Phân tầng hệ thống giáo dục sau trung học như thế nào?

16/08/2016 07:50
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Tiếp tục chuyên mục “Đổi mới Giáo dục Đại học”, tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của GS. TSKH Lâm Quan Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.

LTS: Đại chúng hóa giáo dục đại học, mà thực chất là đại chúng hóa giáo dục sau trung học, là xu thế của giáo dục đại học trên thế giới cũng như ở nước ta trong mấy thập niên vừa qua. 

Theo xu thế đó trong thời gian qua giáo dục đại học Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đã có một hệ thống giáo dục sau trung học đa dạng về chủng loại, chức năng, sở hữu…   

Trước các nhu cầu nhân lực khác nhau của nhiều tầng bậc hoạt động kinh tế xã hội, với sự hạn hẹp của ngân sách Nhà nước đối với một nền giáo dục đại học đại chúng, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện phân tầng hệ thống giáo dục sau trung học để tăng hiệu quả đầu tư và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. 

Kinh nghiệm của Trung Quốc, và đặc biệt, kinh nghiệm của hệ thống giáo dục sau trung học bang California, Mỹ là hết sức quý giá.

Liên quan đến xu hướng của một số nước mới phát triển theo đuổi mục tiêu xây dựng các đại học “đẳng cấp thế giới”, một khuyến cáo đáng lưu ý là nên thay bằng mục tiêu xây dựng “hệ thống đẳng cấp thế giới giáo dục đại học”, tức là hệ thống giáo dục đại học với các tầng bậc hợp lý phục vụ sự phát triển của quốc gia.

Luật giáo dục đại học năm 2012 đã lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về phân tầng giáo dục đại học và đề xuất cách phân tầng tổng quát nhất. 

Để phát triển ý tưởng này, bài viết của GS. TSKH Lâm Quang Thiệp sẽ gồm nhiều phần khác nhau, trong đó đề xuất một phương án cụ thể hơn để phân tầng giáo dục sau trung học, đồng thời phác thảo các tiêu chí và chính sách của Nhà nước đối với từng tầng giáo dục sau trung học. 

Hệ thống được đề nghị gồm 3 tầng lớn: 1) Các cơ sở giáo dục đại học tập trung nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ;

2) Các cơ sở giáo dục đại học tập trung đào tạo (gồm 2 tầng con: các cơ sở được đào tạo tới cấp thạc sĩ và liên kết với các cơ sở ở tầng 1 để đào tạo tiến sĩ; các cơ sở chỉ được đào tạo tới cấp cử nhân);

3) Các cơ sở cao đẳng cộng đồng và cao đẳng khác.

Trong tầng 2, bài viết đặc biệt đề nghị Nhà nước lưu ý đầu tư để xây dựng hai đại học mở nhằm phát triển giáo dục mở và từ xa trong hệ thống, nòng cốt trong đào tạo loại hình không chính quy và hỗ trợ học tập suốt đời ở bậc đại học. 

Đại chúng hóa giáo dục đại học là một trong các xu thế nổi trội của giáo dục đại học thế giới vào đầu thế kỷ 21. 

Khi nói đến đại chúng hóa giáo dục đại học người ta thường ngầm hiểu là nói về hệ thống giáo dục đại học mở rộng, tức là hệ thống giáo dục sau trung học (giáo dục sau trung học – post-secondary education) bao gồm mọi chương trình đào tạo sau trung học phổ thông chứ không chỉ các chương trình từ cử nhân trở lên (university education). 

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp. Ảnh Xuân Trung
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp. Ảnh Xuân Trung

Bài 1 sẽ mô tả hiện trạng của hệ thống giáo dục sau trung học nước ta và đề xuất ý tưởng về việc xây dựng cấu trúc của hệ thống giáo dục sau trung học nước ta theo kiểu phân tầng.

Xuất phát từ nhu cầu các loại nhân lực khác nhau cần thỏa mãn của nhiều tầng bậc hoạt động kinh tế xã hội, từ việc ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp đối với một nền giáo dục đại học đại chúng, và cũng từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.     

Xu thế đại chúng hóa giáo dục đại học  

Một xu thế nổi trội của giáo dục đại học trong thời kỳ chuyển giao hai thế kỷ là đại chúng hóa giáo dục đại học. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam xu thế đó thể hiện rất rõ rệt. 

Thật vậy, vào năm 2007 trên thế giới có 152,5 triệu sinh viên sau trung học, tăng khoảng 50% so với năm 2000, tương ứng tỷ lệ sinh viên ở độ tuổi đại học (gross enrolment rate – GER) của toàn thế giới tăng từ 19% lên 26%.  

Ở Việt Nam, từ năm 2000 đến năm 2010 số trường ĐH/CĐ từ 153 lên 386, gấp 2,52 lần; số sinh viên từ 954 nghìn lên 2 triệu 162 nghìn, gấp 2,27 lần, nâng GER từ 13% lên 24%. 

Như vậy, trong thập niên đầu của thế kỷ 21, giáo dục đại học Việt Nam đã chuyển từ giáo dục đại học cho số ít người (elit Higher Education) sang giáo dục đại học đại chúng (mass Higher Education) (Martin Trow ,2001 (2).

Phân tầng hệ thống giáo dục sau trung học như thế nào? ảnh 2

Muốn quản lý giáo dục thật tốt thì đừng tìm cách đi một mình

(GDVN) - Hình thức quản lý theo mục tiêu chất lượng mới là hình thức quản lý phù hợp với mục tiêu quản lý lâu dài của ngành.

Trong thời kỳ cả nước tuân theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 đến trước thời kỳ đổi mới cuối thập niên 1980, hệ thống giáo dục đại học trên cả nước ta chịu ảnh hưởng về cấu trúc và mô hình của giáo dục đại học Liên Xô. 

Một đặc điểm nổi bật của mô hình đó là hệ thống giáo dục đại học bị tách khỏi hệ thống các viện nghiên cứu mạnh, mà trên cùng là hai viện lớn: Viện Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học Xã hội. 

Vào thập niên 1990, dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chính phủ đã cố gắng sáp nhập hai hệ thống nói trên nhưng đã không thành công, cho nên sự tách biệt tồn tại cho đến tận ngày nay.

Một đặc điểm khác là lúc đó hệ thống giáo dục đại học nước ta chỉ có một loại hình trường đại học là đại học đơn ngành (ví dụ như trường Đại học Xây dựng đào tạo ngành xây dựng - ở Liên Xô thường được gọi là insntitut, ở Mỹ thường được gọi là college).

Hoặc đơn lĩnh vực (ví dụ trường Đại học Bách khoa đào tạo các ngành kỹ thuật, hoặc trường Đại học Tổng hợp đào tạo các ngành khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn, ở Liên Xô thường được gọi là universitet).  

Qua quá trình đổi mới, hệ thống giáo dục đại học trở thành đa dạng hơn nhiều. Có thể tóm lược các loại cơ sở giáo dục đại học sau đây:

Thứ nhất, 16 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, bao gồm 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 3 Đại học khu vực Thái Nguyên, Huế và Đà Nẵng, một Đại học đa lĩnh vực khác mang tính chất khu vực là ĐH Cần Thơ, và 10 trường đại học đơn lĩnh vực khác là: 

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế tp. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Sư phạm tp. Hồ Chí Minh. 

Sau đó, công văn số 177/TTg-KG ngày 31/1/2008 và Công văn số 1136/TTg-KGVX ngày 11/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung tương ứng Học viện Kỹ thuật Quân sự (với tên gọi dân sự là Trường ĐH Lê Quý Đôn) và trường ĐH Vinh vào danh sách các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm. 

Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung

Thứ hai, các trường đại học đặc biệt hợp tác với nước ngoài, đó là Trường ĐH Việt Đức được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen, Cộng hòa Liên bang Đức, được thành lập theo quyết định 1196/QĐ-TTg ngày 1/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ; và trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội dựa trên cơ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và được sự hỗ trợ của Cộng hòa Pháp, được thành lập theo quyết định 2067/2009 QĐ-TTg ngày 9/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ. 

Các trường đại học đặc biệt được quy định trực thuộc Bộ GD&ĐT, hoạt động theo một quy chế tự chủ rộng rãi, giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh. 

Phân tầng hệ thống giáo dục sau trung học như thế nào? ảnh 4

GS Hồ Ngọc Đại: Nếu có công nghệ giáo dục, 30 năm sau sẽ có một dân tộc khác

(GDVN) - Công nghệ giáo dục là lấy trẻ em làm trung tâm chứ không phải thầy giáo. Học là chơi chứ không phải vật lộn đau khổ. Học không thi cử, không chấm điểm.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo sau đại học trong và ngoài trường đại học: Cho đến năm 2009 có 172 cơ sở được quyền đào tạo sau đại học, trong đó 99 cơ sở thuộc các trường ĐH hoặc học viện, còn lại 73 cơ sở là các viện nghiên cứu độc lập với các  trường ĐH/học viện. 

Thứ bốn, các trường đại học/cao đẳng công lập khác trực thuộc các bộ ngành, cơ quan trung ương. Trong số các trường này có 2 đại học mở được thành lập từ năm 1993 với chức năng ưu tiên được quy định là đào tạo theo phương thức giáo dục mở và từ xa.

Thứ năm, các trường đại học/cao đẳng công lập trực thuộc địa phương: bao gồm các trường cao đẳng cộng đồng, cao đẳng sư phạm, các ĐH địa phương. Ngoài ra  có gần 200 cao đẳng nghề trực thuộc Bộ Lao động và Thương Binh – Xã hội.  

Thứ sáu, các cơ sở giáo dục đại học tư: Cho đến cuối năm 2010 ở nước ta có 50 trường ĐH và 30 trường CĐ ngoài công lập.

Thứ bẩy, ngoài các nhóm cơ sở ĐH, CĐ trên đây, cần lưu ý đến một nhóm trường đặc biệt ở nước ta là các trường trung cấp chuyên nghiệp, có thể xếp vào loại cơ sở giáo dục sau trung học. 

Thật vậy, ở nước ta từ lâu tồn tại một hệ thống trung cấp chuyên nghiệp, được xây dựng theo mô hình Liên Xô. Vào năm 2010 có 290 trường trung cấp chuyên nghiệp (199 trường công và 91 trường tư), 686.184 học sinh, 18.085 giảng viên. 

Chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp có thời hạn 2 năm.  Một bất hợp lý của loại trường này là học sinh được tuyển vào trên 90% có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng khi tốt nghiệp loại trường này chỉ được cấp bằng  với danh hiệu “trung cấp chuyên nghiệp”, một sự lãng phí đối với hệ thống và thiệt thòi cho người học. 

Bất hợp lý này đã được nêu ra từ nhiều thập niên trước đây nhưng cho đến nay vẫn chưa được xử lý.

Còn tiếp…

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp