Sắp tới, ưu tiên tuyển người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên

12/11/2018 06:56
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Dự thảo Luật, cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành.

Ban soạn thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung cho hay, so với Luật giáo dục đại học hiện tại thì Dự thảo đã rà soát quy định về giảng viên, quy định việc xây dựng chính sách thu hút và đãi ngộ giảng viên (sửa Điều 12), quy định tăng tỷ lệ đại diện giảng viên tham gia Hội đồng trường. 

Quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong đó có quyền tự chủ về tổ chức và nhân sự. 

Giữ quy định về 5 chức danh giảng viên theo xu hướng quốc tế (trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư) để áp dụng chung cho các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục (không phụ thuộc vào chức danh viên chức của giảng viên các trường công lập);

Theo Dự thảo Luật giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo. (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết)
Theo Dự thảo Luật giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo. (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết)

Quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ (trừ trợ giảng); trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. 

Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn các chức danh của giảng viên và thời hạn bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; tỉ lệ giảng viên cơ hữu tối thiểu của cơ sở giáo dục đại học (sửa Điều 54).

Sắp tới, ưu tiên tuyển người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên ảnh 2Hội đồng trường đại học tự bầu hiệu trưởng

Ngoài ra, quyền và trách nhiệm của giảng viên cũng được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo nhằm khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ, bảo đảm bình đẳng giữa giảng viên ở cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập về cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... tạo điều kiện để giảng viên tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Giảng viên có quyền độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, các cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học nơi đang làm việc (sửa Điều 55).

Và Hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn quyết định ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, giảng viên, người lao động phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo Ban soạn thảo, các quy định trên vừa đáp ứng được cơ chế tự chủ của các trường, đồng thời vừa đảm bảo tính thống nhất theo các chuẩn mực chung về chất lượng giảng viên trong toàn hệ thống do Nhà nước quy định, tạo cơ sở để quy định chế độ chính sách đối với giảng viên.

Thùy Linh