Suốt mấy ngày nay, vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang đã làm nóng dư luận. Từ bất ngờ đến bức xúc, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh Hà Giang.
Bởi nếu vụ việc này trót lọt không chỉ gây mất công bằng trong thi cử mà còn góp phần tạo nên một thế hệ con trẻ trưởng thành từ gian dối.
Là người theo dõi sát sao vụ việc Hà Giang, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng:
“Lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cần sớm có một lời xin lỗi tới nhân dân khi để vụ việc xảy ra”.
Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng: “Lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cần sớm có một lời xin lỗi tới nhân dân khi để vụ việc xảy ra”. (Ảnh minh họa: VTV) |
Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói thêm, sau “chấn động” ở Hà Giang thì ngày 18/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký hai quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Lạng Sơn và Sơn La.
Như vậy có nghĩa là, dấu hiệu “bất thường” của ngành giáo dục đã trở nên rất nghiêm trọng.
Do đó, dù không chịu trách nhiệm trực tiếp nhưng với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng nên có lời xin lỗi trước những sơ suất mà bản thân Bộ trưởng không thể kiểm soát hết trong quá trình tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia, qua đó có hướng sửa chữa, củng cố lại niềm tin trong nhân dân về kỳ thi cấp quốc gia này.
Cần làm rõ ai đã đưa con Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh "vào tròng" nâng điểm |
Còn lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng cần xin lỗi, rà soát toàn bộ khâu tổ chức và chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự cố trong tỉnh bởi vụ việc này không chỉ ảnh hưởng tới nhân dân trong tỉnh mà ảnh hưởng tới niềm tin của mọi người trên toàn quốc về công tác thi cử của ngành giáo dục.
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến một lần nữa khẳng định: “Một mình ông Vũ Trọng Lương không thể điều chỉnh điểm của 114 thí sinh với 330 bài thi”.
Cũng bàn về trách nhiệm khi xảy ra tiêu cực trong thi cử tại Hà Giang, chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ quan điểm:
“Nếu đã quyết tâm giao việc tổ chức kỳ thi cho Sở thì người đứng đầu của tỉnh – tức chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cần phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Còn các thành viên khác thì sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nếu người đứng đầu tỉnh thấy được trách nhiệm của mình trước Chính phủ, họ sẽ có những biện pháp huy động bộ máy công quyền của mình để làm tốt nhiệm vụ”.