Thầy Tùng Lâm nêu 5 giải pháp để thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay

31/03/2017 08:45
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm
(GDVN) - Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm: “Trong trường học hiện nay chỉ đánh giá thành tích phục vụ mục tiêu thi đua chứ không thực hiện mục tiêu dân chủ”.

LTS: Ngày 24/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội thảo về dân chủ trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục hiện nay. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, hiện nay không chỉ có ngành giáo dục chưa thực hiện được dân chủ mà ở ngành nào, cấp nào khi tìm hiểu kỹ đều thiếu dân chủ. Nhưng thiếu dân chủ trong giáo dục, trong nhà trường sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ. 

Trong bài viết gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lâm cho rằng, mỗi trường học có thể thực hiện tốt dân chủ nếu các thầy cô, cán bộ quản lý trong mỗi nhà trường thực sự quan tâm và mong muốn thực hiện. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rất mong nhận được nhiều giải pháp từ các chuyên gia, thầy cô để vấn đề dân chủ trong trường học được thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả trong thời gian tới. 

Hôm nay, tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả 5 giải pháp mà thầy Lâm đưa ra. 

Thứ nhất, phải nhận thức đúng về vai trò dân chủ trong trường học

Dân chủ là sản phẩm tinh thần, sản phẩm đỉnh cao của văn hóa nhân loại, chỉ có xã hội văn minh thật sự được điều hành bởi một hệ thống pháp luật chặt chẽ, nhân văn mới có dân chủ. 

Chỉ có xã hội dân chủ mới đáp ứng được sự phát triển nhu cầu bậc cao của con người theo đúng thang bậc nhu cầu của con người mà nhà tâm lý học Maslow đã nghiên cứu. 

Con người không chỉ có nhu cầu sống, nhu cầu an toàn, nhu cầu giao tiếp mà người ta đều mong muốn tự khẳng định mình, được tôn trọng và được cống hiến làm một con người tự do theo đúng nghĩa. 

Chỉ sống trong một môi trường dân chủ con người mới đáp ứng được nhu cầu cao đẹp đó.

Thầy Tùng Lâm nêu 5 giải pháp để thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay  ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (ngoài cùng bên trái) cùng các đại biểu dự hội nghị sáng 24/3. Ảnh: Lê Văn

Đặc biệt trong giáo dục, dân chủ là thể hiện cao nhất sự tôn trọng con người.

Giáo dục không trên cơ sở tôn trọng con người, không khuyến khích con người cống hiến, con người tự tin, tự trọng, tự chủ trong mọi việc làm của mình, nền giáo dục đó không thể coi là nền giáo dục có chất lượng. 

Chất lượng giáo dục là chất lượng cuộc sống của con người được đáp ứng, được thỏa mãn những nhu cầu bậc cao. 

Nói đến chất lượng cao của giáo dục trước hết học sinh phải được giải phóng về tinh thần, tự do phát triển nhân cách theo cách riêng và chỉ có dân chủ mới giúp thầy cô phát huy được sáng tạo, tài năng của mình cho sự nghiệp trồng người.

Thứ hai, phải thực hiện triệt để quản lý bằng dân chủ trong các nhà trường

Hiện nay quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo, Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản để phát huy dân chủ trong các nhà trường nhưng thực hiện không được là bao. 

Vậy lỗi ở đâu mà dân chủ không thực hiện trong các nhà trường? 

Thầy Tùng Lâm nêu 5 giải pháp để thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay  ảnh 2

Một số vấn đề nổi cộm trong quản lý giáo dục

(GDVN) - Chất lượng chủ yếu được tạo nên từ cơ sở đào tạo. Tự chủ đại học là việc quan trọng cần tiếp tục triển khai thực hiện.

Trước hết, các cấp quản lý giáo dục đào tạo chưa coi đây là biện pháp quan trọng để buộc các nhà trường tự thay đổi theo đúng nhu cầu nguyện vọng người học, do đó không chỉ đạo đến nơi đến chốn. 

Hệ thống quản lý trong các nhà trường không thấy được cái lợi của quản lý theo dân chủ, chỉ quen quản lý theo mệnh lệnh mà không thấy được rằng chỉ có quản lý dân chủ các cơ sở giáo dục đào tạo mới tạo ra được động lực cho thầy, trò sáng tạo trong giảng dạy, học tập. 

Đồng thời mỗi nhà trường phổ thông hiện nay phải xây dựng được “Văn hóa học đường”. 

Mà muốn có “Văn hóa học đường” trước hết phải có dân chủ trong mỗi nhà trường và trước hết mỗi hiệu trưởng phải có “Văn hóa quản lý”. 

Để có dân chủ trong mỗi trường học, vai trò gương mẫu của cán bộ quản lý, của hiệu trưởng là rất lớn, song nếu chỉ mới phát huy vai trò của Hiệu trưởng thì chưa đủ, chưa thể hiện đúng bản chất của dân chủ trong nhà trường. 

Hiệu trưởng phải tác động để nêu cao vai trò quần chúng, vai trò tập thể các nhà sư phạm.

Thứ ba, đẩy mạnh vai trò của nhà giáo trong việc tham gia quản lý cơ sở giáo dục

Vậy “quản lý theo hướng dân chủ hóa” ở đây là phải quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo như thế nào? 

Không thể khác là phải công khai minh bạch mọi hoạt động của nhà trường.

Cán bộ giáo viên, học sinh được quyền tham gia xây dựng kế hoạch, tham gia đánh giá kết quả của quá trình đào tạo, tham gia để làm chủ mọi hoạt động giáo dục của nhà trường. 

Thầy Tùng Lâm nêu 5 giải pháp để thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay  ảnh 3

"Đổi mới giáo dục và món nợ với cha ông"

(GDVN) - Nếu không có cách làm tốt hoặc né tránh bản chất của vấn đề thì sẽ không thay đổi được. Làm một hồi, vất vả và tốn kém, nhưng cuối cùng thì vẫn như cũ.

Không thể để tình trạng “bộ tứ” trong các trường chỉ để Hiệu trưởng “tự bố”.

Để cán bộ giáo viên, công nhân viên mỗi nhà trường được phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mỗi người, mỗi bộ phận thì từ năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định 04/2000/QĐ-BGD ĐT ngày 01/03/2000 ban hành quy chế Dân chủ trong các hoạt động nhà trường. 

Tuy nhiên, tại sao các nhà trường vẫn mất dân chủ? 

Về cơ bản những quy chế này đã không làm rõ vai trò trách nhiệm của các cá nhân; bộ phận trong mỗi nhà trường khi không thực thi dân chủ trong nhà trường. 

Không có cơ chế bắt buộc Hiệu trưởng phải giải trình với cấp trên và trước Hội đồng sư phạm về những ý kiến đóng góp cho việc xây dựng kế hoạch cũng như tổng kết các hoạt động giáo dục của nhà trường. 

Trong trường học hiện nay chỉ đánh giá thành tích phục vụ mục tiêu thi đua chứ không thực hiện mục tiêu dân chủ. 

Mọi hoạt động kiểm tra đánh giá các hoạt động giáo dục của nhà trường chỉ hình thức, nghe và đọc theo báo cáo của Hiệu trưởng là chủ yếu. 

Vậy làm sao để tiếng nói của mỗi cán bộ giáo viên trong nhà trường được tôn trọng mọi nguyện vọng chính đáng của thầy và trò phải được đáp ứng mỗi hy vọng có dân chủ.

Thứ tư, đẩy mạnh dân chủ trên cơ sở phát huy quyền tự chủ của các trường học

Nghị quyết 29 đã chỉ rõ, đổi mới giáo dục phải gắn với dân chủ và tự chủ của các cơ sở giáo dục. 

Thầy Tùng Lâm nêu 5 giải pháp để thực hiện dân chủ trong trường học hiện nay  ảnh 4

Giáo viên im lặng đâu phải vì đồng ý, họ đang tự bảo vệ mình!

Nhưng hiện nay, chúng ta mới đang nghiên cứu để chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục Đại học về cơ chế tự chủ để các cơ sở giáo dục phải được tự chủ tất nhiên không thể làm ngay mà phải có lộ trình phân cấp cho các nhà trường được tự chủ thực hiện chương trình giáo dục, quản lý nhà giáo, quản lý tài chính.
 
Mỗi nhà trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm minh bạch công khai mọi hoạt động quản lý của nhà trường. 

Mỗi cơ sở giáo dục phải tự xây dựng “Thương hiệu riêng” như vậy giáo dục mới làm chủ chất lượng. 

Và chỉ khi có dân chủ và tự chủ thì các nhà trường mới chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo.

Thứ năm, thực hiện dân chủ và tự chủ trong các trường học


Đó là việc phải đẩy mạnh vai trò giám sát của cộng đồng, đặc biệt Ban đại diện của cha mẹ học sinh và trường lớp, từng trường phải có tiếng nói, có hiệu lực trong việc tham gia đánh giá hiệu quả các chương trình giáo dục mỗi cơ sở giáo dục.

Dân chủ mỗi cơ sở giáo dục phải được đánh giá qua học sinh và cha mẹ học sinh - đối tượng phục vụ của mỗi nhà trường. 

Việc đánh giá này phải được tiến hành bởi một cơ quan độc lập ngoài nhà trường, nhất là vận dụng công nghệ thông tin để đánh giá một cách khoa học, khách quan, chắc chắn dân chủ sẽ hiện hữu ở các trường học.

Hy vọng thông qua các hội thảo về vấn đề dân chủ trong trường học sẽ tập hợp được nhiều sáng kiến để có cách tháo gỡ và đưa dân chủ đến các trường học một cách đích thực, đáp ứng sự mong mỏi của cha mẹ học sinh, giáo viên nhà trường. 

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm