Tâm và tầm người ra đề Ngữ văn

14/07/2015 07:07
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Bao giờ cái tâm và cái tầm của người làm đề hòa hợp để có được đề bài đúng, đề bài được nhiều người yêu thích?

LTS: Năm 2015, lần đầu tiên Bộ GD &ĐT tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Kết thúc kỳ thi, dư luận có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề cấu trúc, nội dung đề thi. Đặc biệt là môn Ngữ văn. 

Theo quan điểm cá nhân thầy giáo Nguyễn Văn Lự (Vĩnh Phúc) cho rằng đề thi Ngữ văn năm 2015 đã đạt được cái tâm và tầm của đề thi THPT Quốc gia, làm vừa lòng học trò và nhân dân. Vậy cái tâm và cái tầm đó được thể hiện như thế nào?

Tòa soạn gửi tới độc giả bài viết này. 

Đề thi Ngữ văn dù với mục đích nào cũng cần cái tâm và tầm của người làm đề. Đề thi vừa cần chuẩn về kiến thức, kỹ năng, vừa phù hợp mục đích kỳ thi lại vừa cần phù hợp với đối tượng. 

Đề thi còn gắn với yếu tố thời sự chính trị và đời sống, gắn với mặt bằng tri thức thí sinh với mục tiêu 2 trong 1 của kỳ thi chung đầu tiên của Giáo dục Việt Nam thực sự là một thách thức không nhỏ cho Ban đề thi.

Kỳ thi THPT Quốc gia đang khép lại, nhiều người kỳ vọng và thất vọng; nhiều người hài lòng và tin tưởng nhưng cũng có người không khỏi hoài nghi và bi quan về đề thi Ngữ văn 2015.

 Theo tôi, tranh biện hay đồng tình là việc bình thường trong xã hội trước vấn đề lớn của thi cử.

Đọc bài của tác giả Đỗ Tấn Ngọc và Hồ Tấn Nguyên Minh- Báo Giáo dục Việt Nam online, tôi nhất trí với cách nêu vấn đề của hai tác giả nhưng day dứt mãi. Với tôi, người làm đề thi cần nhất là cái tâm và cái tầm khi chọn và hoàn thiện đề thi của mình.

Quy trình làm đề thi

Từ những đề nguồn được tuyển chọn, các thầy cô cân nhắc và biên soạn, chỉnh sửa, hoàn chỉnh đề bài, đáp án trong sự cách ly hoàn toàn với bên ngoài và nguồn thông tin khác. 

Thông thường đề của tỉnh, người phản biện và cũng là người chọn và hoàn thiện đề thi chỉ có 2 người; với đề thi quốc gia năm nay, số người trong Ban đề thi sẽ ít hơn năm trước nhưng đều được lựa chọn cẩn trọng đủ năng lực chuyên môn và thạo việc. 

Trái tim người làm đề chân chính luôn hướng về người thi (Ảnh: Xuân Trung)
Trái tim người làm đề chân chính luôn hướng về người thi (Ảnh: Xuân Trung)

Sau khi kiểm định cẩn thận, đề thi được người có thẩm quyền phê duyệt chọn đề chính thức và dự bị, đề thi bắt đầu hành trình mã hóa, chuyển giao các địa chỉ và in sao, đóng gói, niêm phong. 

Quy trình hoàn toàn được bảo mật nghiêm ngặt đến khi giám thị cắt bì đựng đề trước sự chứng kiến của thí sinh tại phòng thi và giao cho từng thí sinh. Nếu không có trục trặc, sai sót, kết thúc việc làm đề khi kết thúc buổi thi.

Tầm của người làm đề thi

Người làm đề thi Ngữ văn phải trăn trở lâu lắm, đắn đo cân nhắc nhiều lắm mới chọn được đề thi vừa ý. Đề thi không phải là sự xào xáo, chế biến như nhiều người tưởng. 

Loại đề thế không gọi là đề thi và người ra đề thế chưa thể xếp ngồi cùng chiếu của hội người làm đề chính thống. 

Tầm của người chuyên nghiệp làm đề luôn chuẩn về kiến thức trọng tâm, tường minh về ngữ nghĩa, vấn đề mới và hay, hấp dẫn và gợi tình huống bàn luận.

Tầm của người làm đề vừa hướng đến phân hóa trình độ, vừa đảm bảo mặt bằng tri thức và quan trọng nhất là thí sinh sẽ giải đề trong bao thời gian. 

Tầm nhìn bao quát cả chương trình và trình độ của đối tượng; kiến thức hiểu biết giàu có của người làm đề; kinh nghiệm làm đề chuyên nghiệp nhưng đôi khi vẫn sai sót. Môn Ngữ văn hầu như không còn sự cố mấy năm nay.

Cái tầm tri thức thể hiện qua đề thi không phải ai cũng nhận ra cho nên sau thi thường có dư luận trái chiều theo góc nhìn khác nhau. 

