Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay đổi tư duy người thầy

30/12/2015 08:05
Th.s. Bùi Thị Cần
(GDVN) - Bài viết chỉ xin phép trao đổi một góc của phương pháp rất đáng được quan tâm là phương pháp tư duy của người thầy hay cách tư duy của người thầy.

LTS: Với tư cách là giảng viên của một trường Đại học, Ths Bùi Thị Cần cho rằng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cần xuất phát từ cách tư duy của người thầy. 

Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng một nền giáo dục chất lượng, mở ra một con đường mới cho sự phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả ý kiến của cô. 


Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo là mục tiêu quan trọng hàng đầu luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm chú trọng nhất là Việt Nam bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định mạnh mẽ trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII sự quan tâm đặc biệt và làm rõ hơn lập trường, quan điểm, tính nhất quán về sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đã khẳng định trong các văn kiện Đảng trước đây, đặc biệt là trong Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI. 

Đây thực sự là một cuộc cách mạng với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân mở ra một con đường mới cho sự phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI có chất lượng cao, có khả năng đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu… tạo bước đột phá quan trọng cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. 

Nhiều chiến lược đã đưa ra, nhiều giải pháp và các vấn đề được thảo luận sôi nổi, quyết liệt nhằm tập trung cho việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục “bách gia tranh minh” nhà nhà đua tiếng, người người quan tâm… trong thời gian qua và sẽ còn tiếp tục. 

Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay đổi tư duy người thầy ảnh 1
Đổi mới tư duy của người thầy làm cơ sở đổi mới tư duy người trò (Ảnh: tuoitre.vn)

Bài viết này chỉ xin tập trung nói một vấn đề rất nhỏ từ góc độ người giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại trường đại học quan tâm đến vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong đó có đổi mới về phương pháp. 

Tuy nhiên, bài viết cũng không đề cập nhiều đến phương pháp giảng dạy, học tập nói chung ở đại học mà chỉ xin phép trao đổi một góc của phương pháp rất đáng được quan tâm là phương pháp tư duy của người thầy hay cách tư duy của người thầy. 

Người học được xem là trung tâm, là nhân vật vô cùng quan trọng cần được phát huy mọi năng lực sẵn có để phát triển.

Phải làm cách nào để người học có thể phát triển trí tuệ, tư duy sáng tạo trong thời đại sáng tạo hiện nay? Sẽ có rất nhiều điều để bàn luận trong đó vai trò người thầy định hướng và khơi dậy tính sáng tạo của các em là rất quan trọng? 

Vậy, người thầy đó phải như thế nào? Tất nhiên, phải hội tụ nhiều phẩm chất và luôn luôn tự trau dồi, tự làm mới mình về trí thức, trí tuệ, tư duy…

Trong đó, nếu người thầy không tự mình đổi mới tư duy và cách tư duy nhận thức vấn đề, định hướng vấn đề, giải quyết vấn đề khi truyền thụ tri thức thì khó mà làm nảy nở sự sáng tạo ở người học.

Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay đổi tư duy người thầy ảnh 2

Thầy giáo và những băn khoăn trong cách đổi mới giáo dục

(GDVN) - Nếu đổi mới một cách tràn lan theo bề rộng, không chọn lọc, tập huấn sơ sài, qua loa rồi để giáo viên tự bơi như hiện nay thì sự đổi mới có ích lợi gì?

Từ việc nghiên cứu và giảng dạy các môn Lý luận chính trị ở trường đại học, chúng tôi muốn nói đến cách đổi mới tư duy của người thầy từ việc đặt các câu hỏi, gợi mở các vấn đề để người học suy nghĩ đến nhiều cách trả lời.

Định hướng cho các em những kiến thức được trình bày trong giáo trình dưới dạng các câu hỏi và khuyến khích các em tích cực tự mình đặt ra các câu hỏi liên quan nội dung kiến thức được nghiên cứu… 

Từ đó, các em biết rèn luyện lập luận vấn đề một cách chặt chẽ, khoa học đồng thời liên hệ thực tiễn để làm sáng tỏ lý luận và dám mạnh dạn đưa ra ý kiến riêng, cách giải quyết mới, cách suy nghĩ mới…. Quan trọng là vai trò định hướng và làm chủ được của người giáo viên trong hoạt động dạy học. 

