Học sinh lớp 12 không còn ôm tham vọng vào Đại học như trước!

13/03/2016 04:15
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Việc đổ xô đi học Đại học, lượng cử nhân thất nghiệp quá lớn…khiến nhiều phụ huynh, học sinh đã và đang có cái nhìn thực tế hơn về việc học.

LTS: Xoay quanh câu chuyện năm 2016, tỷ lệ học sinh lớp 12 chọn môn Địa lý làm môn thi thứ 4 khá cao, vượt xa hẳn so với môn Lịch sử, Sinh học. 

Trong bài viết này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra lý do khiến lượng học sinh chọn môn Địa lý làm môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp tăng cao và nhiều học sinh không còn ôm tham vọng vào Đại học như trước. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Các trường THPT trong cả nước đã và đang tiến hành cho học sinh lớp 12 đăng ký chọn các môn thi tốt nghiệp THPT và để xét tuyển vào Đại học.  

Năm 2016, qua khảo sát, thống kê bước đầu từ các địa phương, các trường cho thấy ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ thì số học sinh chọn môn thi thứ 4 là môn Địa lý và Vật lý chiếm tỷ lệ khá cao, có trường lên đến 85-90%.

Trong khi đó, đối với môn Lịch sử, Sinh học thì ngược lại, thê thảm nhất vẫn là môn Sử, có trường “sạch bóng” thí sinh chọn thi môn này. 

Theo quan sát, hai năm về trước lượng học sinh chọn thi môn Vật lý, Hóa học ở tốp đầu còn môn Địa lý và Lịch sử rơi vào tình trạng “hẩm hiu”. 

Nhưng năm nay, môn Địa lý đã được một lượng đông đảo thí sinh chọn thi, vượt xa môn Lịch sử. 

Học sinh lớp 12 không còn ôm tham vọng vào Đại học như trước! ảnh 1
Năm 2016, môn Địa lý đã được một lượng đông đảo thí sinh chọn thi, vượt xa môn Lịch sử. (Ảnh: thanhnien.vn)

Sự biến thiên của các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 3 năm gần đây cho thấy, học sinh có cái nhìn thực tế hơn về tính chất kỳ thi, về lựa chọn ngành nghề. 

Rõ ràng, lâu nay, cánh cửa ngành nghề, việc làm dành cho các thí sinh theo học ngành khoa học xã hội – nhân văn (khối C) rất nhỏ hẹp nhưng tại sao năm 2016 lại có nhiều học sinh chọn thi môn Địa lý?

Từ thực tiễn này, thầy Nguyễn Đắc Vương, tổ trưởng tổ xã hội, dạy môn Địa lý, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) lý giải: 

Năm nay, phần lớn học sinh trường chúng tôi và trường bạn chọn môn Địa lý để thi tốt nghiệp, không hướng vào việc chọn nghề, chọn khối thi Đại học, Cao đẳng như mọi năm mà chủ yếu là để lấy điểm. 

Vì bộ môn này việc học và thi có một số thuận lợi hơn hẳn các môn như Lịch sử, Sinh học như: nội dung, câu hỏi thường ngắn gọn, dễ học, dễ nhớ, vào phòng thi được sử dụng Atlat kể cả học sinh trung bình thì chỉ cần nhìn vào đó, tư duy một chút là có thể làm được bài. Do có một vài câu hỏi trong đề thi liên quan mật thiết tới Atlat
”. 

Học sinh lớp 12 không còn ôm tham vọng vào Đại học như trước! ảnh 2

Học trò ít chọn thi Sử là do môn học khó, dễ bị điểm liệt!

(GDVN) - Khảo sát ban đầu của nhiều địa phương cho thấy ngoài 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 thì nhiều thí sinh chọn Địa lý chứ không chọn môn Sử.

Còn thầy Nguyễn Ngọc Tân - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, dạy nghề huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho rằng: 

Khi Bộ GD&ĐT đã trao quyền tự chủ cho học sinh thì các em toàn quyền quyết định, lựa chọn.

Tất nhiên, các em sẽ chọn thi những môn mà bản thân có thế mạnh, học tốt, những môn thuận tiện, ít phải đầu tư thời gian…

Tính thực tế của học sinh thời nay biểu hiện rất rõ ràng. Cho nên chúng ta không nên quá lo lắng về sự lựa chọn của các em
”. 

Về việc nhiều trường Đại học, Cao đẳng ở tốp dưới chỉ dựa vào kết quả tốt nghiệp và học bạ lớp 12 để tuyển sinh nên cơ hội học tập của thí sinh càng được mở rộng, thuận lợi. 

Bởi vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là coi như các em đều có trường, lớp ngành nghề để học. 

Đây chính là lý do học sinh có sự dịch chuyển trong việc lựa chọn các môn thi, hướng vào mục tiêu cơ bản trước mắt là kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Hơn nữa, công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng mấy năm nay đã có tác dụng tích cực đến giáo dục nhà trường nên việc học tập, thi cử của học sinh trở nên nhẹ nhàng, bớt áp lực hơn. 

Trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, có tới hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học, trên Đại học đang thất nghiệp, nhiều em phải cất bằng cử nhân để đi làm công nhân. 

Hàng chục sinh viên sư phạm thuộc Đại học Tây Nguyên nhập học một thời gian ngắn rồi nghỉ học, chuyển ngành nghề khác…đã tác động nhất định đến tâm lý, tư tưởng học sinh, phụ huynh hiện nay.

Học sinh lớp 12 không còn ôm tham vọng vào Đại học như trước! ảnh 3

Chủ quyền, biển đảo tiếp tục làm “dậy sóng” suy nghĩ của thí sinh

(GDVN) - Như thường lệ, đề Địa lí các năm đều có hỏi về chủ quyền, biển đảo. Thí sinh cho rằng, đây là câu hỏi rất thực tế.

 
Và dần dần, họ có những điều chỉnh, thay đổi về nhận thức, lựa chọn ngành nghề cho tương lai. 

Em Trần Thành Trung, học sinh lớp 12 của một trường THPT của huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: 

Học lực của em đạt loại Khá so với lớp nhưng kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, mục tiêu chính của em là đỗ tốt nghiệp. 

Khi đỗ rồi thì em sẽ đăng kí học một ngành nghề có khả năng kiếm việc làm nhiều của một trường Cao đẳng tại địa phương. 

Vì học Đại học tốn kém mà bố em chỉ làm nông nghiệp nên sẽ vất vả mà học xong chưa chắc đã có việc làm. Vì ở quanh nhà em có tới 15 anh, chị tốt nghiệp Đại học vài năm rồi mà vẫn đang thất nghiệp
”. 

Việc nhiều học sinh lớp 12 chọn môn thi chỉ có mục tiêu đỗ tốt nghiệp sau đó đi học ngành nghề hệ trung cấp, Cao đẳng thật sự là một tín hiệu tốt cho công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. 

Bởi việc đổ xô đi học Đại học, lượng cử nhân thất nghiệp quá lớn…khiến nhiều phụ huynh, học sinh có cái nhìn thực tế, lợi ích hơn. 

Đỗ Tấn Ngọc