LTS: Trước nỗi buồn của các thầy cô giáo bị điều chuyển xuống dạy Mầm non, thay mặt nhóm soạn tài liệu sách giáo khoa thiện nguyện Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn gửi tặng các giáo viên một phương pháp tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong công việc mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Đọc trên báo, tôi thấy có chuyện nhiều giáo viên đào tạo cho bậc trên được điều xuống dạy Mầm non, Mẫu giáo, đều tỏ ra không yên tâm. Và có nhiều cô giáo đã khóc.
Tôi thay mặt nhóm soạn sách giáo khoa thiện nguyện Cánh Buồm thân ái tặng các bạn một giải pháp mô tả như sau đây. Tùy các bạn rồi sẽ đặt tên đó là giải pháp gì.
Riêng tôi muốn đặt tên đó là giải pháp “Hi hi … không khóc nữa!” Các nhà giáo được đào tạo đại học hãy cùng tham gia sáng kiến này. Nhưng trước hết …
Hãy cùng quan sát
Các bạn có nhận thấy việc học tiếng Việt mẹ đẻ của con em ta tại các trường Mầm non và Mẫu giáo đều … có vấn đề không?
Ngày xưa, khi chưa có các trường và lớp dạy trẻ, việc “dạy” ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ từ ẵm ngửa đến lúc lên ba lên bốn… đều do bà và do mẹ tự làm. Việc dạy nói ban đầu thường là những cuộc hỏi chuyện âu yếm.
Bà thì nhổ vội miếng quết trầu … mẹ thì lau vôi mồ hôi … rồi cả bà cả mẹ dè cháu đè con ra mà “dạy nói”.
“Âu … à… thằng cún của bà kìa … con thị mẹt của mẹ kìa … cười à … có gì mà toét cái miệng ra thế … bà thì bà đét đít cho thằng cún bây giờ … mẹ thì mẹ đét đít cho con thị mẹt bây giờ … đói chưa, bà gọi con mẹ vào cho bú nhé … đói chưa mẹ cho bú nhá … cười tí đi rồi bà gọi mẹ mày vào … cười đi rồi mẹ cho bú …”.
Đến khi cả con chị hơn nó vài bốn tuổi, cả bà dì hơn cháu non chục tuổi, cũng theo mẫu đó mà “dạy nói”. Các “nhà giáo” tha hồ phát huy sáng kiến mà chẳng cần viết bản thành tích gửi lên Phòng, lên Sở…
Cái “nghề mẫu giáo” xưa chẳng có gì là sư phạm hết! Nhưng đúng như nhà ngôn ngữ học John Francis McKay từng nhận xét: ta thống kê được những từ trẻ em nói ra, như ta không thống kê nổi những từ các em nghe được và bật ra.
Cho đến lúc “trẻ lên ba cả nhà học nói”. Rồi nó ra lớp vỡ lòng. Ông hương sư dạy nó học chữ cái, dạy nó đánh vần, và … nó “nên người” lúc nào không ai biết nữa!
Cho đến hôm nay…
Những trường nghèo thì phó mặc việc phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ của các cháu cho các cô giáo không được đào tạo kỹ càng lắm.
"Hihi... không khóc nữa" là phương pháp nhà giáo Phạm Toàn muốn gửi đến các giáo viên thuộc diện điều chuyển sang cấp Mầm non. (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn) |
Các phó tiến sĩ ở Nga Xô về thì quả quyết rằng trẻ em khi đi học đã có cái vốn chừng một nghìn từ. Nhưng khi được hỏi lại, đó là từ tiếng Nga hay từ tiếng Việt, thì ít đồng chí nào đáp lại thỏa đáng.
Vào thời hiện đại, bà nội và bà ngoại còn trẻ măng, thích cháu mình nói tiếng Anh như người bản địa. Chia tay cháu thì bai bai. Cho cháu cái kẹo thì chờ nó thanh kiu.
Các bà mẹ thì bận việc cơ quan, việc doanh nghiệp, quẳng con cái cho nhà trường … những nhà trường thời hiện đại giáo viên phải chiều lòng phụ huynh mọi nhẽ, và e ngại đòi hỏi của phụ huynh hơn cả sợ hùm.
Và ngành chức năng thì ban cho cái “lệnh” khá mơ hồ, làm quen với con chữ.
Các trường mầm non và mẫu giáo “hiện đại” đáp ứng mua về các con chữ với những công dụng ghi tiếng nói nào, tiếng Anh hay tiếng Việt, thật khó mà biết.
Một giải pháp
Nhóm Cánh Buồm, sau khi tạm hoàn thiện bộ sách học Tiếng Việt và Văn từ lớp 1 đến lớp 9, dã mạnh dạn đầu tư vào việc soạn chương trình và sách Tiếng Việt cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi.
Tập bản thảo được giao cho ba người cùng thực hiện, bạn Phạm Toàn, bạn Hoàng Giang Quỳnh Anh (mới đi tu nghiệp tại Hà Lan) và bạn Phạm Thị Thu giáo viên Cao đẳng sư phạm Mẫu giáo Trung ương.
Những giọt nước mắt nghẹn ngào của nhiều giáo viên Thanh Hóa |
Mục đích của cuốn sách được phát biểu ngắn gọn như sau: phát triển có hệ thống năng lực tiếng Việt để các cháu vào học lớp 1 trường phổ thông.
Đường lối của cuốn sách được thực hiện như sau: nếu như ở nhà trường phổ thông, năng lực tiếng Việt gồm bốn yếu tố Nói – Nghe – Đọc – Viết thì ở trường Mầm non hoặc Mẫu giáo, năng lực đó là bốn yếu tố Nói – Nghe – “Đọc” – Vẽ.