Ivan Hannel, tác giả cuốn sách "Phương pháp đặt câu hỏi hiệu quả trong dạy học" đã khẳng định "Đặt câu hỏi hiệu quả cao là cách thức giúp học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động học tập". 

Các nhà giáo dục chương trình Dạy học cho tương lai của Intel cũng nhấn mạnh:

"Đặt câu hỏi là trọng tâm của phương pháp dạy học tích cực. Điều quan trọng là phải lựa chọn được loại câu hỏi thích hợp để kích thích tư duy của học sinh và thu hút các em vào các cuộc thảo luận hiệu quả"; "Câu hỏi hiệu quả cao là trọng tâm của phương pháp dạy học tích cực"'….

Nắm bắt ý nghĩa và tầm quan trọng của câu hỏi hiệu quả cao trong dạy học đòi hỏi giáo viên phải thiết kế mẫu Kế hoạch giảng bài (Giáo án) thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống các câu hỏi mà giáo viên phải chuẩn bị. 

Phần này yêu cầu giáo viên chuẩn bị những câu hỏi nhấn mạnh đến sự hiểu biết, đem lại sự thay đổi tích cực trong quá trình học tập; các câu hỏi bao quát; các câu hỏi mở rộng để người học có thể ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế cuộc sống…

Đồng hành cùng các giáo án đó là sự tâm huyết miệt mài của giáo viên, coi các câu hỏi hiệu quả cao là linh hồn của tiết học; chịu khó đọc, suy nghĩ, chịu khó ghi chép để có thể tạo ra những câu hỏi hay, những câu hỏi thú vị, những câu hỏi mang tính sáng tạo làm các trụ cột chắc chắn cho bài giảng… tạo hứng thú học tập ở sinh viên, khích lệ các em ham học, ham đọc, ham phát biểu, ham trưởng thành với tư duy ngày càng sáng tạo hơn. 

Việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập các môn Lý luận chính trị lâu nay đã được bàn nhiều để làm thế nào có hiệu quả? Học trò học các môn Lý luận chính trị sẽ không thấy chán nản? 

Làm thế nào để đổi mới việc dạy và học các môn Lý luận chính trị đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay?... thiết nghĩ là vấn đề của cả một hệ thống và nhiều hệ thống! 

Nhưng nhất định người thầy phải chủ động trong việc đổi mới tư duy và cách tư duy của mình chứ không phải trông chờ sự đổi mới cả hệ thống rồi mới đến lượt mình đổi mới!

Một vài ví dụ để thấy tầm quan trọng của đổi mới tư duy bằng cách đặt các câu hỏi mà đã làm thay đổi lịch sử Việt Nam từ cá nhân đến dân tộc.
 
Nguyễn Sinh Cung - Tất Thành - Ái Quốc - Chí Minh trước bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã đặt câu hỏi: Tại sao nhân dân Việt Nam bị thực dân Pháp bóc lột tàn bạo như thế? 

Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay đổi tư duy người thầy ảnh 3

Những nội dung nào cần phải sửa để giáo dục Việt Nam theo kịp với các nước?

(GDVN) - Từ những bứt phá mạnh của giáo dục đại học, sẽ đặt ra những yêu cầu về chất lượng đầu vào của đại học, tác động trực tiếp đến nội dung chương trình…


Tại sao các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta mặc dù diễn ra rất sôi nổi, oanh liệt nhưng đều thất bại? Pháp là một nước như thế nào mà nêu cao khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”  nhưng lại đến xâm lược Việt Nam?.... 

Những trăn trở, băn khoăn và cả sự đau đớn xót thương dân tộc mình đang rên xiết dưới ách thống trị thực dân Pháp của người thanh niên yêu nước Văn Ba đã chuyển thành những câu hỏi day dứt khôn nguôi ở Người.

Và để rồi dẫn đến một quyết định cách mạng táo bạo, sáng tạo và khoa học tạo nên một bước ngoặt quan trọng vĩ đại trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành với hành động: hướng về trời Tây ra đi tìm đường cứu nước để rồi từ con đường cứu nước đầy sáng tạo đó.

