Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam muốn đi thẳng lên tầm thế giới

16/10/2014 07:05
Xuân Trung
(GDVN) - Cộng đồng kinh tế Asean chính thức hình thành vào năm 2015, Giáo dục Việt Nam cần có sự chuẩn bị để đối mặt với thách thức và tìm kiếm những cơ hội vàng.

TS. Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Trường Đại học FPT (một trong những hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam) có buổi trò chuyện xung quanh chủ đề giáo dục và triết lý giáo dục của Việt Nam và thế giới, tối ngày 15/10, tại Hà Nội.

Trao đổi thẳng thắn, TS. Đàm Quang Minh cho rằng, thay vì quẩn quanh với giáo dục Việt Nam thì chúng ta hãy tuân theo các tiêu chuẩn và thị trường quốc tế, lúc đó chúng ta mới có điều kiện quốc tế hóa và cơ hội giáo dục được mở rộng.

Làm gì để không phải làm thuê ở “sân nhà”?

Câu hỏi này khiến nhiều người nghĩ rằng, chúng ta đang bị động làm thuê ở khía cạnh giáo dục ngay chính trong đất nước ta. Bằng chứng là hàng năm chúng ta mất hàng tỷ USD cho sinh viên đi du học, trong khi đó ngược lại đất nước vẫn rất khiêm tốn được sinh viên các nước đón nhận là nơi đến để du học. 

Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam muốn đi thẳng lên tầm thế giới ảnh 1

TS.Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Trường Đại học FPT.

Tại sao Việt Nam không thể là điểm du học trên thế giới, điều này có quá cao xa? Câu trả lời hoàn toàn có thể và nằm trong tầm tay của chúng ta. Hãy thử nhìn sang các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc đang thu hút hàng trăm ngàn sinh viên quốc tế đến du học. Thật ngược khi chúng ta phải kêu gọi những người giỏi Việt Nam về đóng góp cho đất nước mà không để những người giỏi của thế giới đóng góp cho Việt Nam?

Theo TS. Đàm Quang Minh, để phát triển và đón đầu thời kỳ hội nhập, Việt Nam cần phải biến thành một trung tâm của trí tuệ, một cái chợ về tri thức, và chúng ta cũng cần làm gì để 3-5 năm tới có 10% sinh viên và 15% giảng viên là người nước ngoài đến học và giảng dạy? Tâm huyết với sự nghiệp “xuất khẩu giáo dục”, TS. Đàm Quang Minh đã đưa ra những định hướng để giáo dục tiến sát mục tiêu này.

Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam muốn đi thẳng lên tầm thế giới ảnh 2Không đâu ở trái đất này làm chương trình-sách giáo khoa như Việt Nam

(GDVN) - "Gần 200 nước đều làm được chương trình - sách giáo khoa, song cách nghĩ cách làm, xin khẳng định không nước nào giống cách làm của Việt Nam từ 1980 đến nay".

Theo đó, để quốc tế hóa chúng ta phải có chương trình quốc tế (nhiều trường đã có), phải có giảng viên quốc gia (đã có), phải có sinh viên quốc tế dạy bằng tiếng Anh (Đại học FPT đang tiến hành) và chúng ta phải Campus (cơ sở ở nước ngoài), điều này chưa trường Đại học nào ở Việt Nam làm được. 

Nhìn ra các nước, bài học ở Singapore và Malaysia thì lãnh đạo đất nước khao khát biến đất nước thành trung tâm của thế giới cả về kinh tế và giáo dục, đất nước họ xây Campus và mời các trường đến. Hay như ở Vương quốc Anh, đất nước bán thương hiệu quốc gia về giáo dục, coi đó là ngành kinh tế xanh mang lại của cải cho đất nước.

Với Trung Quốc và Philipin đó là cách làm giáo dục ở sự khác biệt và năng động. Hai nước này luôn có nhiều sinh viên nước ngoài tới theo học. 