Các bài học xoay quanh các chủ đề gia đình và xã hội gần gũi và cần thiết cho các cháu.
Mỗi bài học và mỗi tiết học đều bắt đầu với việc xem vật thực và dần dần thay đổi bằng cách xem hình ảnh chụp lại vật thực và tiến lên hoặc xen kẽ với xem biểu tượng thường gặp trong đời sống (biểu tượng tín hiệu giao thông, thang máy, thùng rác, bệnh viện, nhà toa-lét, khu vui chơi, nhà dưỡng lão, vân vân …).
Nói và Nghe ở bậc Mầm non hoặc Mẫu giáo đi theo từng chủ đề và tiến hành trước hết với việc cung cấp từ.
Nghĩa của từ được cung cấp cho các cháu qua việc mô tả bằng hành động của chính các cháu. Thí dụ qua tín hiệu giao thông và biểu tượng mẹ dắt con để phân biệt cầm tay, nắm tay, chỉ tay, dắt tay…
Nói và nghe và cách dùng các từ còn thực hiện qua trò chơi đóng vai để vừa phát huy trí tưởng tượng của các cháu vừa cho các cháu hết nói ngọng và còn biết dùng nhiều cách diễn đạt đồng nghĩa, phong phú.
Thí dụ, cùng một lời cám ơn khi bà cho quà, cũng lễ độ nhưng còn cần thêm những cách diễn đạt khác vẫn giản dị mà thi vị hơn: cháu cám ơn bà, cháu xin bà, ôi thích quá cháu cám ơn bà, bà yêu cháu quá, cháu mang về khoe mẹ cháu bà nhé …
Thí dụ: thay cho lời chia tay Tạm biệt nghe vừa “tây” vừa khô khan, cò thể cho các cháu học nhiều cách biểu đạt đồng nghĩa khác, cháu chào bà cháu về, bà ở lại cháu về bà nhé, ôi cháu nhớ bà lắm nhưng cháu phải về, mẹ cháu đang chờ bà ở lại nhé…
Tiếp theo việc nghe và nói, các em sẽ học đọc nhưng thay cho đọc văn bản viết, ở đây là đọc biểu tượng theo cách hiểu và theo cách diễn đạt của các cháu. Vì vậy, trên kia, chúng tôi viết yếu tố “Đọc” trong ngoặc kép.
Cùng một tín hiệu đèn đỏ ở ngã tư đường, qua các trò chơi đóng vai, các em sẽ “đọc” theo nhiều cách khác nhau qua “kích thích” là lời mẹ giục giã “Đi thôi, con!”):
- Đèn đỏ, không được đi,
- Đèn đỏ, đi nguy hiểm lắm!
- Đèn đỏ, sao lại đi?
- Cô dạy con rồi, đèn đỏ cấm đi đấy. vv…
Còn yếu tố vẽ trong bốn yếu tố nói, nghe, “đọc”, vẽ là thế nào?
Từ cuối lớp 1 trở đi (học theo sách Cánh Buồm) học sinh sẽ tự sơ kết tiết học của mình bằng những luyện tập bao gồm cả bốn việc Nói – Nghe – Đọc – Viết (viết một từ, viết một câu, và cũng có thể cả vẽ nữa).
Mỗi khi lấy bút chấm chấm chấm chấm, em đều lẩm nhẩm mưa… mưa… mưa… mưa… |
Nhưng với học sinh trước sáu tuổi, các em chưa biết chữ, bài học tự sơ kết sẽ được thực hiện bằng bài luyện tập vẽ. Vẽ gì cũng được, miễn là vẽ.
Người viết bài này đã theo dõi một em bé ba tuổi rưỡi vẽ bức tranh trên đây mà mỗi khi lấy bút chấm chấm chấm chấm, em đều lẩm nhẩm mưa… mưa… mưa… mưa…
Nhà sư phạm cố gắng tìm cách kiểm tra cách “đọc” của các em bé như vậy.
Kết luận
Nếu các giáo viên cấp cao được cử “xuống” dạy lớp dưới, xin đừng khóc. Hãy cười vui và tận dụng cơ hội này để giúp con em người khác và nhân tiện giúp con em mình học tiếng Việt – nhà giáo nào mà chẳng có cháu hoặc có con?
Nhưng nghĩ rằng, các nhà giáo yêu đời và có trình độ nghiên cứu sẽ lợi dụng từ việc xuống dạy lớp dưới này mà làm thêm được nhiều điều.
Chẳng hạn như luận án dựa trên quan sát thực sự trẻ em Việt Nam – thậm chí của chính con mình, như Jean Piaget đã làm – để có những công trình trả lời có căn cứ khoa học, từ 4 đến 6 tuổi, trẻ em Việt Nam có vốn liếng bao nhiêu từ?
Thậm chí còn là luận án sư phạm sâu kỹ hơn nữa: làm cách gì để tạo được vốn từ cho trẻ em Việt Nam?
Vui thế, việc gì phải khóc?
Đề án sách Tiếng Việt Mầm non của nhóm Cánh Buồm không phải là duy nhất.
Nhưng nhóm Cánh Buồm sẽ tìm được cách đem ra thực thi.
Nó cũng kêu gọi những đề án tương tự cùng ra đời, hô ứng cùng nhau, để việc học tiếng Việt của trẻ không rơi vào tình trạng hỗn loạn – nhất hạng là không bị tình trạng sính tiếng Anh chèn ép.
Và nó cũng đưa ra một lối thoát cho các giáo viên chuyển cấp, trong đó phần đông là các cô giáo… cô nào cũng mau nước mắt.
Các cô giáo nghe thì nghe, không nghe thì cũng coi như chuyện đọc vui khi nấu một vài bát canh…