Học trò yếu cứ để lại lớp, sao cứ kéo tuột lên lớp thế?

01/05/2017 06:26
Đỗ Quyên
(GDVN) - "Chị không hiểu tại sao, học trò học yếu cứ để nó ở lại lớp, mắc mớ gì cứ kéo tuột lên lớp để chúng uổng phí cả một đời” - một giáo viên lớn tuổi thắc mắc.

LTS: Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp vẫn còn phổ biến trong các trường học hiện nay khiến nhiều thầy cô lo lắng, bức xúc.

Cô giáo Đỗ Quyên phản ánh nỗi khổ của giáo viên khi muốn cho học sinh yếu kém ở lại lớp.

Theo đó, áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu khiến các thầy cô phải "nhắm mắt" đưa học sinh lên lớp. Điều này đang gây ra những hậu quả khôn lường cho thế hệ tương lai.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Dù đã có giao ước “Lâu lâu mới gặp nhau một lần chỉ nói chuyện vui, tuyệt đối không nói chuyện công việc” nhưng cuối cùng câu chuyện của chúng tôi vẫn quay về với chủ đề trường lớp và học sinh. 

Bởi, chỉ có nơi đây (không phải là trường học) những thầy cô giáo mới dám nói thật những điều mình biết, mình nghĩ, những điều luôn trăn trở, day dứt, những điều buông xuôi vì bất lực.

Cô Ngân một giáo viên lớn tuổi đề xuất với tôi: “Em thường xuyên viết báo, cần phản ánh mạnh hơn chuyện học sinh ngồi nhầm lớp để góp phần xóa bỏ tình trạng này. 

Chị không hiểu tại sao, học trò học yếu cứ để nó ở lại lớp, mắc mớ gì cứ kéo tuột lên lớp để chúng uổng phí cả một đời”. 

Học sinh ngồi nhầm lớp gây hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh minh họa trên Báo Công lý)
Học sinh ngồi nhầm lớp gây hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh minh họa trên Báo Công lý)

Tiếng cô Ngà cất lên: “Tụi tôi cứ nói với nhau mình nên cho phép học sinh lớp 1 được ở lại nếu chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Làm thật nghiêm túc từ lớp 1 thì những lớp học khác sẽ hạn chế học sinh ngồi nhầm lớp nhưng Ban giám hiệu không chịu, kiểu này hại cả một thế hệ chứ dạy dỗ gì”.

Tôi đưa ra đề xuất: “Mình cứ cương quyết cho ở lại nếu thấy mình đã dạy dỗ hết sức mà các em vẫn không tiến bộ gì. Giáo viên chủ nhiệm đã cương quyết thì Ban giám hiệu nào dám can thiệp?”. 

Lập tức tiếng phản ứng đồng loạt vang lên: “Nếu thế thì sống không nổi với họ em ơi! Nào là cô làm công tác chủ nhiệm không tốt, cô sử dụng phương pháp dạy học chưa hiệu quả, cô chưa có biện pháp kèm học sinh yếu kém thiết thực…”. 

Thế rồi “Từ tuần sau, Ban giám hiệu sẽ dự giờ xem cô dạy dỗ thế nào mà lại có học sinh yếu như thế”. 

Nếu chỉ có thế thì ăn thua gì, xếp loại cuối năm, thầy cô giáo này cũng phải nằm chót bảng bởi chất lượng giảng dạy chưa đạt, được ghi cả vào hồ sơ công chức…

Tên của những giáo viên này còn liên tục được “vinh danh” trong các cuộc họp Liên tịch, Chi bộ và Hội đồng sư phạm để người có trách nhiệm “giúp đỡ” về phương pháp giảng dạy...

Học trò yếu cứ để lại lớp, sao cứ kéo tuột lên lớp thế? ảnh 2

Lãnh đạo luôn áp đặt, cái gì cũng đòi 100% thì trường học lấy đâu dân chủ

Một giáo viên khác bày tỏ tâm tư: “Nếu mình thật sự thiếu trách nhiệm như họ nói cũng cam chịu chẳng ấm ức gì.

Đằng này, vì thương trò mà bỏ công sức ra gấp mấy lần giáo viên khác nhưng một số em vẫn không thể tiến bộ hơn, mức tiếp thu chắc chỉ có vậy. 

Mà một lớp gần 40 em chỉ vài em học yếu là chuyện bình thường. Nhưng Ban giám hiệu lại ghép mình vào những “tội danh” đó há chẳng phải là bất công sao?”.

Bao nhiêu vật cản, bao nhiêu phiền toái như thế nên nhiều giáo viên chọn giải pháp “nhất nhất tuân theo” sẵn sàng cho học sinh còn yếu lên lớp theo mong muốn của Ban giám hiệu. 

Có điều như thế, thầy cô giáo vô cùng bất an bởi nhiều lẽ. Phần thương học trò không thể tiếp thu kiến thức ở lớp học trên sinh ra chán nản và bỏ học. 

Phần lo cho mình không may sự việc bị vỡ lở (như câu chuyện học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả lại học lớp 1) thì cũng bị dính án kỉ luật như thường. 

Lúc đó chẳng ai ở bên bảo vệ. Lãnh đạo nhà trường chắc chắn sẽ nói: “Vì tin tưởng giáo viên nên chúng tôi không kiểm tra sâu sát”. 

Cùng lắm họ chỉ vướng vào tội thiếu trách nhiệm là cùng. Thế mới có chuyện một giáo viên vui mừng trong đau khổ: “Lo lắng mấy năm nay, hôm nay Anh Quốc ra trường rồi (học hết lớp 5) như trút được gánh nặng”. 

Học trò yếu cứ để lại lớp, sao cứ kéo tuột lên lớp thế? ảnh 3

Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu

Anh Quốc chính là cậu học trò không biết đọc, biết viết nhưng vẫn được đẩy lên từ lớp 1 đến lớp 5 mà cô giáo ấy chủ nhiệm năm lớp 1. 

Tôi hỏi tiếp “Thế không sợ lớp 6 người ta trả lại hay sao?”.

Cô bạn tôi cười chua chát: “Nghe phụ huynh nói cho đi biển vì học yếu quá”.

Thế đấy, giáo viên có thể thoát trách nhiệm nhưng gánh nặng ấy lại đổ lên vai xã hội. 

Giá như một số lãnh đạo không vì hư danh, vì thành tích, giá như ngôi trường ấy không mang danh trường chuẩn quốc gia và giá như chính giáo viên ấy không vì cá nhân mình mà thỏa hiệp, thì giờ đây em đâu bị quẳng ra đường mưu sinh khi mới vào tuổi lên 10.

Đỗ Quyên