Đề Ngữ văn 2015 đã thỏa mãn khá nhiều tiêu chí và mục đích thể hiện được tầm nhìn của người ra đề trong bối cảnh học và thi của kỳ thi chung. Theo cấu trúc đề công bố và phạm vi chuẩn kiến thức, kỹ năng, đề thi hướng đến mục đích kép phù hợp nhiều đối tượng dự thi.

Tôi không tin năm nay đề thi dễ chút nào. Ngoài các câu thưởng 0,25 điểm, thí sinh viết sao cho mạch lạc, viết ngắn gọn, viết đúng và trúng vấn đề, viết thuyết phục sẽ không hề dễ. 

Tôi không tin năm nay đề thi dài, khó hiểu, vòng vo. Học trò lớp 12 bây giờ thích đề ngắn hay đề thi dài? Có bao nhiêu phần trăm (%) học sinh hiểu thơ và bao nhiêu có thể diễn ý hiểu thành câu thành đoạn, ngay cả học tròn khối C, khối D? 

Chọn vấn đề mới và lạ, liệu rằng, thí sinh sẽ viết theo trí tưởng tượng bay bổng đến nơi nào? (đa số không đọc tác phẩm, không học và không viết văn).

Đề thi chọn vấn đề, chọn ngữ liệu hay hoặc chưa hay thì biết dựa vào tiêu chí nào để cân đo, nhận xét?

Tại sao cứ phải chọn những vấn đề bàn luận trên trời, trìu tượng khó hiểu mà không nghĩ nhìn về mặt đất và cuộc sống quanh ta với trăn trở đời thường nghe thấy nhìn thấy?

Có lẽ, khách quan nhất, chúng ta – những người lớn - hãy hóa thân thành cô cậu học trò 12 để suy ngẫm bàn luận.

Đề văn mở, ngay cả học sinh giỏi văn chưa chắc hiểu đúng và trúng, chưa chắc diễn đạt cho được và hay nội dung vấn đề kiến giải. 

Thí sinh với nhiều bậc trình độ và tri thức ngôn ngữ, văn chương, với mục tiêu tránh điểm liệt của khối A, đọc đề văn không hoảng là một thành công của người làm đề THPT Quốc gia.

Cái tâm của người làm đề


Trái tim người làm đề chân chính luôn hướng về người thi. 

Thực tế, có người bày ma trận bẫy học trò hoặc tệ hơn làm đề lắt léo khó hiểu; làm đề nhầm lẫn hay thiếu dữ liệu… Những đề bài vô trách nhiệm và rất thiếu tình thương ấy không phải không có. Những đề bài như thế đẩy thí sinh đến điểm thấp, đến nhiều bi kịch. 

Điều cốt yếu của cái tâm người ra đề thi Ngữ văn nói riêng làm cẩn trọng, chu đáo, tự giải rồi căn chỉnh độ khó theo tưởng tượng trình độ học trò. Dùng từ ngữ, viết câu, diễn đạt dễ hiểu và hiểu chính xác yêu cầu.

Trách nhiệm và danh dự quan trọng nhưng người ra đề cần nhiều hơn nữa một tấm lòng. Lòng yêu nghề, yêu học trò sẽ thôi thúc người làm đề bài chuẩn đúng, tường minh và đáp ứng các yêu cầu và định hướng của kỳ thi.

Có người chọn cách làm đề an toàn và chỉ chọn đề đã có sẵn, vấn đề có sẵn, không sợ sai, không ngại bàn luận. Học sinh rất thích kiểu đề (trong tài liệu) này nhưng nó sẽ giết chết khả năng tư duy và óc sáng tạo của trò. Lợi thầy, trò thiệt nhiều.

Tâm và tầm người ra đề Ngữ văn ảnh 2

Làm gì khi đề văn ngày càng mở?

(GDVN) - Đổi mới trong cách ra đề văn nghị luận gây gần đây liệu cách dạy và học truyền thống của môn Ngữ Văn THPT, THCS có còn phát huy được hiệu quả?

Có người chọn cách mạo hiểm và chọn soạn đề mới, chưa có ai hỏi và chờ đợi âu lo: nhỡ có chuyện gì? Trò mệt, thầy mệt nhưng trò sẽ được nhiều về sau.

Những người vô tâm gặp nào nên thế, thường chọn đề theo kiểu sống chết mặc em, tùy em. 

Người làm đề thi có cái tâm sáng luôn muốn giúp trò vươn lên, hăng lên chiếm lĩnh tri thức và luận bàn về cuộc sống và con người nhất là những vấn đề thuộc bản chất và sự kiện.

Kỳ thi càng quan trọng và ảnh hưởng phạm vi rộng lớn, người làm đề càng cần an toàn hơn và đôi khi ngại chọn vấn đề mới lạ, khác thường được nhiều người chọn.

Theo chủ quan, tôi nghĩ đề thi Ngữ văn năm 2015 đã đạt được cái tâm và tầm của đề thi THPT Quốc gia, làm vừa lòng học trò và nhân dân. 

Bao giờ cái tâm và cái tầm của người làm đề hòa hợp để có được đề bài đúng, đề bài được nhiều người yêu thích?

Nguyễn Văn Lự