Nhìn về các trường đại học ở Việt Nam, TS. Đàm Quang Minh cho rằng chúng ta chưa chú trọng tới chất lượng giáo dục đại học, không xây dựng được thương hiệu, chỉ chú trọng tuyển sinh cho thật nhiều sinh viên, tính cạnh tranh kém, do đó chất lượng đào tạo kém. Điều đó được minh chứng tỷ lệ thất nghiệp phần lớn rơi vào người mơi ra trường.

“Tôi có nhiều bà con ở quê, có con học xong về làm may, do đó mất nhiều thời gian, nhiều nhà vay nợ cho con đi học, nhưng học xong không có việc làm. Nếu không giải quyết được việc này sẽ lãng phí cho xã hội” TS. Minh bày tỏ.

Tân hiệu trưởng Đại học FPT đặt câu hỏi: “Vậy kỹ năng thế kỷ 21 này là gì?” Đối với TS. Minh, ở thời đại này tất cả những gì chúng ta dạy học trò đều vô nghĩa và sắp trở nên vô nghĩa. Vậy cần có một kỹ năng, nhưng học kiến thức hay học kỹ năng? Câu hỏi này TS. Đàm Quang Minh cho rằng, nếu là kiến thức thì sai lầm, vì kiến thức trước đây là bác học và hiện nay với thời đại công nghệ thì ai cũng có thể là bác học.

Do đó, tân hiệu trưởng Trường Đại học FPT tâm niệm, phải triển khai được phương pháp mới, phương pháp đó là đào tạo theo dự án, học thuyết kiến tạo, học tập định hướng đầu ra chứ không quan tâm đầu vào.

Chấp nhận bù lỗ để quốc tế hóa giáo dục

TS. Đàm Quang Minh cũng bày tỏ, trong “thị trường” giáo dục trong nước, Đại học FPT không muốn cạnh tranh với trường nào, bởi một năm trường có thể kiếm được 1 triệu USD từ sinh viên nước ngoài đến du học.

Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam muốn đi thẳng lên tầm thế giới ảnh 3Bộ Giáo dục đang nhầm lẫn giữa dạy chữ và dạy người

(GDVN) - GS.TS, Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử: "Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, không có chữ là không có gì hết, không làm được gì hết"

Còn nhớ, khi Trường Đại học FPT mới thành lập, sinh viên vào học được trường cam kết đầu ra. Tuy nhiên, lời cam kết này được 7 năm và hiện nay không còn cần thiết vì lượng sinh viên ra trường tại đây có việc làm chiếm tỷ lệ rất cao.

Theo chia sẻ của TS. Đàm Quang Minh, nhận chức hiệu trưởng của một trường ngoài công lập, trường đào tạo về lĩnh vực công nghệ nên phải đi nhiều. Là người trẻ, tự xác định cho mình còn nhiều thời gian gắn bó với trường, từ đó cách làm giáo dục sẽ dài hơi hơn, đầu tư hơn. Muốn làm giáo dục dài hơi theo quan điểm của TS. Minh phải có người trẻ, cần nhiều người trẻ để làm mới, đưa những giá trị mới.

Nói về quốc tế hóa giáo dục, Trường Đại học FPT là một trong những trường đi tiên phong đón nhận sinh viên nước ngoài đến du học hoặc trao đổi sinh viên với các trường ở nước ngoài. TS. Đàm Quang Minh cho rằng, đã chấp nhận quốc tế hóa là bị lỗ nhiều, bởi hàng năm trường phải đi ra thế giới để quảng bá.

“Chưa biết làm được gì hay không khi cứ đi Châu Âu, Châu Phi là toi 100 triệu, mỗi năm vài lần như vậy. Nhưng quá trình đó cần phải làm, Đại học FPT sẵn sàng chia sẻ nguồn lực này muốn các trường hợp tác với nhau. Bởi trước đây tính hợp tác giữa các trường đại học ở Việt Nam rất kém, sinh viên học năm 2 muốn chuyển trường khác không được. Đáng nhẽ các trường phải trao đổi, giúp đỡ, chia sẻ với nhau thì mới hội nhập được. Quốc tế hóa mặc dù không rẻ nhưng quyết tâm thì vẫn làm được” TS. Minh khẳng định.

Xuân Trung