Ngân sách đang tiêu tốn một số tiền lớn cho Sáng kiến kinh nghiệm

26/01/2017 07:24
Nguyễn Cao
(GDVN) - Chưa biết tính hiệu quả của những sáng kiến kinh nghiệm đến đâu nhưng mỗi năm ngân sách nhà nước đang phải chi số tiền vô cùng khủng khiếp cho phong trào này.

LTS: Câu chuyện về sáng kiến kinh nghiệm đã được trao đổi nhiều lần trên báo chí và các diễn đàn của giáo viên.

Dành nhiều bài viết về đề tài này, thầy giáo Nguyễn Cao tiếp tục chia sẻ ý kiến của mình về sự lãng phí của phong trào này.

Theo thầy, đa số giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm đều chỉ mang tính hình thức, cóp nhặt chỗ này chỗ kia.

Trong khi đó, số tiền tổng kết chi cho phong trào này đang ở mức rất lớn gây lãng phí ngân sách.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thực hiện Nghị định 56 của Chính phủ thì mỗi năm ngành giáo dục có hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm. 

Chưa biết tính hiệu quả của những sáng kiến kinh nghiệm này đến đâu nhưng mỗi năm ngân sách nhà nước đang phải chi một số tiền vô cùng khủng khiếp cho phong trào này. 

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích rõ sự tốn kém.

Tháng 6/2015, Nghị định 56 của Chính phủ được ban hành. Tại Điều 25 của Nghị định này đã qui định rõ:

Nếu công-viên chức muốn được xét công chức cuối năm từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên phải có một đề tài, một sáng kiến, một cải tiến…

Từ sự chỉ đạo của cấp trên, nên dưới cơ sở phải thực hiện theo Nghị định bởi không ai muốn bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. 

Vì thế, trong các đơn vị trường học chỉ mình Hiệu trưởng là không phải viết sáng kiến, còn lại từ Phó hiệu trưởng xuống đến nhân viên đều phải viết…

Vì, phần lớn là viết đối phó, viết để không bị xếp là “không hoàn thành nhiệm vụ” nên phần lớn các giáo viên, nhân viên trong nhà trường viết cho có lệ. 

Chỉ một phần rất nhỏ giáo viên có đầu tư nghiêm túc còn lại họ lên mạng lấy vài cái đề tài rồi cắt dán hoặc có người thân, bạn học ở địa phương khác thì xin rồi thay tên, đổi trường là xong. 

Giáo viên vỡ mộng vì tưởng "thoát" sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Giáo viên vỡ mộng vì tưởng "thoát" sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trong Nghị định 56 cũng đã nêu rõ là những sáng kiến được cấp cơ sở công nhận, mà cấp cơ sở thì lẽ nào lại không xếp giải cho cho giáo viên, nhân viên trường mình. 

Vì thế, khi đã viết là có giải, không giải A thì cũng được giả B, rất hiếm có giải C. Những giải A thì tiếp tục được gửi lên cấp cao hơn để chấm. 

Còn giải B, C thì yên phận nằm lại thư viện nhà trường và coi như đó đã là có sáng kiến kinh nghiệm và cũng là tiền đề để cuối năm xét thi đua.

Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm học là nhà trường phát động viết sáng kiến kinh nghiệm và ấn định thời gian nộp. 

Khi các giáo viên nộp xong là nhà trường bắt đầu thành lập Hội đồng chấm giải. Cũng chủ tịch, các phó chủ tịch, thư kí và các thành viên. 

Mỗi sáng kiến kinh nghiệm có hai giám khảo chấm độc lập, có phiếu đánh giá nhận xét có phiếu xác minh kết quả cho từng đề tài sáng kiến. 

Vì vậy, đề tài sáng kiến kinh nghiệm dù hay dù dở, dù dài dù ngắn cũng đều phải phân công giám khảo chấm và tất nhiên đều phải chi tiền kinh phí cho mỗi đề tài như nhau.

Nơi tôi đang công tác, mức chi cho việc chấm, xác minh cho một sáng kiến kinh nghiệm hiện nay tương đối cao. Đối với cấp trường là 300.000 đồng/1 sáng kiến kinh nghiệm/ 2 giám khảo. 

Đó là chưa kể tiền cho chủ tịch, phó chủ tịch và thư kí của Hội đồng chấm. 

Khi các sáng kiến kinh nghiệm được cấp trường chấm đạt giải A thì gửi lên cấp huyện (các trường do Phòng Giáo dục quản lí), cấp tỉnh (các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề) thì mức độ chi để chấm 1 sáng kiến kinh nghiệm càng cao lên. 

Ngân sách đang tiêu tốn một số tiền lớn cho Sáng kiến kinh nghiệm ảnh 2

Chát đắng tâm can, niềm tin tan vỡ vì...sáng kiến kinh nghiệm

Khi các sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì mức độ chi tiền thưởng cũng rất lớn.

Đối với cấp tỉnh là 800.000 đồng giải A, 600.000 đồng giải B và 400.000 đồng giải C. 

Mức thưởng của sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện cho 3 mức A,B,C là 400.000 đồng, 300.000 đồng và 200.000 đồng.

Còn đối với cấp trường thì tùy thuộc vào kinh phí mà Ban giám hiệu thưởng. 

Và, chỉ cần nhìn chỉ cần vài cái click chuột vi tính, bạn đọc cũng tìm thấy rất nhiều những hướng dẫn về việc chi cho việc chấm và phát thưởng sáng kiến kinh nghiệm. 

Những sáng kiến vô thưởng vô phạt ở cấp cơ sở không đạt giải cũng đã chi vài ba trăm ngàn đến những giải cao nhất là giải cấp tỉnh vài ba triệu đồng. 

Hàng triệu sáng kiến kinh nghiệm thì mức chi sẽ là một số tiền khổng lồ… nhưng tính hiệu quả của nó thì lại là một câu chuyện dài...

Sau khi những giáo viên đạt giải sáng kiến kinh nghiệm thì được rất nhiều những quyền lợi khác là thưởng tiền và ưu tiên trong xét các danh hiệu thi đua. 

Bởi khi có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là đủ tiêu chí và có nhiều ưu thế để xét danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; Bằng khen cấp tỉnh... 

Trong các danh hiệu thi đua này chỉ trừ danh hiệu Lao động tiên tiến là thưởng mấy trăm ngàn, còn các danh hiệu còn lại đều thưởng trên 1 triệu đồng. 

Đó là chưa kể một số cá nhân được đề nghị xét Bằng khen của Bộ giáo dục, của Thủ tướng, thậm chí còn cao hơn nữa…

Ngoài những quyền lợi cá nhân thì các đơn vị có giáo viên đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh được xét danh hiệu đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… phải nói là vô vàn quyền lợi cho cá nhân và tập thể khi những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao. 

Một sự thật đã và đang tồn tại trong ngành giáo dục nhiều năm qua là để đánh giá quá trình giảng dạy, công tác, ghi nhận công lao người thầy không phải là kết quả giảng dạy, là sự trưởng thành và thành đạt của học trò mà là một sáng kiến kinh nghiệm vô hồn, chấm và công bố giải xong thì không biết những đề tài đó đi về đâu!

Ngân sách đang tiêu tốn một số tiền lớn cho Sáng kiến kinh nghiệm ảnh 3

Có nên bỏ sáng kiến kinh nghiệm?

Trong các văn bản về xét thi đua, khen thưởng hiện nay của ngành giáo dục đã và đang quá đề cao về sáng kiến kinh nghiệm. 

Ví dụ, theo Thông tư 35 thì muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc các thành tích khác qui đổi thành sáng kiến kinh nghiệm như các bài báo khoa học chuyên ngành, bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên giỏi…

Đến khi xét Bằng khen cấp Bộ phải có 2 sáng kiến kinh nghiệm liên tục, Bằng khen của thủ tướng Chính phủ phải có 5 sáng kiến kinh nghiệm liên tục. 

Chính vì những qui định như thế nên nhiều người họ sẵn sàng tìm mọi cách để thực hiện và đạt giải sáng kiến kinh nghiệm.

Bởi đây là một phong trào đầu tư ít về công sức, thời gian nhất mà độc lập so với các phong trào khác như Ôn thi học sinh giỏi hay thi giáo viên giỏi… phải có sự cộng hưởng từ nhiều người.

Ngân sách của nhà nước đang phải chi một lượng tiền vô cùng lớn cho việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm không chỉ ngành giáo dục mà hàng triệu công-viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở cả các ngành khác. 

Có lẽ, sau khi ban hành và thực hiện Nghị định 56 đến nay, chúng ta đã nhìn ra rất nhiều bất cập. 

Nên chăng, các cấp có thẩm quyền cần nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan để điều chỉnh những điều chưa phù hợp trong việc thực hiện sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao được chất lượng mà giảm gánh nặng cho ngân sách từ một phong trào đang bộc lộ rất nhiều những bất cập.

Nguyễn Cao