LTS: Nhiều địa phương đã lần lượt chỉ ra những điểm chưa phù hợp của mô hình VNEN với thực tiễn địa phương.
Thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ bài viết tổng kết về những nguyên nhân gây ra thất bại của việc triển khai mô hình này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cụm từ VNEN đã trở thành từ khóa xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng bởi những tai tiếng hơn là những điều tích cực mà chương trình này mang lại cho ngành giáo dục trong những năm qua.
Trái ngược với những gì tuyên bố, khen ngợi ban đầu của những người thực hiện dự án với rất nhiều ưu điểm, tích cực.
Bây giờ, các địa phương cứ lần lượt tuyên bố “giã từ” VNEN, những thầy ở Bộ chủ trì dự án này cũng đã lần lượt về hưu hết, những lời ngợi ca cũng thưa thớt dần, chỉ tiếc việc đầu tư hàng chục triệu đô la để đổi lấy từ… “thất vọng” cho toàn xã hội.
Sau hàng loạt các bài báo phân tích, mổ xẻ về tài liệu VNEN được bê nguyên từ chương trình sách giáo khoa truyền thống nhưng giá sách lại cao gấp nhiều lần.
Tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn lãnh đạo ngành giáo dục về vấn đề này.
Đại diện của Bộ đã giải thích là sách VNEN có số trang nhiều hơn, in 4 màu, khổ sách 19x27 lớn hơn sách cũ, chủng loại giấy tốt hơn nên giá sách cao hơn.
Nhiều địa phương phản ánh những hạn chế khi áp dụng mô hình VNEN. (Ảnh minh họa từ vinhphuc.edu.vn) |
Tất nhiên, cách lý giải này không thể nào thuyết phục được dư luận bởi xét đến cùng thì nội dung của sách VNEN cũng có khác gì sách truyền thống đâu. Kiến thức bài học của cả 2 loại sách này cũng chỉ là 1.
Chính vì nhiều bất cập, hạn chế nên mấy năm qua nhiều địa phương lúc đầu đã triển khai, mở rộng đến khắp huyện, thị ở cấp Tiểu học và một số lớp ở cấp Trung học cơ sở.
Nhưng, sau một vài năm áp dụng, nhiều tỉnh, thành đã đồng loạt ngừng dạy chương trình VNEN.
Một số tỉnh giữ lại cũng bởi vì địa phương đã đầu tư quá nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Những thầy chủ trì, cổ vũ mạnh mẽ cho VNEN như thầy Nguyễn Vinh Hiển, Đặng Tự Ân… đã rời vị trí để lại một “khoảng trống” không thể nào có thể vực dậy như những ngày đầu các thầy đã hùng hồn quảng bá…
Mới đây nhất, trong báo cáo tổng kết, đánh giá mô hình VNEN, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Uỷ ban nhân tỉnh không mở rộng, tiến tới dừng triển khai dạy tài liệu VNEN trên địa bàn tỉnh (Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 4/12).
Hay, Khánh Hòa - một tỉnh đã áp dạy chương trình VNEN từ rất sớm và triển khai trên một diện rộng nhưng ngày 10/12 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra Hướng dẫn số 2539/ SGDĐT- GDTH hướng dẫn kế hoạch chuyển hình thức dạy theo mô hình VNEN về hình thức dạy học hiện hành đối với tất cả các trường đang dạy mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh từ năm học 2019-2020.
Những sự việc tương tự cũng đã xảy ra trên nhiều địa phương trong cả nước cho thấy sự thất bại của VNEN đã và đang trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.
Chỉ có điều là Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như những người đã thực hiện dự án, những lãnh đạo địa phương trước đây “đã trót” ca ngợi VNEN là chưa dám thừa nhận… thất bại.
Họ vẫn bấu víu vào những tháng năm vàng son của dự án khi được triển khai rầm rộ ở nhiều tỉnh thành.
Bây giờ, nhiều địa phương nói không với VNEN thì nhiều lãnh đạo chỉ ra nguyên nhân là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giáo viên chưa được tập huấn kỹ, ngại đổi mới để làm tấm khiên che chắn.
Thậm chí khi ra thông báo ngừng VNEN mà một số địa phương vẫn cố “vớt vát” mở lướp tập huấn thêm những chuyên đề về VNEN bởi theo họ đó là điểm điểm “tích cực” của trường học mới cần phải vận dụng vào chương trình hiện hành (chương trình năm 2000).
Nguyên nhân thất bại của chương trình VNEN
Phải khẳng định một điều là đến bây giờ chương trình VNEN đã thất bại và đang đi vào ngõ cụt, không có lối thoát dù Bộ có thừa nhận hay không thừa nhận.
Theo dõi xuyên suốt cả quá trình áp dụng chương trình VNEN kể từ ngày triển khai, chúng tôi nhận thấy việc thất bại này có một số nguyên nhân cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Dự án VNEN được giao cho những người kiến tạo lại là những thầy sắp sửa về hưu nên động lực của họ chỉ “đóng góp” trong quá trình còn đang công tác, khi về hưu cũng là lúc đã hết trách nhiệm, vai trò của mình.
Những người thực hiện dự án không kiên định với kế hoạch, mục tiêu mà mình đề ra, tư tưởng “đẽo cày giữa đường” khiến cho việc triển khai, duy trì thất bại.
Thứ hai: Vì thực hiện theo dự án, nên hết thời gian của dự án, hết kinh phí thì người ta buông bỏ.
Gánh nặng VNEN đè lên vai các tỉnh, tương lai học sinh thí điểm chông chênh |
Các địa phương, các trường học thời gian đầu thực hiện mô hình trường học mới được đầu tư kinh phí nên họ hào hứng, hết dự án, Bộ ra hướng dẫn nửa vời nên các trường, các địa phương họ cũng không còn thiết tha, mặn mà với VNEN.
Thứ ba: Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên đứng lớp chưa chu đáo, tường tận, chưa làm tư tưởng thông suốt nên giáo viên luôn trong trạng thái “đồng sàng dị mộng” để hướng về chương trình cũ mà hững hờ với VNEN.
Thứ tư: Tài liệu giảng dạy VNEN quá đắt so với bộ sách giáo khoa hiện hành mà năm nào cũng chỉnh sửa, bổ sung, thành ra sách chỉ học 1 năm rồi bỏ, khiến phần lớn phụ huynh chán ngán, tẩy chay bởi phải đầu tư quá nhiều cho con em họ hàng năm.
Thứ năm: Những người thực hiện, nhà xuất bản chỉ nghĩ đến lợi ích, lợi nhuận của bản thân, chưa nghĩ cho lợi ích cộng đồng.
Việc xuất bản và tiêu thụ sách không công khai, minh bạch, bán qua đường nội bộ của Sở, Phòng nên khiến cho dư luận nghi hoặc.
Thứ sáu: Bộ Giáo dục không chịu lắng nghe những phản biện của xã hội để điều chỉnh những hạn chế mà lại quy cho những phản biện đó là những người ngại đổi mới.
Trong khi, giáo viên là những người trực tiếp thực hiện nhưng Bộ lại chỉ nghe những báo cáo, những ý kiến từ lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Phòng, Sở với những bản báo cáo, đánh giá ca tụng…
Có lẽ, từ chương trình VNEN, Bộ cần rút ra bài học cho mình khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây.
Những người thực hiện kiến tạo chương trình phải là những người dám đương đầu và phải dám chịu trách nhiệm, phải có một đội ngũ chuyên gia biết lắng nghe và giải đáp những phản biện của xã hội để nhận được sự đồng thuận từ nhiều phía.
Đặc biệt là phải tính đến sự hài hòa lợi ích giữa các thành phần liên quan. Nếu không, bài học VNEN sẽ được tái diễn trong những năm tới đây.