LTS: Từ khi Bộ Giáo dục công bố dự thảo phương án Kỳ thi Quốc gia năm 2017 để lấy ý kiến từ dư luận xã hội đến khi phương án chính thức được “chốt” đã tạo được sự quan tâm của dư luận.
Trong đó, có không ít người tỏ ra lo lắng khi cho rằng, những điểm mới trong cách thức tổ chức và hình thức thi sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả thi.
Thầy giáo Bùi Minh Tuấn (một giáo viên dạy học ở trường Trung học Phổ thông Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) có bài viết cho rằng chính tâm lý “thi gì học nấy”, học chỉ để vượt qua các kỳ thi mới là nguyên nhân khiến cho nhiều người cảm thấy “bất an” trước những sự thay đổi như vậy.
Và khi tâm lý này được giải tỏa, những áp lực, căng thẳng, lo lắng cũng sẽ không còn, khi đó việc thi cử, kiểm tra đánh giá mới thực sự trở nên nhẹ nhàng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Trước mỗi kỳ thi quan trọng sắp diễn ra, nhiều người có tâm lý ngóng trông, chờ đợi.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Thi môn gì? Hình thức thi ra sao? Việc tổ chức thi có gì khác so với các năm trước? Khâu coi thi, chấm thi sẽ được triển khai như thế nào?
Khi Bộ Giáo dục đã chính thức “chốt” phương án thi, công bố đề thi minh họa, thay vì băn khoăn, lo lắng thì học sinh cần bắt tay vào ôn tập, củng cố kiến thức (Ảnh: Dung Phương) |
Nghĩa là, tất cả mọi sự thay đổi, điều chỉnh dù chỉ là những thay đổi mang tính kỹ thuật nhưng trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng tới kỳ thi đều trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh, học sinh và cả đội ngũ giáo viên.
Bởi đơn giản là, những thay đổi trong kỳ thi sẽ tác động làm thay đổi thái độ, cách học của học sinh và cả phương pháp giảng dạy của giáo viên.
Trước đây, khi kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng còn tách biệt, không ít học sinh khối 12 luôn trong tâm trạng thấp thỏm, chờ mong đến thời điểm cuối tháng 3 để biết những môn thi chính thức.
Thay vì chuyên tâm học đều tất cả các môn để phát triển năng lực toàn diện, nhiều học sinh chỉ chờ đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố các môn thi, hình thức thi rồi mới bắt đầu “vắt chân lên cổ” ôn tập.
Từ khi Bộ Giáo dục công bố dự thảo phương án kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2017 để lấy ý kiến từ dư luận xã hội đến khi phương án chính thức được “chốt”, trong giáo viên và học sinh đã có nhiều ý kiến, quan điểm trái ngược nhau.
Hà Nội phổ biến học sinh kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm khách quan |
Trong đó, có không ít người tỏ ra lo lắng, những điểm mới trong cách thức tổ chức và hình thức thi sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả thi.
Trong đó, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn khi nhiều môn thi trước đây vẫn tổ chức theo hình thức tự luận như: Toán, Lịch sử, Địa lí nay chuyển sang thi trắc nghiệm.
Tranh cãi nhiều nhất tập trung vào việc sẽ thi trắc nghiệm đối với các môn Toán và Lịch sử. Thậm chí, xuất hiện cả những ý kiến, nhận định có phần cực đoan khi cho rằng, việc thi trắc nghiệm các môn học này sẽ là “thảm họa”, làm mất “vẻ đẹp” và “xé nát” các môn học.
Những ý kiến, nhận định trái chiều đó cũng ít nhiều bị chi phối bởi suy nghĩ, việc thay đổi hình thức thi từ tự luận chuyển sang trắc nghiệm ngay trong năm học này sẽ khiến cho học sinh khối 12 “trở tay không kịp”, từ đó, ảnh hưởng tới kết quả thi.
Không chỉ với các kỳ thi quan trọng, tâm lý “thi gì học nấy” cũng đang chi phối cách học hàng ngày trên lớp của nhiều học sinh.
Lối học lệch, học tủ hay quan niệm “môn chính, môn phụ” tồn tại bấy lâu nay cũng xuất phát từ suy nghĩ thi như thế nào thì học như thế đó.
Có thể nhận thấy, tâm lý “thi gì học nấy” từ lâu “ăn sâu bám rễ” khiến cho nhiều người cảm thấy ái ngại mỗi khi có sự thay đổi về cách thức thi, kiểm tra đánh giá.
Chẳng hạn với những thay đổi trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2017, nếu nhìn nhận toàn diện, thấu đáo, những điều chỉnh, thay đổi về môn thi, hình thức thi không phải là không có những điểm tích cực.
Công bố 14 đề thi minh họa trong kỳ thi quốc gia 2017 |
Chẳng hạn, việc chuyển hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng sẽ hạn chế tối đa tình trạng quay cóp, sử dụng tài liệu.
Bên cạnh đó, hình thức thi trắc nghiệm sẽ kiểm tra được lượng kiến thức lớn, tránh lối học tủ, học vẹt, học lệch.
Việc học tập chỉ để đối phó, vượt qua các kỳ thi sẽ khiến cho học sinh luôn ở trong tâm thế bị động.
Hiện tại, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức “chốt” phương án thi, công bố đề thi minh họa, thay vì băn khoăn, lo lắng, học sinh cần khẩn trương bắt tay vào việc ôn tập, củng cố kiến thức.
Khi đã chuẩn bị tốt về kiến thức thì dù thi với hình thức nào, các thí sinh sẽ bước vào phòng thi với sự tự tin để có được kết quả tốt nhất.
Về lâu dài, khi tâm lý “thi gì học nấy” được giải tỏa, những áp lực, căng thẳng, lo lắng cũng sẽ không còn, khi đó, việc thi cử mới thực sự trở nên nhẹ nhàng.