Trong bài viết trước, "Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?", chúng tôi đã phân tích tư duy rất lạ của lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô:
Đổ ngân sách phát triển hàng loạt trường công lập chất lượng cao, dịch vụ song bằng học phí cao để...giảm tải các trường công lập.
Đồng thời chúng tôi cũng nêu ra vấn đề tính phản giáo dục, phản nhân văn khi tạo ra bất công xã hội, phân chia giai cấp ngay trong môi trường giáo dục công lập có sứ mệnh phổ cập giáo dục, khi triển khai các lớp thí điểm song bằng.
Bài viết này xin tiếp tục phân tích nguy cơ tham nhũng chính sách từ việc vội vã triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình "song bằng" này, bất chấp cảnh báo rủi ro và hậu quả.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ảnh chụp màn hình. |
Tại sao những đề án thí điểm trái với quy định của Chính phủ, bất khả thi về mặt chuyên môn và gây phân chia giai cấp - khoảng cách giàu nghèo ngay trong một nhà trường công lập như vậy, lại được thúc đẩy và nhân rộng vội vã?
Tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường công lập tham gia thí điểm lại giấu nhẹm đề án thí điểm song bằng, cũng như né tránh báo chí và câu hỏi của cha mẹ học sinh về việc công khai các đề án này?
Những thông tin ít hỏi về đề án thí điểm song bằng chủ yếu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quảng bá trên truyền thông.
Đối chiếu với bài học kinh nghiệm từ việc dừng thí điểm chương trình Cambridge năm 2014, chúng tôi xin phân tích một số nguy cơ về tham nhũng chính sách, ngõ hầu có thể giúp ích thày Chử Xuân Dũng trong việc cân nhắc có nên mạo hiểm tiếp tục thí điểm song bằng hay không.
Nguy cơ thứ nhất là lấy tiền dân để nuôi doanh nghiệp và nhóm lợi ích.
Đối tác liên kết thực hiện giảng dạy chương trình song bằng (thực tế là chỉ giảng dạy chương trình của Cambridge) tại trường Trung học cơ sở Cầu Giấy và Trung học cơ sở Nghĩa Tân là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Định hướng Giáo dục Việt Nam (VEC) do một người nước ngoài thành lập năm 2017;
"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau |
Đối tác liên kết trực tiếp triển khai, giảng dạy chương trình Cambridge tại trường Trung học cơ sở Thanh Xuân là Công ty Cổ phần Sinh ngữ EPC thành lập năm 2016.
Doanh nghiệp được chỉ định cung cấp dịch vụ giảng dạy chương trình Cambridge, tuyển dụng giáo viên nước ngoài, tham gia xây dựng dự thảo đề án, chương trình, hoàn thiện hồ sơ đăng ký thành trường quốc tế Cambridge, thậm chí cả việc hoàn thiện cơ sở vật chất bảo đảm.
Câu hỏi đầu tiên đặt ra là, các doanh nghiệp này được phê duyệt làm đơn vị tư vấn đào tạo chương trình song ngữ, song bằng cho các trường thí điểm, là thông qua đấu thầu hay chỉ định thầu?
Vấn đề thứ 2, với khối lượng công việc mà doanh nghiệp đảm nhiệm như trên thì thực tế chính doanh nghiệp mới là đơn vị triển khai thí điểm "song bằng" chứ không phải nhà trường.
Nhà trường công lập thí điểm song bằng phải chăng chỉ "lót ổ" cho doanh nghiệp làm dịch vụ và thu phí khá cao từ người học, mà không mất tiền đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, xin cấp phép...?
Vấn đề thứ 3 và quan trọng nhất là thu chi tài chính, 90% học phí chương trình Cambridge của các lớp thí điểm song bằng trả trực tiếp cho các doanh nghiệp, họ trả cho Cambridge bao nhiêu, trả lương giáo viên bao nhiêu không ai hay biết.
Nếu mỗi trường chỉ tuyển 2 lớp 50 học sinh, thì số tiền doanh nghiệp thu được đã lên tới 50 x 5,6 x 0,9 = 252 triệu đồng / tháng.
