LTS: Trao đổi về một số lỗi sai ngữ pháp, diễn đạt trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 được phản ánh gần đây, cô giáo Phan Tuyết gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Mới đây, Báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết “Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 sai ngữ pháp, diễn đạt” của tác giả Nguyễn Minh.
Tác giả cho rằng “Bài tập đọc của tuần thứ 28, trang 83 là truyện Kho báu (theo ngụ ngôn Ê-Dốp, Nguyệt Tú dịch).
Mở đầu có câu văn: “Ngày xưa có hai vợ chồng nông dân kia quanh năm hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu...”.
“Một nắng hai sương”, “cày sâu cuốc bẫm” vốn là hai cụm thành ngữ rất quen thuộc với mọi người, nói về sự nhọc nhằn, vất vả, cần cù của người nông dân thời xưa.
Hai thành ngữ này lại bị người ta đảo ngược, nghe qua không suôn chút nào!.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 được cho là có lỗi ngữ pháp, diễn đạt. (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Bên cạnh đó, cùng đoạn văn, câu tiếp theo được viết: “Hai ông bà thường ra đồng từ lúc gà gáy sáng và trở về nhà khi đã lặn mặt trời”.
Lại một lỗi sai khó chấp nhận. Chắc chắn cụm từ “khi đã lặn mặt trời” không phải là văn phong, ngữ pháp của người Việt Nam.
Một người Việt Nam bình thường không ai dùng cách diễn đạt kỳ lạ đó. Đúng ra phải là “khi mặt trời đã lặn”.
Với vai trò là một giáo viên vẫn thường xuyên dạy tác phẩm này cho học sinh cũng xin được trao đổi với tác giả đôi điều.
Hai thành ngữ “một nắng hai sương”, “cày sâu cuốc bẫm” là hai thành ngữ quen thuộc được xem như bản chính thức.
Còn “hai sương một nắng, cuốc bẫm cày sâu” được xem như hai dị bản (dị bản chính là cách diễn đạt khác có thể thay đổi một vài từ nhưng không làm sai ý nghĩa nội dung cần diễn đạt).
Nếu nói như vậy là sai theo nhận định của tác giả bài viết Nguyễn Minh là hoàn toàn không đúng. Mà nói rằng như thế nghe ngang ngang và không hay bằng bản chính thì chấp nhận được.
Vì hai thành ngữ "hai sương một nắng", "cuốc bẫm cày sâu" dù được dùng theo cách đảo ngữ nhưng người đọc vẫn hiểu được sự vất vả nhọc nhằn của người nông dân.
Trong thực tế, có một số thành ngữ khi dùng đảo ngữ lại sai hoàn toàn với nội dung ý nghĩa lúc ban đầu.
Chẳng hạn câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn” hay “chọc gậy bánh xe”.
Bởi chẳng ai nói theo kiểu ngược lại “hạ tắc loạn, thượng bất chính” hay “bánh xe chọc gậy” cả…
Bởi thế, cách dùng đảo ngữ hai thành ngữ trong sách giáo khoa tiếng Việt 2 như hiện nay hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Riêng cách nói “…khi đã lặn mặt trời” tác giả khẳng định “không phải là văn phong, ngữ pháp của người Việt Nam. Một người Việt Nam bình thường không ai dùng cách diễn đạt kỳ lạ đó”.
Theo tác giả cách nói đúng phải là “…khi mặt trời đã lặn”. Có vội vàng quá khi tác giả quy chụp như thế hay không? Đây là biện pháp đảo ngữ tu từ trong văn học.
Khi sử dụng phép tu từ này người viết nhằm thay đổi trật tự cấu tạo ngữ pháp thông thường của câu, nhằm nhấn mạnh ý, nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng và làm câu thơ, câu văn thêm sinh động, gợi cảm, hài hòa về âm thanh…
Cách này vẫn thường được dùng trong văn học sao có thể nói rằng không phải cách diễn đạt của người Việt Nam?
Bà Huyện Thanh Quan đã từng viết “Lom khom dưới núi: tiều vài chú/ Lác đác bên sông: chợ mấy nhà” lẽ nào tác giả lại quên?