Trước băn khoăn về việc Nhà nước có những chính sách gì để phát triển giáo dục đại học, đặc biệt là phát triển giáo dục đại học tư thục trong thời gian tới khi sửa Luật giáo dục đại học thì Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học cho biết:
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 11, 12 với các chính sách để thể chế hóa định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể, chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học bao gồm:
Thứ nhất, phát triển hệ thống giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới, có chính sách sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành các đại học lớn để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thứ hai, ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng và các chính sách khác để phát triển giáo dục đại học; đầu tư cho giáo dục đại học thông qua các hình thức: chi đầu tư, chi nghiên cứu phát triển, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo, học bổng, tín dụng sinh viên và các hình thức khác; có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả.
Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học, mô hình cơ cấu tổ chức không phân biệt về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, tên gọi của các thiết chế quản trị, quản lý giữa trường công lập và tư thục. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Thứ ba, đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; phát triển một số ngành đặc thù, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển các vùng của đất nước.
Thứ tư, thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;
Có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học; miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.
Sắp tới, nhiệm kỳ của Hiệu trưởng sẽ theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường |
Thứ năm, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, với nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ sáu, có chính sách đồng bộ để đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình; thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ bảy, ưu tiên đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và đối tượng học các ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học.
Thứ tám, khuyến khích, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phát triển giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.
Ngoài ra, theo Ban soạn thảo, Dự thảo còn sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo động lực cạnh tranh cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện bình đẳng công tư, cơ hội tiếp cận nguồn lực nhà nước và các nguồn lực khác trong giáo dục đại học, không phân biệt cơ sở giáo dục đại học công lập hay tư thục, cụ thể như sau:
- Về chính sách nhà nước cho phát triển giáo dục đại học là bình đẳng về cơ hội, không phân biệt công tư, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả đối với việc tiếp cận vốn ngân sách và các nguồn lực (Điều 12). Nhà nước đầu tư dựa trên sản phẩm và kết quả đầu ra chứ không phụ thuộc vào hình thức sở hữu.
Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học |
- Về nhân sự, giảng viên trường công lập và tư thục bình đẳng trong thăng tiến nghề nghiệp, cùng có cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chuẩn. Chức danh giảng viên không phụ thuộc vào chức danh viên chức để thực hiện bình đẳng giữa giảng viên trường công và trường tư.
- Về cơ hội phát triển cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học tư thục có thể phát triển trở thành đại học nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, không có sự phân biệt.
- Về quản trị đại học, mô hình cơ cấu tổ chức không phân biệt về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, tên gọi của các thiết chế quản trị, quản lý giữa trường công lập và trường tư thục (đều có hội đồng trường, có cơ cấu tổ chức và nhân sự tương tự như nhau); không phân biệt về cơ cấu tổ chức giữa trường tư thục có vốn đầu tư trong nước và trường tư thục có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, chế độ tài chính đối với loại hình cơ sở giáo dục đại học tư thục được đổi mới trong dự thảo Luật, cụ thể Dự thảo Luật giáo dục đại học quy định:
- Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học tư thục phải dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, toàn bộ phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi để tích lũy hàng năm là tài sản chung hợp nhất không phân chia của cộng đồng nhà trường, để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học (Điều 66).
- Các trường tư thục được tự chủ xác định mức thu học phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo ở mức xã hội/ người học có thể chấp nhận phù hợp cơ chế tự chủ nhằm tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng thu hút người học.