Lời ăn tiếng nói của thầy cô dưới con mắt học trò

04/04/2017 07:17
Diệu Thuần
(GDVN) - Có nhiều giáo viên sử dụng những ngôn từ quá giới hạn để mắng chửi, xúc phạm nhân phẩm học sinh ngay trên lớp học.

Học sinh Nguyễn Thị Thùy Linh, lớp 11, Trường trung học phổ thông Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ như vậy trong buổi gặp gỡ với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/3.

Hôm đó, có 160 học sinh đại diện cho các trường trung học phổ thông và trung học giáo dục thường xuyên ở thành phố tham dự. Các em đã chia sẻ những suy nghĩ cũng như đề ra các giải pháp về nét đẹp học đường hiện nay vô cùng thẳng thắn và quyết liệt.

Giáo viên cứ nóng tính rồi xúc phạm học sinh

Trình bày ý kiến của mình, Linh thẳng thắn: ''Em thấy nhiều giáo viên giờ ứng xử với học sinh kỳ lắm. Thầy cô cứ nóng tính, hay dùng những ngôn từ khó nghe để xúc phạm nhân phẩm học sinh.

Em biết, có những bạn học sinh cá biệt. Trong lớp, các bạn cứ nghịch, không chịu nghe thầy cô giảng bài.

Có bạn không chịu ghi chép, học bài khi thầy cô hỏi bài cũ, hay khi thầy cô gọi lên phát biểu không trả lời được. Đáng lẽ lúc đó, thầy cô nên bình tĩnh khuyên bảo, nhắc nhở và phân tích cho các bạn hiểu.

Nhưng thầy cô rất nóng tính, cứ quát mắng học sinh. Có thầy cô còn xúc phạm nhân phẩm học sinh nữa. Em thầy điều đó là không phù hợp với đạo đức của giáo viên, làm cho nét đẹp học đường đi xuống''.

Linh mong Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo nhà trường phải có biện pháp để giáo viên cư xử đúng đắn, kiềm chế hơn để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh trong học đường.

Việc thầy cô cứ dùng những từ ngữ nặng xúc phạm học sinh rất dễ làm các em tổn thương. Vì thế, các em học sinh rất mong, thầy cô hãy nhẹ nhàng với học trò trong lớp học - Ảnh: T.A
Việc thầy cô cứ dùng những từ ngữ nặng xúc phạm học sinh rất dễ làm các em tổn thương. Vì thế, các em học sinh rất mong, thầy cô hãy nhẹ nhàng với học trò trong lớp học - Ảnh: T.A

Cùng quan điểm với Linh, một học sinh khác nhắn gửi với thầy cô rằng: ''Thầy cô ơi! Đừng xúc phạm nhân phẩm học sinh nữa''.

Em cho biết, tuổi học trò rất tinh nghịch, hay quậy phá và làm theo ý mình. Vì thế, những lời xúc phạm của người lớn, nhất là từ chính các thầy cô giáo rất dễ làm các em tổn thương, dễ dẫn đến tự ti, có khi lại hành động thiếu suy nghĩ.

''Em rất mong thầy cô, thấy học sinh có hành động không đúng thì hãy nhẹ nhàng chỉ bảo, phân tích cho tụi em hiểu. Những lời mắng chửi, những lời xúc phạm rất dễ làm chúng em tổn thương'', em bảy tỏ quan điểm.

Giáo viên chủ nhiệm phải như nhà tư vấn tâm lý

Nghiêm Trí Long, học sinh Trường trung học phổ thông dân lập Thanh Bình cho rằng, các yếu tố quan trọng nhất hình thành nên văn hóa ứng xử học đường là gia đình, nhà trường và xã hội.

Thế nhưng, hiện nay, giữa nhà trường và gia đình chỉ mới có những buổi trao đổi về tình hình học tập của học sinh. Còn những buổi trao đổi về văn hóa ứng xử của học sinh thì chưa có.

Đồng quan điểm với Trí Long, Lý Trần An Khương, học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong cho rằng, hiện nay có nhiều gia đình chưa có quan tâm đúng mức đến con cái.

Theo Khương, có những học sinh bây giờ tiếp xúc với thầy cô, thân thiết với thầy cô, nhất là thầy cô chủ nhiệm của mình nhiều hơn với bố mẹ. Vì thế, Khương đề xuất, thầy cô hãy là người tư vấn cho học sinh và trong mọi sinh hoạt, nhà trường phải lấy học sinh làm trung tâm.

Sau khi nghe ý kiến của Khương, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: ''Vai trò của học sinh có quan trọng trong việc tác động ngược lại phía gia đình không?''.

Khương trả lời: ''Dạ có. Về phía gia đình, mình phải làm tròn trách nhiệm một người con và tự xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức, bản lĩnh để có thể tác động ngược lại với gia đình''.

Theo ông Sơn, đề xuất của Khương vô cùng chính đáng. Sở sẽ có biện pháp để giúp đề xuất của Khương được áp dụng. 

Bởi, giáo viên chủ nhiệm là người biết rất nhiều thông tin của học sinh, vì thế phải là một chuyên gia tư vấn cho học sinh, mỗi khi các em gặp điều gì đó.

Đừng có để xảy ra chuyện, giáo viên lại đi mắng chửi, xúc phạm học sinh
''Giáo viên chủ nhiệm là một lực lượng gắn bó với các em hằng tuần. Vì vậy chúng ta nên suy nghĩ về điều này và biến nó thành giải pháp cho vấn đề văn hóa học đường'', ông Sơn nói.

Ông cũng nhắc với các học sinh rằng: ''Những vấn đề nào mà bản thân không xử lý được thì các em phải chia sẻ và chia sẻ đúng đối tượng. Chia sẻ cũng là một kỹ năng quan trọng mà các em cần phải trang bị cho chính mình. Đó cũng là nét đẹp ở học đường''.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, đưa ra quan điểm, chính nhà trường, giáo viên phải xây dựng cho học sinh “sức đề kháng” trước thông tin, hành vi xấu, trước những tác động tiêu cực... để từ đó trở thành một người có văn hóa. 

Ông Tân hứa, lãnh đạo Sở sẽ nghiên cứu để có những giải pháp nâng cao kỹ năng ứng xử cho học sinh .

“Thay vì bi quan về văn hóa ứng xử hiện nay, mỗi người chúng ta hãy cố gắng làm chủ bản thân, để từ đó lan tỏa cách cư xử có văn hóa đến mọi người”, ông Tân nói.

Hiệu trưởng một trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố (xin giấu tên) cho rằng, chuyện giáo viên dùng những lời lẽ nặng xúc phạm học sinh ở lớp học là có nhưng chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ.

''Tôi cũng chỉ nghe qua chứ chưa chứng kiến sự việc. Có thể do các thầy cô bị áp lực việc mình cứ giảng bài mà học sinh không chịu giữ trật tự, cứ quậy phá trong lớp làm ảnh hưởng đến học sinh khác nên nóng tính, không kiểm soát được lời nói của mình'', thầy hiệu trưởng nói.

Ông cũng cho biết, khi phát hiện giáo viên xúc phạm học sinh thì ban lãnh đạo sẽ khiển trách, nhắc nhở để giáo viên rút kinh nghiệm.

Diệu Thuần