinh muốn quay cóp, hội đồng thi muốn làm tiêu cực cũng không được. Theo tôi, để khắc phục điều đó mỗi phòng thi chúng ta ra 24 đề thi có nội dung khác nhau nhưng tương đương, chứ đừng đảo từ một đề thành nhiều đề như lâu nay đối với môn trắc nghiệm vì thực tế cách ra đề này học sinh đã rất quen với kiểu dò đề.
Với cách ra đề như tôi nói thì rất đơn giản đối với môn trắc nghiệm vì có máy chấm. Còn đối với môn tự luận thì khó khăn hơn một chút. Nhưng không sao chúng ta sẽ phân ra các mã đề để làm phách, đóng túi và chấm thi. Làm được thế thì thí sinh muốn nhìn bài cũng khó, hội đồng thi muốn ném bài thì hãy giải được 24 đề, chắc không đủ thời gian.
Trên đây là những ý kiến rất tâm huyết của tôi nhằm đóng góp cho kì thi quốc gia hạn chế tối đa tiêu cực. Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và áp dụng. Có vấn đề Bộ có thể áp dụng được ngay, có vấn đề nếu chưa áp dụng được thì hãy nghiên cứu cho năm tới.