Cá biệt có trường trung học cơ sở tham gia thí điểm còn xin tuyển thêm cả 2 lớp 7 song bằng, thì số tiền doanh nghiệp thu được lên tới 504 triệu đồng / tháng.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng không thể không biết chuyện này, và thầy có duyệt đề xuất tuyển thêm 2 lớp 7 song bằng này không? Có bao nhiêu trường xin tuyển thêm lớp 7?
Chỉ khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công khai các đề án thí điểm song bằng của Sở và các trường, mới có câu trả lời.
Theo cách làm hiện nay, số tiền này gần như nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, chỉ có 10% cắt lại cho nhà trường làm phí quản lý (28 triệu đồng / tháng / 50 học sinh song bằng).
Nhà nước quản lý và thu thuế như thế nào đối với các khoản tiền này, cũng cần một câu trả lời rõ ràng từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Ảnh minh họa: Minh Quyết / TTXVN. |
Vấn đề thứ 4 là nếu một ngày đẹp trời, các doanh nghiệp tư nhân này biến mất, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước các em học sinh và cha mẹ đã trót "tự nguyện" bỏ cả trăm triệu đồng cho con "thí điểm"?
Nên nhớ rằng, chính các doanh nghiệp này mới làm việc trực tiếp với Cambridge để triển khai chương trình Cambridge, chứ không phải các nhà trường.
Các doanh nghiệp có phải sân sau của quan chức nào đó? Nếu không, thì tại sao họ lại được lựa chọn mà không phải đấu thầu công khai?
Khi cơm không lành, canh không ngọt, chuyện đổ vỡ hoàn toàn có thể xảy ra, bài học nhãn tiền là vụ EMG Education bị Hội đồng Khảo thí Quốc tế Cambridge ngừng cung cấp dịch vụ năm 2014, chỉ học sinh và cha mẹ thí điểm là lãnh đủ.
Nguy cơ thứ 2 là lãng phí và thất thoát ngân sách phục vụ "song bằng"
Ngày 30/5, bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Chu Văn An, đơn vị đầu tiên tại Hà Nội thí điểm song bằng, được Báo Quân đội Nhân dân dẫn lời, cho biết:
Khó khăn nhất của thầy và trò nhà trường khi tham gia chương trình song bằng là hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng theo quy định của Cambridge.
Đó là phòng học chức năng, phòng thực hành, phòng thí nghiệm.
Chương trình Cambridge với các môn khoa học đòi hỏi học đi đôi với hành, với những yêu cầu về thực nghiệm và trải nghiệm; trong đó 40% số điểm thi là thực hành và các bài báo cáo về những thực hành đó.
Những ngộ nhận và rủi ro khi cho con học "song bằng" phổ thông tại Hà Nội |
Hiện trường đã có phòng Vật lý theo chuẩn quốc tế, còn phòng Hóa học đến giờ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, không biết có kịp đến 15-7 hay 30-7 này để học sinh có phòng thực hành thí nghiệm hay không.
Trường Trung học phổ thông Chu Văn An còn thiếu một phòng đặc thù của chương trình Cambridge, đó là phòng quản lý đề thi, lưu giữ đề thi.
“Tất cả những điều đó chỉ có thể có được khi trường được xây nhà mới theo chuẩn quốc tế.
Thiếu nó thì dù thầy trò và nhà trường có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể vượt qua giai đoạn 3 của Cambridge, cũng như cơ sở để trở thành thành viên của Cambridge;
Từ đó có tài khoản đăng nhập vào hệ thống Cambridge khai thác tài nguyên cho việc dạy và học của thầy trò nhà trường. Đấy là điều tôi trăn trở nhất”, bà Lê Mai Anh chia sẻ. [1]
Trong buổi giao lưu trực tuyến Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng trên Báo Nhân dân điện tử ngày 10/7, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo quận Tây Hồ cho biết việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho thí điểm song bằng tại trường Trung học cơ sở Chu Văn An:
Quận Tây Hồ đã lên kế hoạch kinh phí xây dựng mới và đã được phê duyệt, với tổng dự án là 218 tỷ đồng, trang thiết bị khoảng 20-30 tỷ đồng, bảo đảm chuẩn quốc tế. [2]
Cũng tại buổi giao lưu này, bà Bùi Thị Minh Nga cho hay:
Đề án thí điểm song bằng này đã được Ủy ban nhân dân Thành phố duyệt và đã yêu cầu các quận đầu tư ở mức cao nhất cho nhà trường.