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại nhất, oanh liệt nhất cho cách mạng Việt Nam, giành lại giang sơn đất nước với độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào dân tộc Việt Nam và vững tin quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.

Một hướng đi thể hiện cách nghĩ sáng tạo và cách làm sáng tạo; một hành trình cứu dân cứu nước bằng tinh thần yêu nước mãnh liệt, bằng nhận thức sáng tạo và hành động sáng tạo… bắt đầu từ việc đặt ra các câu hỏi, trăn trở với nó và tìm mọi cách để giải quyết.

Giáo sư Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về toán Việt Nam trong dịp về thăm và làm việc tại trường Đại học Vinh ngày 14 -15/12/2015 đã chia sẻ: Giáo sư từng thi trượt vào một trường chuyên toán

Sau thất bại đó Giáo sư đã tự chất vấn mình bằng những câu hỏi và chính những câu hỏi đó đã giúp Giáo sư gặt hái được những thành công sau này. Lúc đó, Giáo sư đặt cho mình câu hỏi: Tại sao người ta làm được còn mình thì không? 

Muốn đổi mới giáo dục, trước hết phải thay đổi tư duy người thầy ảnh 4

55 năm đứng lớp, thầy Hồ Quang Diệu muốn một lần Bộ giáo dục lắng nghe góp ý

(GDVN) - Nếu giải quyết được ba nút thắt cơ bản của giáo dục Việt Nam thì mới nghĩ tới chuyện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thầy Diệu băn khoăn.

Câu hỏi đã thúc đẩy Giáo sư bắt đầu tập trung nhiều vào việc giải các bài toán, tìm tòi những phương pháp giải mới, tìm đến những bài toán khó hơn để học hỏi và rèn luyện bản thân…. Không gặp được bài toán khó mình không thể phát triển được. 

Và, người học trò đã từng thi trượt… nay đã là một vị Giáo sư danh tiếng, là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Toán học danh giá quốc tế và đang nỗ lực không ngừng đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. 

Tại cuộc gặp gỡ với 40 doanh nghiệp tiêu biểu trong cộng đồng khởi nghiệp (Start Up) vào chiều 12/8/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định:

Các bạn có nhiều tâm huyết và sẽ là những người giúp đất nước giàu có. Các bạn sẽ là những người thành đạt của một đất nước giàu có. Không ai muốn đi nước ngoài, đạt giải thưởng mà lại công dân của nước nghèo. Tất cả anh em ngồi đây đều có niềm tin vào các bạn, niềm tin tương lai của đất nước”. 

Nhưng, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một cách sâu sắc rằng:  “Cần đặt câu hỏi, tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo. Bây giờ phải làm gì?".

Đó chính là vấn đề mà đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam cần phải tự mình suy nghĩ, nhận thức được trách nhiệm của mình chứ không riêng gì 40 doanh nghiệp tiêu biểu trong cộng đồng khởi nghiệp. 

Câu hỏi của Phó Thủ tướng làm chúng ta liên tưởng đến câu hỏi dành cho thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay!... 

Những câu hỏi đó sẽ làm cơ sở cho chúng ta suy nghĩ và hành động mạnh mẽ hơn sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước… 

Và, thiết nghĩ người thầy hãy đổi mới tư duy và cách tư duy một cách đúng đắn nhất, hiệu quả nhất làm cơ sở vững chắc cho người học đổi mới tích cực hơn, chủ động hơn để góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu được đề ra trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII là:

Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Tài liệu tham khảo: 

1.      PGS, TS. Thành Duy (2001), Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Nxb Chính trị Quốc gia, HN.

2.      Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, WWW. daihoi12.dangcongsan.vn

3.      Tôn Quang Minh, Câu hỏi hiệu quả cao trong dạy học”, 08/19/2014, Internet.

4.      Tony Buzan (2015), Phương pháp tư duy và kích hoạt trí não, NXB Tổng hợp TPHCM.

5.      Lê Công Triêm (2002) (chủ biên), Một số vấn đề hiện nay của phương pháp dạy học đại học, Nxb Giáo dục, HN.

6.      Ivan Hannel (2009), Phương pháp đặt câu hỏi hiệu quả cao trong dạy học.

Th.s. Bùi Thị Cần