Làm bánh mỳ lấy tiền thi đại học
Em Tăng Xuân Việt, nguyên học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Lộc, Hải Dương trước khi là sinh viên Khoa Tự động hóa, Trường Đại học Giao thông vận tải, trước kỳ tuyển sinh đại học năm 2014 từng có thời gian bánh mỳ thuê ở quê để có tiền thi đại học.
Còn nhớ cách đây 2 năm do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, giấc mơ đại học của em đành gác lại để bước vào làm thuê cho một lò bánh mỳ, thu nhập của gia đình rất hạn hẹp, mỗi tháng em gửi về 2 triệu đồng từ tiền làm thuê giúp bố mẹ trang trải sinh hoạt hàng ngày, một phần còn lại dành dụm để năm sau lên Hà Nội dự thi.
Em Tăng Xuân Việt hiện đang ở trong KTX Mễ Trì và được tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự thi đợt hai tới. Ảnh Xuân Trung |
Tăng Xuân Việt cho biết, em sinh năm 1993, học xong lớp 12 là nghỉ học và đi làm thuê, quãng thời gian đó được xem là lúc khó khăn nhất đối với em và gia đình, lúc đó cả hai chị gái đều đi lấy chồng, mọi sinh hoạt của gia đình em đều trông chờ vào tiền công 40-50 nghìn từ mẹ đi bán cá, bố em hầu như không làm được gì do mắc bệnh mãn tính ruột thừa kèm theo hen xuyễn, không ngày nào là không dùng tới thuốc.
Chia sẻ thêm Việt cho biết, tuy chỉ làm thêm ở lò bánh mỳ được 5 tháng trước khi nghỉ để về giúp mẹ việc gia đình, nhưng thời gian đó vất vả và mệt nhọc vô cùng. Hàng ngày em phải làm hai ca, sáng từ 6 giờ tới 5 giờ chiều, tối từ 7 giờ tới 11 giờ đêm và chợp mắt được lúc khoảng 2-3 giờ sáng lại dậy cho bánh vào lò. Cứ như vậy ngày này qua ngày khác cơ thể em cũng sút cân ghê gớm.
Cho tới năm 2013 khi dành dụm được một ít tiền Việt lên Hà Nội dự thi vào ngành Tự động hóa của Trường Đại học giao thông vận tải, được 21 điểm và đỗ vào trường, em học từ đó đến nay. Tuy nhiên, khi Việt học ngành này bố mẹ em ở quê vẫn không yên tâm vì nghĩ rằng khó xin việc, hơn nữa gia đình khó khăn lúc ra trường chưa biết tính sao. Cuối năm vừa qua mẹ em động viên Việt tiếp tục năm nay thi tiếp vào ngành Công nghệ sinh học của trường Đại học Khoa học tự nhiên với mong muốn dễ kiếm việc hơn.
“Em đi thi lần hai này cũng là mong ước của bố mẹ em là chính, bố mẹ em đã tham khảo nhiều người hàng xóm và quyết định động viên em thi vào ngành này với hy vọng ra trường dễ xin việc, em cũng chỉ biết cố gắng hết sức để bố mẹ được vui” Việt bày tỏ.
Tích cóp nhiều tháng được 500 nghìn cho con đi thi
Nói về hoàn cảnh gia đình mình, em Tăng Xuân Việt cho biết, gia đình em chỉ làm nông, bên cạnh 5 sào ruộng thì mẹ em thường xuyên đi chợ bán cá, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 40-50 nghìn đồng, với số tiền đó nuôi cả gia đình.
Trong căn nhà hai gian cấp bốn của gia đình Việt không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ kỹ và hai chiếc xe đạp được người thân tặng.
Gia cảnh khó khăn khiến em và gia đình quyết định chuyển ngành học để hy vọng có được việc làm ngay sau khi ra trường. Ảnh Xuân Trung |
Để có được khoản lộ phí là 500 nghìn đồng cho Việt lên Hà Nội dự thi, gia đình em đã dành dụm từ nhiều tháng nay. Việt cho biết, số tiền này chắc chắn không thể đủ cho hai đợt thi được nhưng rất may có nhiều bạn bè giúp, hiện em đang được Ban quản lý KTX Mễ Trì tạo điều kiện ở trọ miễn phí trong mấy thờ gian đi thi.
“Số tiền này mình cũng phải tiết kiệm hết mức, còn nhiều việc phát sinh nên em cũng không thể tính được phải tiêu chi ly như thế nào, mỗi bữa ăn cũng chỉ ăn khoảng 15 nghìn đông/suất cơm, ngoài ra được các bạn giúp đỡ” Việt kể.
Thí sinh quê Hải Dương này cũng cho rằng, mỗi bữa cơm em cũng chỉ dám ăn tối đa là 15 nghìn đồng, bữa sáng 10 nghìn đồng may ra mới đủ tiền về quê sau khi thi xong.
Chia sẻ thêm, Việt cho hay đợt thi thứ nhất em cũng thi tiếp vào trường mình đang học, đợt thi thứ hai em thi khối B vào khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học khoa học tự nhiên. Nếu lần này thi không đỗ vào khoa Công nghệ sinh học em sẽ vẫn theo học tại trường Giao thông vận tải, nhưng sẽ cố gắng hết sức mình cho bố mẹ yên tâm.
Ước nguyện sau này của Việt là có việc làm ổn định để lo trả nợ số tiền 20 triệu đồng tiền sinh viên vay ngân hàng trước đó. Đây là khoản nợ lớn đối với gia đình em và bố mẹ chỉ trông chờ vào Việt sau này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Việt, Phó trưởng Ban quản lý KTX Mễ Trì cho biết, như mọi năm các đối tượng thí sinh được vào ở trong KTX phải là những hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt sẽ được ở miễn phí. Năm nay Trường Đại học Khoa học tự nhiên đăng ký dành 10 suất ở miễn phí tại KTX, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng sẽ đề nghị được KTX giúp đỡ khi có đối tượng thí sinh cần sự giúp đỡ.
“Trường hợp của em Việt là trường hợp đặc biệt, gia cảnh em khó khăn nên Ban quản lý quyết định cho em vào ở miễn phí không lấy tiền trọ, với các hoàn cảnh như vậy chúng tôi sẽ bàn bạc và cố gắng giúp hết sức để các em có được điều kiện trọ tốt nhất trong kỳ thi” ông Việt cho hay.