Quốc hội yêu cầu áp dụng chương trình-sách giáo khoa mới từ năm học 2018-2019

23/11/2016 11:50
Ngọc Quang
(GDVN) - Đây là một trong những nội dung quan trọng nêu rõ tại Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Nghị quyết này được thông qua sáng 23/11 trong chương trình làm việc của phiên bế mạc, với 95,54% tổng số đại biểu nhất trí tán thành.

Quốc hội yêu cầu tổ chức rà soát để thực hiện hiệu quả Luật giáo dục; hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bảo đảm chất lượng, phù hợp với định hướng đổi mới, triển khai áp dụng từ năm học 2018-2019;

Đánh giá toàn diện, có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, mô hình trường học mới (VNEN); tăng cường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm.

Rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học trên cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo, phân tầng, xếp hạng, cơ cấu đào tạo; thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Quốc hội yêu cầu áp dụng chương trình-sách giáo khoa phổ thông đảm bảo chất lượng từ năm học 2018-2019. ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn
Quốc hội yêu cầu áp dụng chương trình-sách giáo khoa phổ thông đảm bảo chất lượng từ năm học 2018-2019. ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Trước đó, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ vào sáng 16/11, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đặt ra sự quan tâm đối với đề án dạy ngoại ngữ.

Đại biểu Dương Minh Ánh - TP Hà Nội đặt vấn đề: Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, với mục tiêu ban đầu của dự án là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.

Với tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng giai đoạn 2008 - 2015 đã chi hết 5.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, sau gần 8 năm thực hiện, nhiều mục tiêu chưa đạt được như mong muốn.

Với nhiều hạn chế như vậy, Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đó đến năm 2020 dự án này sẽ đạt được mục tiêu như mong muốn hay không? 

Quốc hội yêu cầu áp dụng chương trình-sách giáo khoa mới từ năm học 2018-2019 ảnh 2

Đại biểu hỏi về sách công nghệ giáo dục, Bộ trưởng nói “trả lời bằng văn bản"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rất thẳng thắn: "Đại biểu có hỏi các mục tiêu đặt ra trong đề án được xây dựng từ năm 2008 đến nay và đến năm 2020 có đạt mục tiêu không? Tôi trả lời luôn là không.

Khi xây dựng đề án chúng tôi rất cố gắng để đưa ra lộ trình và quyết tâm cao để thực hiện các mục tiêu như mong muốn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề về thời gian, về kinh phí, về chuẩn bị nhưng với trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cá nhân Bộ trưởng, chúng tôi nhận trách nhiệm".

Đối với việc triển khai chương trình-sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã tích cực triển khai, tuy nhiên, có giai đoạn rà soát thấy tiến độ chậm hơn một chút, nhưng hiện nay có nền tảng kế thừa chắc chắn.

Hiện tại đã ban hành 2 Thông tư. Thông tư thứ 3 thì Bộ Tư pháp đang cho ý kiến, còn lại Thông tư thứ 4 thì sau khi thống nhất tiêu chí đánh giá SGK hết sức thận trọng, tránh tràn lan, sẽ cố gắng hoàn thành.

Đối với mô hình trường học mới (VNEN), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đây là một mô hình tổ chức đào tạo tốt được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong đó có Colombia và được chuyên gia Ngân hàng thế giới khuyến cáo và áp dụng.

Ông Nhạ: "Khi áp dụng vào Việt Nam cũng có nhiều tỉnh tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm là không phải tỉnh nào trường nào cũng áp dụng tốt trong khi thí điểm một cách hơi đại trà.

Chúng tôi rút kinh nghiệm ngay và làm việc các địa phương, đã có 1046 thông báo luôn là tinh thần của phương thức tổ chức đào tạo từ bị động sang linh hoạt, tạo ra chủ động cho học sinh, nhưng phải có đủ điều kiện.

Trường của địa phương nào không đủ điều kiện thì áp dụng những yếu tố tích cực và phải tinh thần đổi mới chứ không phải cực đoan, không áp dụng có nghĩa là bỏ, hoặc chưa đủ điều kiện cố tình áp dụng là không được.

Chúng tôi đã có văn bản kịp thời, cho đến nay các tỉnh vào việc rất nhanh và các trường cũng rất tốt, có trường áp dụng gần như 100% nhưng có những trường một số, có những trường thì thôi, việc đó là bình thường trong quá trình tổ chức hình thức.

Ví dụ về thi, tôi trả lời rồi, ở đây tôi báo cáo với Quốc hội chia sẻ là đổi mới là một quá trình và không thể nghĩ hết được nhưng lộ trình và những nguyên tắc cơ bản là phải rõ thì chúng tôi đã cố gắng làm được điều này. Còn từng bước một chúng tôi sẽ hoàn thiện dần.

Điều đó trong quá trình làm tiếp tục lắng nghe và cố gắng khắc phục đến mức tối đa và trân trọng ý kiến các phụ huynh, cử tri, đại biểu để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện, làm cho tốt hơn".

Ngọc Quang