Lý giải việc nhiều thí sinh chọn môn Địa Lý trong kì thi quốc gia

23/06/2015 07:54
Bùi Mai
(GDVN) - Còn ít ngày nữa là kì thi Tốt nghiệp THPT chính thức diễn ra, thời gian này các thí sinh đang trong giai đoạn “nước rút” để bước vào kỳ thi quan trọng.

LTS: Chỉ còn ít hôm nữa là đến kỳ thi quốc gia lần đầu tiên. Hôm nay, cô giáo Bùi Mai gửi tới độc giả một phân tích về lựa chọn môn thi của học trò.

Những điều này xuất phát từ thực tế và không khỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ, nhất là đối với kỳ thì sang năm cũng như chuyện dạy và học trong thời gian tới.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Công tác triển khai, phổ biến những quy định và những điểm mới trong thi cử của Bộ Giáo dục và đào tạo được các trường THPT thực hiện khá sớm. 

Trong đó các công tác như  đăng kí môn thi tự chọn bên cạnh 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ), làm hồ sơ dự thi kì thi THPT Quốc gia được triển khai ngay từ khi có công văn của Bộ.

Nhờ có các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, hướng nghiệp của thầy cô giáo và phía sinh viên tình nguyện nên phần lớn các em học sinh đều lựa chọn các môn thi phù hợp với năng lực và mục đích xét điểm vào các trường Đại học theo mong muốn.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2015 (Ảnh: Giadinhvn)
Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2015 (Ảnh: Giadinhvn)

Trong kì thi THPT Quốc gia năm nay, bên cạnh 3 môn thi bắt buộc, thí sinh được lựa chọn một trong các môn học: Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học, Địa Lý, Lịch Sử để làm môn tự chọn thứ 4. Các môn học được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là Vật Lý, Hóa Học, Địa Lý, Sinh Học và rất ít thí sinh chọn môn Lịch Sử.

Nhiều thí sinh có học lực Khá hoặc Trung Bình đều lựa chọn môn Địa Lý làm môn thi thứ 4 và coi đây như một giải pháp an toàn.

Môn Địa Lý được học sinh đánh giá là khá dễ “ăn” điểm hơn các môn học khác, hơn nữa quyết định thí sinh được đem Atlat vào phòng thi của Bộ Giáo dục lại càng làm học sinh có thêm động lực để chọn môn Địa Lý.

Một cuốn sách khá hay hướng dẫn sử dụng Atlat Địa Lý Việt Nam
Một cuốn sách khá hay hướng dẫn sử dụng Atlat Địa Lý Việt Nam

Theo cấu trúc của đề thi môn Địa Lý bất kể trong kì thi Tốt nghiệp THPT hay thi Đại học trước đây thì bao giờ cũng gồm có hai phần: Lý thuyết và thực hành. Phần thực hành yêu cầu thí sinh phát huy khả năng vẽ biểu đồ, phần này đã chiến đến 3 điểm. 

Theo như ý kiến học sinh thì những học sinh có học lực Trung Bình cũng có thể làm được phần thực hành và rất dễ qua điểm liệt vì chỉ cần học thành thạo các dạng biểu đồ, cách xác định dạng biểu đồ qua bảng số liệu… hoặc kĩ năng tính toán đơn giản là học sinh có thể làm được phần này.

Kiến thức Địa Lý xưa nay được đánh giá là khá thiết thực, và nó quen thuộc với cuộc sống thường ngày, các em có thể dễ dàng nhận thấy đặc điểm tự nhiên nước ta  qua cuộc sống thường ngày, hoặc các đặc điểm dân cư, xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng.  Tóm lại kiến thức Địa Lý các em có thể trau dồi ở bất cứ đâu.

Hơn nữa, kiến thức Địa Lý các em được dạy theo một cấu trúc rõ ràng, theo một khung sườn nhất định. 

Ví dụ nói đến điều kiện tự nhiên nước ta các em không thể bỏ qua các tiêu chí ( ý chính cơ bản) như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sông ngòi, sinh vật,... hay điều kiện kinh tế- xã hội như: Dân cư, nguồn lao động, cơ sở vật chất kĩ thuật, vốn, thị trường,…từ các ý chính đó các em chỉ cần nhớ được yếu tố đặc trưng nhất còn những yếu tố còn lại có thể viết theo ý hiểu của mình mà theo như các em quan niệm đó chính là tài “chém gió”.

Đó chính là những lý do để lý giải cho việc tại sao rất nhiều học sinh chọn môn Địa Lý là môn tự chọn. 

Ví dụ, Trường THPT Việt Đức, theo thống kê của nhà trường, học sinh chọn môn Vật lý nhiều nhất, sau đến môn Hóa học. Cụ thể: 440 học sinh đăng ký thi môn Vật lý, 235 học sinh đăng ký thi môn Hóa, 203 học sinh chọn môn Địa lý, môn Lịch sử chỉ có 27 em đăng ký. 

Có trường học sinh chủ yếu có lực học Trung bình thì có đến 80% số học sinh chọn môn Địa Lý. Ở tỉnh Điện Biên có trên 63% số học sinh chọn môn Địa Lý, còn tỉnh Cao Bằng số học sinh lượng chọn môn Địa là 73%, tại tỉnh Vĩnh Phúc sự lựa chọn môn tự chọn lần lượt Địa lý 49,1%, Vật lý 40,6%, Hóa học 36,6%, Sinh học 21,6%, Lịch sử 11,2%.

Dù học sinh có lựa chọn môn học nào đi nữa thì cái đích đến cuối cùng cần trang bị cho học sinh chính là sự phát triển toàn diện về trí tuệ và nhân cách và điều quan trọng trước mắt chính là tạo một tâm thế sẵn sàng cho kì thi sắp tới. 

Để học sinh có được tâm thế tốt thì Nhà trường, gia đình và xã hội phải đặc biệt quan tâm các em nhất là trong khoảng thời gian này.

Bùi Mai