Xe đông đúc không biết đi tiếp hay quay lại
Hầu Seo Phử là thí sinh người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên tại thôn Chính Chư Phìn, xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Chưa một lần đặt chân đến Hà Nội, Phử chỉ nghe về Hà Nội qua lời thầy cô, qua sách vở Phử đọc được. Vì thế, một Hà Nội lạ lẫm, hào nhoáng và đông đúc khiến một chàng trai người dân tộc như Phử choáng ngợp.
|
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ không sõi tiếng Kinh, anh chị đã có gia đình riêng, Phử một mình xách hai ba lô, một đeo trước ngực, một sau lưng về thủ đô dự thi đại học khối C vào khoa Khoa học quản lý của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH & NV). Hành trình một mình về Hà Nội dự thi nhiều sự không ngờ đối với sĩ tử người Mông.
Xuống ga Hà Nội vào ngày 7/7, Phử bắt xe về địa điểm thi là Trường ĐH KHXH & NV. Không rõ quãng đường đi xa gần ra sao, Phử lên xe về điểm trường: “Người ta bảo cứ lên xe đi. Xuống xe họ bảo hết 150 nghìn em cũng không rõ, vẫn phải trả thôi ạ”.
Tại trường, Phử được đội sinh viên tình nguyện trường hướng dẫn chỉ đường về kí túc xá Mễ Trì trọ thi.
Với nhiều người, đoạn đường hơn 3km từ trường về kí túc xá không xa, nhưng với một sĩ tử người Mông lần đầu tiên đi trên đoạn đường đông đúc xe cộ, đặc biệt đi qua cung đường nguy hiểm như ngã tư Khuất Duy Tiến, Phử thực sự bị sốc.
Bước chân chần chừ không biết đi hay dừng làm Phử bối rối. Phử kể: “Lúc đi qua chỗ đó đông xe lắm, em hoa hết cả mắt, không biết nên đi tiếp hay quay lại, mà đi tiếp thì cũng không biết đi thế nào”.
Cuối cùng, Phử chọn quay lại cổng trường. Phử được sinh viên tình nguyện giúp tìm một nhà trọ cạnh trường cho yên tâm đi lại trong những ngày thi. Chỗ ở đã yên tâm.
Mua một gói tăm giá 70 nghìn
Xuống Hà Nội sớm, lại có nghe kể chuyện đi Văn Miếu – Quốc Tử Giám cầu may trước ngày thi, Phử cũng muốn đi thắp hương mong thi đỗ đại học. Phử hỏi cô chủ nhà đường lên Văn Miếu và được cô hướng dẫn chi tiết. Đi một mình thì sợ, nên Phử rủ một người bạn trọ cùng phòng, bạn Sùng A Chỏn – người dân tộc Tày ở Bát Xát, Lào Cai đi cùng. Hai bạn Phử và Chỏn ra bến xe buýt, bắt xe 02 lên Văn Miếu.
Hà Nội nhộn nhịp, Hà Nội đủ các loại người không như Phử nghĩ, chạm vào đâu cũng có thể mất tiền. Tại Văn Miếu, Phử đã biết thế nào là “một gói tăm giá 70 nghìn”.
Gói tăm "tình thương" vẫn đặt trên giường nhắc Phử về chuyến đi đáng nhớ |
Seo Phử kể về chuyến đi đầu tiên lên Văn Miếu: “Lúc em đứng ở cổng, có một chị đưa vào tay em gói tăm nói là ở bên giúp đỡ gì đó. Chị nói nhanh lắm em không kịp nghe rõ, vừa nói chị vừa đưa bút chỉ em kí tên vào giấy. Em chỉ nghe bập bõm là giúp đỡ, rồi cứ thế làm theo. Xong chị bảo em đưa tiền”.
Lần thứ nhất đưa 40 nghìn, Phử quay đi thì bị kéo quay lại. “Em đi thì chị ấy kéo lại, em không biết làm sao, trong ví lúc đó còn 30 nghìn, chị đấy lấy hết luôn” – Phử nhớ lại buối sáng đáng nhớ ngày hôm đó.
Còn với người bạn đi cùng, A Chỏn cũng phải kí tên mua ủng hộ một gói tăm nhưng với giá 30 nghìn do trong ví để sẵn 30 nghìn, số tiền còn lại cất trong ba lô. Biết là mình bị lừa, Phử và Chỏn cũng chỉ đành tiếc nuối quay đi.
Tiền xuống thi đại học cho Phử được bố mẹ ở quê dành dụm suốt bao tháng trời, tích cóp từ tiền bán thóc, bán ngô, bán sắn mới có được. “Em trả tiền xe, tiền nhà trọ, còn phải để dành tiền đi về quê nữa cũng còn chẳng là bao, nay lại bị lừa mất 70 nghìn”, mặt buồn bã, Seo Phử ngậm ngùi nói.
Gói tăm ủng hộ giờ vẫn yên một góc trên giường trong phòng trọ, để giờ nhìn thấy, Phử càng hiểu rằng đi đâu cũng phải cẩn thận, Hà Nội khác xa so với ở nhà.
Khi được hỏi thi xong có dự định đi chơi đâu ở Hà Nội không, Seo Phử ngậm ngừng: “Thi xong em về luôn, em không dám đi nữa”.