Học trò ít chọn thi Sử là do môn học khó, dễ bị điểm liệt!

09/03/2016 06:55
Thùy Linh
(GDVN) - Khảo sát ban đầu của nhiều địa phương cho thấy ngoài 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 thì nhiều thí sinh chọn Địa lý chứ không chọn môn Sử.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, thí sinh thi 4 môn thi, trong đó có 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn thứ 4 là môn học sinh có thể lựa chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.

Khảo sát ban đầu của nhiều địa phương cho thấy ngoài 3 môn thi bắt buộc thì nhiều thí sinh năm nay chọn Địa lý như một giải pháp để được “cứu”. 

Cụ thể, trường THPT Hồng Thái (Đan Phượng – Hà Nội) có 265/446 học sinh chọn Địa; con số này ở trường THPT Phan Đăng Lưu (TP. Hồ Chí Minh) là 212/538 em.

Tương tự, khảo sát của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng cho thấy 45,46% học sinh lớp 12 của tỉnh này chọn thi môn Địa; tại tỉnh Kon Tum con số này là 48%.

Trong khi đó nhiều nơi “trắng” thí sinh chọn thi môn Lịch sử như THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội); THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), 

Không chọn thi môn Sử không có nghĩa là học trò không yêu nước (Ảnh: vietnamnet.vn)
Không chọn thi môn Sử không có nghĩa là học trò không yêu nước (Ảnh: vietnamnet.vn)

Lý giải con số này, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Nhiều học sinh chọn môn Địa do đây là môn dễ học lại được mang Atlat Địa lý vào phòng thi nên học trò “thoát” được điểm liệt. 

Học sinh không chọn thi môn Sử vì xu thế chung. Nhưng đừng vì vậy mà đánh đồng với việc học trò không yêu nước. Bởi trên thực tế, môn Sử buộc học sinh phải học nhiều mà khả năng bị điểm liệt có thể xảy ra
”.  

Với tư cách là một giáo viên chuyên dạy, ôn luyện học sinh giỏi, ôn thi Tốt nghiệp môn Địa lý, thầy Lê Quốc Châu (giáo viên trường THPT Cù Huy Cận, Hà Tĩnh) nêu lý do để đa số học sinh đều chọn Địa là môn thi thứ 4 để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. 

Học trò ít chọn thi Sử là do môn học khó, dễ bị điểm liệt! ảnh 2

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 sẽ có nhiều điểm mới

(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu kỳ thi phải bảo đảm công bằng, tiết kiệm, giảm áp lực trong việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Thứ nhất, môn Địa lý rất dễ đạt được điểm cao nếu học sinh có kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam. Vì Atlat là cuốn tài liệu duy nhất trong tất cả các môn thi được đưa vào phòng thi. 

Cho nên, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức về ký hiệu, màu sắc, so sánh màu sắc ở bảng chú giải với màu sắc, ký hiệu trên bản đồ ở Atlat để từ đó rút ra kinh nghiệm nên rất dễ “kiếm” điểm. 

Thứ 2, do cấu trúc đề thi luôn có một câu 3 điểm về kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam nên học sinh không phải học thuộc các số liệu mà vẫn có thể làm được bài. 

Do vậy, học sinh có học lực trung bình, dưới trung bình sẽ chọn môn Địa để có thể tránh điểm liệt còn học sinh có học lực khá trở lên thì có thể kiếm được điểm khá, giỏi.

Thùy Linh