LTS: Phổ cập giáo dục là một nhiệm vụ trọng tâm của mỗi nhà trường. Do vậy, chỉ tiêu về phổ cập luôn được nêu ra trong các báo cáo thành tích của nhà trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc phổ cập giáo dục đang gây lãng phí một nguồn ngân sách không hề nhỏ của nhà nước, vậy việc làm này có nên hay không?
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Hàng năm, số lượng học sinh ở hai cấp tiểu học và trung học cơ sở bỏ học tương đối đông. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh không muốn học phần nhiều là do các em học quá yếu, không được ở lại lớp nên không thể theo kịp chương trình.
Nhiều năm nay, ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều thực hiện việc chỉ đạo Chống mù chữ, Phổ cập giáo dục ở hai cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Với mục đích thực hiện kế hoạch công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, giúp những đối tượng học viên, học sinh trong độ tuổi theo quy định vẫn tiếp tục được học và nâng cao trình độ kiến thức.
Phổ cập giáo dục (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Các trường học ở nhiều địa phương đã đồng loạt xin mở các lớp “phổ cập giáo dục”. Tuy nhiên, công tác huy động học sinh tới lớp để giữ vững và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn ở nhiều địa phương không thuận lợi.
Mặc dù, giáo viên đã được phân công đến từng nhà học sinh để thuyết phục, động viên, vận động các em đến lớp. Do không muốn đi học nên các em có vô vàn lý do để từ chối. Một số khác cũng muốn học nhưng lại quá bận gánh nặng mưu sinh.
Nếu không tổ chức được lớp học theo yêu cầu thì nguy cơ mất chuẩn phổ cập không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường mà đến cả nhiều cấp trong khu vực. Vì thế, chuyện “làm láo báo cáo” đã được tận dụng triệt để.
Đầu tiên, giáo viên phổ cập của nhà trường sẽ lên danh sách những học sinh ở địa phương trong diện được phổ cập và trực tiếp đi vận động các em đến lớp học 3 buổi/tuần. Nhưng dù học sinh có đồng ý đi học hay không, các em cũng được chia vào từng lớp theo đúng trình độ.
Nhà trường tổng hợp số lớp và trình lên Phòng Giáo dục xin được mở lớp dạy vào các buổi tối trong tuần. Sau khi có được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, lớp học chính thức được triển khai.
Ngày khai giảng, nhà trường cũng “trống dong cờ mở” với sự góp mặt của học sinh, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường, các vị lãnh đạo của ngành, của địa phương và sự góp mặt của đài truyền hình khu vực để đưa tin.
Sau màn giới thiệu mục đích của buổi lễ là những lời phát biểu của các cấp lãnh đạo khen ngợi sự quan tâm của nhiều ban ngành giúp các em có cơ hội được học tập lại để nâng cao trình độ. Đồng thời, ghi nhận sự nỗ lực trong việc huy động được học sinh đến lớp của nhà trường.
Liệu có mấy ai trong số đó biết được trong gần một trăm học sinh đang ngồi dự lễ khai giảng dưới kia, có mấy em thật sự là đối tượng của lớp học phổ cập này?
Nếu họ biết được sự thật rằng, hơn 2/3 số học sinh ngồi dự dưới đó là những em đang là học sinh chính khóa của nhà trường.
Các em được chính thầy cô giáo của mình nhờ đi khai giảng hộ cho các bạn có tên trong danh sách học phổ cập mà không đi học. Mọi người nghĩ xem, họ sẽ nghĩ gì?
Chắc chắn sẽ nghĩ rằng: “Nhờ nó mà trường học, Phòng Giáo dục và chính địa phương mình mới đạt chuẩn phổ cập”. Chuyện này rằng ai cũng biết, cũng hiểu nhưng lại chẳng ai dám “phanh phui trắng đen” bởi như thế,chính quyền lợi của họ cũng bị ảnh hưởng.
Chỉ có ngân sách nhà nước đang phải chịu một khoản tiền không nhỏ vừa để hỗ trợ cho các em học sinh từ sách vở đến đồ dùng học tập, vừa chi tiền bồi dưỡng cho công tác giảng dạy của giáo viên.
Một số giáo viên đi dạy phổ cập nói “Chẳng dạy gì sướng bằng dạy phổ cập vừa đến lớp ít lại không bị áp lực về chất lượng học tập của học sinh mà vẫn được nhận tiền đầy đủ.
Do số lượng học sinh tham gia thực học quá ít (mỗi lớp đôi khi chỉ chỉ có vài em) nhưng các em cũng đi học bữa đực bữa cái nên hầu như lớp học được nghỉ suốt.
Và khoảng vào tháng sau, khóa học kết thúc và buổi lễ tổng kết dành cho học sinh các lớp và lễ ra trường cho học sinh lớp 9 vẫn được tổ chức hoành tráng, bài bản với đủ các thành phần tham dự như buổi đầu khai giảng.
Lại những bản báo cáo nhuốm đầy thành tích về kết quả giảng dạy, học tập của thầy và trò, là những lời tuyên dương, khen ngợi của các vị lãnh đạo dành cho nhà trường, cho địa phương. Sự sung sướng hân hoan hiện lên trên từng khuôn mặt.
Bởi, từ hôm nay, họ có quyền khẳng định một cách hùng hồn rằng công tác phổ cập giáo dục tại địa phương đã hoàn thành 100% đúng như kế hoạch đã đề ra.
Chỉ có những em học sinh đã nghỉ học vì học yếu hay vì lo gánh nặng mưu sinh thì vẫn thế, trong khi nhà nước đã vì các em mà tốn cả một số tiền không nhỏ.
Đã đến lúc ngành Giáo dục cần nhìn nhận lại công tác phổ cập giáo dục cho học sinh để phong trào này được đi vào thực chất cũng là góp phần để ngân sách nhà nước không phải chi những khoản tiền vô ích ấy.