LTS: Sau 2 năm ban hành Thông tư 30, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư này bằng Thông tư 22 về đánh giá học sinh Tiểu học.
Nhóm tác giả Việt Cường đã có rất nhiều bài viết góp ý, đánh giá những đổi mới của ngành giáo dục vì sự tiến bộ của nền giáo dục nước nhà.
Trên tinh thần góp ý xây dựng, nhóm tác giả (gồm nhiều nhà khoa học và giáo viên đang đứng trên bục giảng hoặc đã về hưu) đã đánh giá những điểm tích cực và hạn chế của việc ban hành Thông tư 22, qua đó đề xuất nên kết hợp hai Thông tư này làm một để tránh sự rườm rà, nhầm lẫn cho giáo viên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Ngày 22/9/2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký và gửi Thông tư 22/2016/TT- BGDĐT tới các cơ sở giáo dục cả nước nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT ngày 28/8/2014.
Đọc kỹ những điểm sửa đổi, bổ sung của Thông tư 22, so sánh với Thông tư 30, nhóm chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận sự thay đổi tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều đó chứng tỏ Bộ đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phản hồi của đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội; đã nghiên cứu, đánh giá lại Thông tư 30 một cách cẩn trọng và khoa học chứ không phải như tuyên bố “xanh rờn” của bà Vũ Thị Thắm (Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học): “Không có chỉnh sửa gì hết” năm nào.
Nên chăng kết hợp hai Thông tư 30 và Thông tư 22 thành một để tạo ra một văn bản pháp quy duy nhất, tránh sự rườm rà, lặp lại (Ảnh: dangcongsan.vn). |
Chúng tôi xin được so sánh cụ thể những điểm mới của Thông tư 22 với Thông tư 30 như sau:
Ở Thông tư 30, “Điều 4. Nguyên tắc đánh giá”.
Khoản 1: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
Thông tư 22 sửa lại Điều 4 thành "Yêu cầu đánh giá".
Khoản 1: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.
“Khuyến khích sự cố gắng trong học tập” ở Thông tư 22 hay và phù hợp với tâm lý lứa tuổi tiểu học hơn. Đặc biệt, “phát huy nhiều nhất khả năng” là nhóm từ đã được cân nhắc, chọn lọc, chứ không ảo tưởng và duy tâm như nhóm từ “phát huy tất cả khả năng” của Thông tư 30.
Khoản 3: Thông tư 30 viết “Kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất”.
Khoản 3: Thông tư 22 sửa thành “Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét, kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất”.
Nhóm Việt Cường gửi tâm huyết về đào tạo giáo viên đến Bộ trưởng Nhạ |
Rõ ràng Thông tư 22 cụ thể, khoa học và hợp lý hơn Thông tư 30 nhiều.
Ở Khoản 2. Điều 5, Thông tư 30 chia làm 3 nội dung 1, 2, 3; nội dung 2 có 3 mục a, b, c; nội dung 3 có 4 mục a, b, c, d.
Ở Thông tư 22, Khoản 2. Điều 5 – đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, chỉ còn 2 mục a và b. Đặc biệt, Thông tư 22 bỏ các ý “tự trọng, tự chịu trách nhiệm” và cả câu “yêu gia đình, bạn và những người khác, yêu trường, lớp, quê hương, đất nước” tóm gọn lại bằng hai chữ “yêu thương”.
Theo chúng tôi thế là đủ, tránh được sự rườm rà, không cần thiết.
Điều 6: Đánh giá thường xuyên của Thông tư 30 chỉ có 2 mục 1, 2 và chỉ có vẻn vẹn 10 dòng. Điều đó khiến cho nội dung vừa chung chung, trừu tượng, thiếu những chỉ dẫn cụ thể, khiến cho giáo viên rất khó làm việc, mỗi nơi làm một cách khác nhau, dẫn tới mặt bằng đánh giá không đều, chất lượng đánh giá ở các trường, địa phương vênh lệch nhau.
Điều 6: Đánh giá thường xuyên của Thông tư 22 chia làm 3 mục 1, 2, 3; dài tới 23 dòng, chỉ dẫn khá cụ thể cách đánh giá thường xuyên về học tập (mục 2) và cách đánh giá thường xuyên về năng lực phẩm chất (mục 3). Đặc biệt, có một thay đổi lớn là trước đây Thông tư 30 yêu cầu giáo viên “ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” thì Thông tư 22 chỉ yêu cầu:
“Giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chỗ chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết”.
Quan trọng nhất ở sự thay đổi này là “Giáo viên chỉ nhận xét bằng lời nói” và “chỉ ghi nhận xét khi cần thiết”, điều này đã làm giảm áp lực công việc rất nhiều cho giáo viên so với Thông tư 30.
Ở Điều 10: Thông tư 30 quy định đánh giá định kỳ vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học.
Thông tư 22 quy định thêm: “Đánh giá định kỳ vào giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2 và cuối năm học”.
Như vậy, Thông tư 22 có thêm 2 bài đánh giá định kỳ nữa trong một năm học, điều này là cần thiết và tạo ra hứng thú học tập, ý thức phấn đấu, đua tranh của học sinh.
Đặc biệt, Thông tư 22 đã quy định 3 mức đánh giá về năng lực phẩm chất: Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành.
Một điểm mới ở Thông tư 22 trong đánh giá định kỳ nữa là: “Đối với lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kỳ 1 và giữa học kỳ 2”.
Theo chúng tôi, điều này là cần thiết vì lớp 4, lớp 5 là những lớp cuối cấp, các em chuẩn bị lên Trung học Cơ sở, cần phải kiểm tra nhiều hơn để học sinh quen dần với cách đánh giá ở cấp học này.
Thêm một thay đổi ở Điều 10 nữa là: Thông tư 30 chỉ đạo thiết kế các đề bài kiểm tra định kỳ theo ba mức độ nhận thức của học sinh; Thông tư 22 đưa ra 4 mức độ; cụ thể chi tiết và hợp lý hơn hẳn.
Thông tư 22 còn chỉ đạo giáo viên khá cụ thể ở những tình huống bất thường trong đánh giá định kỳ:
“Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh”.
Ở Khoản 3. Điều 10, Thông tư 22 cũng quy định đánh giá định kỳ về năng lực, phẩm chất theo 3 loại: Tốt, Đạt, Cần cố gắng. Trong khi đó, ở Điều 11 Thông tư 30 chỉ quy định 2 mức là Đạt, Không đạt.
Nhiều Sở Giáo dục vẫn âm thầm chỉ đạo làm VNEN để ...báo công |
Sự thay đổi này là hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khen thưởng học sinh cuối năm học.
Ở Điều 13 trong Thông tư 30, tên Điều là Hồ sơ đánh giá; Thông tư 22 sửa đổi thành “Hồ sơ đánh giá và tổng hợp kết quả đánh giá”.
Thay đổi lớn nhất ở Điều 13 là trong Thông tư 30, hồ sơ đánh giá gồm 5 loại; Thông tư 22 chỉ còn 2 loại là: “Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp”.
Với hồ sơ đánh giá mới này và với việc chỉ dẫn chi tiết cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cách ghi hồ sơ, Thông tư 22 đã giúp người giáo viên giảm được rất nhiều áp lực trong công việc, không phải ghi những câu chung chung, những mệnh đề giống nhau lặp lại hoặc phải đóng dấu theo kiểu “đối phó” như trước.
Chúng tôi tin rằng, thay đổi này sẽ khiến cho các giáo viên hết sức phấn khởi và cảm ơn Bộ trưởng.
Ở Điều 14 – Xét hoàn thành chương trình lớp học và Điều 15 – Nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh, Thông tư 22 cũng sửa đổi khá hợp lý, giúp cho giáo viên và các cấp quản lý giáo dục thuận lợi hơn trong công việc.