Như vậy có thể thấy, riêng phòng ốc thí nghiệm và các trang thiết bị phục vụ thí điểm song bằng của mỗi trường đã có thể "ngốn" của ngân sách 20 đến 30 tỷ đồng, trong khi chưa có gì bảo đảm thí điểm sẽ thành công.
Và nói như bà Lê Mai Anh, nếu không đầu tư đầy đủ phòng ốc thí nghiệm, trang thiết bị theo yêu cầu của Cambridge (từ ngân sách nhà nước), thì trường bà khó vượt qua được giai đoạn 3 (trong 4 giai đoạn đăng ký thành trường quốc tế Cambridge)?
Nói cách khác, nếu không đầu tư nốt cơ sở vật chất theo yêu cầu của nhà trường, và của Cambridge, thì có thể đề án thí điểm tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An sẽ "đổ bể".
Nhưng cũng xin đặt câu hỏi ngược lại, nếu đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất theo yêu cầu của nhà trường, thì cam kết công khai của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An với chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội là gì?
Nếu gặp trục trặc giữa chừng như vụ tạm dừng Chương trình Cambridge năm 2014, thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi của học sinh? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí ngân sách, cơ sở vật chất? Những thiết bị này phải chăng sẽ đắp chiếu?
Động lực làm "song bằng" và bóng dáng mậu dịch viên Hà Nội |
Bởi lẽ chúng được thiết kế để phục vụ cho chương trình nước ngoài, khác rất nhiều với chương trình giáo dục trong nước hiện nay.
Và thực tế, chuyện lãng phí cả trăm tỷ, ngàn tỷ đồng trong các dự án, đề án về thiết bị dạy học ở Việt Nam không phải chuyện hiếm, chứ đừng nói chưa từng xảy ra. [3] [4]
Với sự không chắc chắn về chuyên môn và hiệu quả, cũng như nguy cơ tham nhũng chính sách, lãng phí ngân sách, lãng phí tuổi thanh xuân và cơ hội của học trò Thủ đô lớn như vậy, không hiểu sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại ồ ạt mở rộng thí điểm song bằng chỉ sau 1 năm?
Phải chăng vì thời gian thí điểm 1 đề án, 1 chương trình chỉ khoảng 5-6 năm, bằng hoặc hơn 1 nhiệm kỳ một chút, có vấn đề gì thì đã có "nhiệm kỳ sau" giải quyết?
Với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, Tiến sĩ Chử Xuân Dũng sẽ giải thích những băn khoăn này như thế nào trước nam phụ lão ấu đất Tràng An, giải thích thế nào trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố?
Thực tình, chúng tôi mong rằng những lo ngại của mình là sai.
Nhưng một chương trình thí điểm có quá nhiều vấn đề, câu hỏi đặt ra mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như các trường thí điểm lại giấu biệt đề án, chúng tôi không thể không đặt những câu hỏi đi thẳng vào vấn đề, rất mong lãnh đạo Thủ đô, lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội sớm có câu trả lời để dư luận được rõ.
Nguồn:
[1]http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bai-3-con-nhieu-thu-chua-chuan-539988
[2]http://www.nhandan.org.vn/antuong/item/36962102-giao-luu-truc-tuyen-%E2%80%9Choc-song-bang-tu-lop-6-ban-khoan-va-ky-vong%E2%80%9D.html
[3]http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/23020202-lang-phi-chua-co-hoi-ket.html
[4]http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Thuc-trang-Thiet-bi-day-hoc-Chuyen-trong-phong-thi-nghiem-10797/