Sở hữu và hiệu quả quản lí từ các trường đại học tư trong tự chủ đại học

16/11/2015 13:30
Bùi Quang Tuyến - Võ Đăng Bình
(GDVN) - Đại học tư ở Việt Nam tất yếu có Hội đồng Quản trị, bởi vì các trường này cần một số vốn lớn ban đầu để có thể hoạt động.

LTS: Trong những năm gần đây, nền giáo dục Việt Nam diễn ra nhiều sự thay đổi lớn và được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, một chiến lược phát triển giáo dục quốc dân vẫn chưa thành hình và phát huy hiệu quả tạo sự chuyển biến đáng kể, đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế và xã hội. 

Bên trong hệ thống đại học, còn những vấn đề phân tầng, xếp hạng làm hạn chế quyền tự chủ của cộng đồng đại học. 

Viết tiếp chủ đề "Tự chủ đại học", trong bài viết của TS. Bùi Quang Tuyến và Võ Đăng Bình - Đại học Phú Xuân (Thừa Thiên Huế) sẽ đi sâu phân tích môi trường hoạt động của các trường đại học hiện nay (nhất là các trường đại học dân lập chưa chuyển đổi sang tư thục), cũng như phân tích mô hình quản trị đại học trong thực tiễn. 

Tác giả mong muốn trình bày một vài khía cạnh của hiệu quả quản trị, qua đó đề xuất các giải pháp cho sự phát triển ổn định và bền vững trong các trường đại học.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.


Môi trường hoạt động của hệ thống giáo dục đại học

Số lượng cho thấy các trường đại học, cao đẳng nhiều về số lượng nhưng các ngành nghề đào tạo chưa phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Các trường đại học hoạt động với rất ít quyền tự chủ, và Bộ GD&ĐT đóng một vai trò – về một vài phương diện - gần giống như Hội đồng Quản trị của các trường đại học phương Tây. 

Về chất lượng, thực tế cho thấy giáo dục đại học Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với nhiều nước trong khu vực; việc đổi mới giáo dục đại học đang được đặt ra thành một nhiệm vụ lớn của nhà nước và toàn xã hội. 

Trên khía cạnh quản lý của ngành, Bộ GD&ĐT đã ban hành chủ trương thành lập Hội đồng Trường ở các trường đại học (công và tư) nhằm góp phần gia tăng quyền tự chủ cho các trường. 

Đồng thời chủ trương này sẽ gia tăng sức sáng tạo và phát huy nội lực của các trường trong sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa đối với mối quan hệ giữa nhà nước và trường đại học, cũng như đối mặt với thị trường giáo dục đại học quốc tế đầy cạnh tranh.

Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò chính trong việc bảo vệ hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng của hệ thống giáo dục.

Những đánh giá về cơ chế quản trị bên trong của các trường đại học cho thấy Hội đồng Quản trị của các trường đại học tư về bản chất hoạt động giống như Hội đồng Quản trị của các doanh nghiệp, không giống với khái niệm Hội đồng Trường của đại học.

Luật Giáo dục đại học năm 2012 tại Điều 16 quy định về Hội đồng trường ở các trường công lập và Điều 17 quy định về Hội đồng quản trị ở các trường tư thục, bên cạnh Điều 18 quy định “Hội đồng đại học” ở đại học vùng, quốc gia! 

Ảnh minh họa website trường Đại học Phú Xuân.
Ảnh minh họa website trường Đại học Phú Xuân.

Xem xét ở nhóm các trường tư thục cho thấy: tại Điều 7, mục 2, khoản b quy định về cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.

Tại Điều 17, mục 2 quy định Hội đồng quản trị là “đại diện duy nhất cho chủ sở hữu của nhà trường”. Tại điều 17, mục 3 quy định thành viên Hội đồng Quản trị bao gồm: (3.a) “đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định” và (3.b) “Hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên”.

Sở hữu và hiệu quả quản lí từ các trường đại học tư trong tự chủ đại học ảnh 2

Tự chủ đại học nhìn từ góc độ tự chủ tài chính ở các trường công lập

(GDVN) - Đi kèm với tự chủ tài chính thì các trường phải được quyết định số lượng tuyển sinh. Bộ giáo dục và đào tạo chỉ giám sát chất lượng.

Như vậy, Đại học tư ở Việt Nam tất yếu có Hội đồng Quản trị, bởi vì các trường đại học tư cần một số vốn lớn ban đầu để có thể hoạt động, nên các nhà sáng lập và đầu tư đương nhiên trở thành thành viên của Hội đồng Quản trị nhà trường. 

Thành viên Hội đồng Quản trị của các trường đại học tư ở Việt Nam là những nhà đầu tư, chứ không phải những nhà tài trợ. Lợi ích của nhà trường gắn chặt với lợi ích của cá nhân họ. Nhưng cũng cần giải thích rõ ràng hơn về thành phần các thành viên trong Hội đồng Quản trị để chính hội đồng đó trở thành “đại diện duy nhất cho chủ sở hữu” của nhà trường. 

Phân tích 3 nội dung trích dẫn trên cho thấy, mọi thành viên trong Hội đồng Quản trị cần phải là đại diện cho một bên góp vốn nào đó hoặc đại diện cho chính mình!

Vậy cơ chế đại diện ở đây có ý nghĩa như thế nào? Mục đích của báo cáo này nhằm nêu ý kiến về cơ chế đại diện nêu trên, sao cho cơ chế này giúp nhà trường đạt được yêu cầu của một Hội đồng Quản trị để điều hành một trường đại học trong giới hạn các chức năng và nhiệm vụ đã quy định. 

Từ đây có thể thấy quyền tự chủ của trường đại học là “quyền lực của nhà trường được tự điều khiển việc vận hành của mình mà không bị kiểm soát từ bên ngoài” được Luật thể hiện rõ ràng qua các quy định trên (điểm b, c, d và mục 6, đã dẫn).

Hiệu quả quản trị Trường Đại học tư

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của khối các trường đại học tư (kể cả dân lập, chưa chuyển đổi sang tư thục) hiện nay cho thấy một bức tranh nhòe màu với các vấn đề nổi trội sau: 

Thứ nhất, xác định mục tiêu hoạt động: Điều dễ nhận thấy là các mục tiêu hoạt động của các trường không khác biệt nhau nhiều, dẫn đến các chương trình đào tạo bắt chước nhau, cùng tập trung vào một số ngành đào tạo và bỏ quên nhiều ngành khác. Sự không rõ ràng về mục tiêu là không tránh khỏi, do những hạn chế từ sự ưu tiêu cho những mục tiêu trước mắt (lợi nhuận của nhà đầu tư) và sự yếu kém của đội ngũ quản lý và giáo viên (phát triển quá nóng).

Thứ hai, thiết lập quyền sở hữu: Quyền sở hữu ban đầu của các trường tư thục là xuất phát từ mô hình các trường dân lập, do đó quyền của người góp vốn bị giới hạn nhất định (vì giá trị vốn góp là 1 phần nhỏ trong tổng tài sản của trường dân lập, bên cạnh cơ sở vật chất do nhà nước giao quản lý).

Đến giai đoạn chuyển đổi sang tư thục, quyền này tiếp tục bị giới hạn do số tài sản gia tăng tích lũy không được phân bổ thành vốn sở hữu của những người góp vốn, và được quy định là khối tài sản sở hữu chung của nhà trường.

Thứ ba, cơ chế điều hành và giám sát: Hầu hết các trường tư thục hoạt động ở cấp độ khu vực và địa phương, thậm chí một tỉnh có nhiều trường tư thục bên cạnh các trường công lập và đại học vùng.

Do đó, cơ chế điều hành và giám sát trở nên lỏng lẻo, khó kiểm soát giữa chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản. Bên cạnh đó, văn bản pháp luật về hoạt động này của nhà nước còn chưa có hoặc việc áp dụng vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn.

Sở hữu và hiệu quả quản lí từ các trường đại học tư trong tự chủ đại học ảnh 3

Tự chủ đại học ở Việt Nam và việc phân tầng, xếp hạng

(GDVN) - Tự chủ đại học không có nghĩa là tất cả các trường đại học đều có sự tự chủ hoàn toàn như nhau. Tự chủ cần được giới hạn trong khuôn khổ phù hợp với vị trí.

Thứ tư, giải trình trách nhiệm: Với những bối cảnh như trên, hầu như các chủ thể có quyền quản lý nhà trường không phải có trách nhiệm giải trình trước bất kỳ cấp trên nào, ngay cả khi có những sai phạm hoặc biến động bên trong gây mất ổn định cho hoạt động của nhà trường. Một cơ chế giải trình trách nhiệm phải gắn liền với chủ thể chịu trách nhiệm và các quy định rõ ràng về nhiệm vụ được phân công.

Thứ năm, tự vươn lên: Bên trong bức tranh màu xám đó, một số trường tư thục đã vươn lên, tự vươn lên. Sự vững mạnh ấy là xuất phát từ bên trong nhận thức của nhà trường. Các trường này đã hình thành được cán cân lợi ích và quyền lực giữa các bên liên quan và cùng phấn đấu vì mục đích chung của nhà trường. 

Động lực bên ngoài là sự cạnh tranh với các trường công lập tạo ra động cơ bên trong là ý thức về sự tồn tại và phát triển lâu dài của nhà trường. Rõ ràng là không có cơ quan cấp trên nào có trách nhiệm “chỉ đường vẽ lối làm ăn” để các trường tư thục chờ đợi hay cầu viện tới.

Thứ sáu, xây dựng một nền văn hóa nhà trường tốt đẹp: Những dấu ấn phát triển lâu dài theo thời gian sẽ hình thành nên những hình ảnh tốt đẹp, những địa chỉ uy tín về đào tạo đại học mà xã hội thừa nhận và chấp nhận.

Một số trường đại học tư thục hiện nay đã mạnh dạn khẳng định vị thế của mình, tự tin đứng vững và đi lên. Từ bên trong họ đã xây dựng nên một đại học thực chất, gắn với một nền văn hóa đại học tốt đẹp, tạo ra một cơ sở giáo dục đại học đúng nghĩa cho xã hội.

Thứ bảy, những vấn đề còn bỏ ngỏ: Những tranh cải gần đây về chính sách tuyển sinh đại học do các trường đại học dân lập chưa chuyển đổi gặp khó khăn trong tuyển sinh đã mở ra nhiều thực tế đáng buồn cho ngành giáo dục. 

Những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Đại học tư

Phải trả lời thật đúng câu hỏi: Yếu tố gì thu hút sinh viên vào học ở một trường đại học? Trong hiện tại và tương lai? Rõ ràng là những lợi thế truyền thống như chi phí thấp không còn phù hợp. Một trường đại học thì phải làm những việc của một trường đại học, không làm những việc khác mà không hỗ trợ và thúc đẩy thực hiện sứ mệnh và đạt được mục tiêu của nhà trường. 

Do đó cần tập trung phát triển các chương trình đào tạo theo hướng đa chuyên ngành hoặc liên kết với các trường Đại học quốc tế để làm khác biệt sản phẩm đào tạo của Nhà trường với các trường trong khu vực.

Đây chính là lợi thế cạnh tranh của tất cả các trường Đại học hiện nay và về lâu dài, đương nhiên là kèm theo các điều kiện đủ khác như bộ máy quản trị, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị,…

Việc liên kết với nước ngoài, trường ngoài có mấy điểm lợi: có ngay cái mới để giới thiệu ra xã hội và thu hút sinh viên; có cái để so sánh, để biết mình yếu kém, để biết tự ái mà phấn đấu cho sự tốt đẹp đáng làm, đáng hưởng.

Có một vấn đề đặt ra là các tiêu chuẩn lựa chọn các thành viên Hội đồng Quản trị là như thế nào, sao cho hạn chế tình huống nhóm đại diện theo đuổi mục tiêu lợi nhuận có cơ hội chi phối và kiểm soát quyền quản lý nhà trường.

Khác với hệ thống các trường công lập, các trường đại học tư phải đối phó với những yêu cầu khác biệt từ các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội cũng như các nhóm nội bộ trong trường.

Do đó, để thỏa mãn tối đa các nhu cầu của nhiều bên liên quan, bắt buộc các trường đại học tư phải nâng cao trình độ quản trị cũng như thiết lập cơ chế quản trị hiệu quả cho Hội đồng Quản trị và bộ máy quản lý của mình. 

Một giải pháp quan trọng và thực chấtlà gắn cơ chế quản trị với quyền sở hữu của mỗi thành viên Hội đồng Quản trị và Ban giám hiệu, theo đó cơ chế thỏa thuận ủy thác phần vốn góp cho người đại diện đủ tiêu chuẩn là cần thiết. 

Bùi Quang Tuyến - Võ Đăng Bình