Đặc biệt, Điều 16 – Khen thưởng, Thông tư 22 cũng đã chỉ dẫn cụ thể hơn Thông tư 30 rất nhiều.
Thông tư 30 viết rất chung chung, chỉ có 5 dòng, khiến cho việc khen thưởng học sinh cuối năm học gặp nhiều khó khăn, mỗi nơi làm một kiểu, gây nhiều bức xúc cho dư luận.
Thông tư 22 chia thành hai khoản; Khoản 1 lại chia thành 2 ý: a- Khen thưởng cuối năm học và b- Khen thưởng đột xuất. Toàn bộ Điều 16 Thông tư 22 dài tới 11 dòng, chỉ dẫn khá chi tiết, rất đáng trân trọng.
Điều 19, Thông tư 22 – Trách nhiệm của giáo viên cũng đã sửa đổi nhiều nội dung quan trọng như bỏ đoạn:
“Không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ học sinh những điểm chưa tốt của học sinh” trong Thông tư 30; thay bằng ý b: “Thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của mỗi học sinh”; Thêm ý c: “Hướng dẫn học sinh tham gia nhận xét bạn, nhóm bạn…”.
Sau khi so sánh, đối chiếu cụ thể những sửa đổi của Thông tư 22 so với Thông tư 30, chúng tôi xin đưa ra một số đánh giá khái quát như sau:
1. Thông tư 22 đã chứng tỏ Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu nghiêm túc những góp ý của dư luận, tìm hiểu kỹ những bất cập của Thông tư 30, lắng nghe toàn diện những phàn nàn, bức xúc của đội ngũ giáo viên và dư luận xã hội, có những chỉnh sửa rất hợp lý, khoa học, chắc chắn sẽ được các giáo viên và xã hội đồng tình, ủng hộ.
2. Thông tư 30 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, còn Thông tư 22 do chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký. Điều này cũng cho thấy bản thân Bộ trưởng đặc biệt quan tâm tới vấn đề này và có ý thức trách nhiệm cao đối với nền giáo dục nước nhà.
3. Một số anh em trong nhóm nghiên cứu chúng tôi nói vui rằng: Nói theo quan điểm duy tâm về ý nghĩa các con số thì con số 30 không đẹp một chút nào, thậm chí rất xấu; còn số 22 lại rất đẹp và có ý nghĩa bền vững. Hy vọng Thông tư 22 sẽ thổi một luồng gió mới vào nền giáo dục nước nhà ở bậc Tiểu học.
Nhóm Việt Cường gửi tâm huyết về đào tạo giáo viên đến Bộ trưởng Nhạ |
4. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn một vài băn khoăn, xin được góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
a, Thông tư 22 ban hành hơi chậm.
Học kỳ I đã triển khai được 1 tháng, mọi hồ sơ sổ sách của các trường, các giáo viên đã được chuẩn bị đầy đủ và vận hành một thời gian. Bây giờ, theo Thông tư 22, phải làm lại, chuẩn bị lại, cũng gây ra ít nhiều phiền phức, thậm chí tốn kém. Giá như Thông tư 22 ra đời từ cuối tháng 8 thì tốt biết bao.
b, Mặt khác, không phải giáo viên nào cũng có đủ cả hai Thông tư và đủ thì giờ để so sánh, đối chiếu cụ thể các điểm sửa đổi.
Chúng tôi nghĩ: nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo hủy bỏ luôn Thông tư 30, kết hợp hai Thông tư này thành một, tạo ra một văn bản pháp quy duy nhất có hiệu lực. Nếu được như vậy, sẽ tránh khỏi sự rườm rà, lặp lại về câu chữ ở những điều sửa đổi và những điều còn được giữ nguyên.
Dù sao đây cũng chỉ là những băn khoăn nhỏ, còn cơ bản nhóm nghiên cứu chúng tôi ghi nhận và đánh giá rất cao Thông tư 22 dọ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký.