Thầy giáo dạy Sử khẳng định: Từ nay, học sinh sẽ bớt “sợ” khi chọn thi Sử

10/07/2016 08:31
Trần Trung Hiếu
(GDVN) - Sau khi kết thúc phần thi môn Sử, Bộ GD&ĐT công bố đáp án khiến thí sinh và giáo viên Sử khá hài lòng.

LTS: Trong nhiều năm qua, cứ trước hay sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, nay là kỳ thi quốc gia thậm chí kỳ thi chọn học sinh giỏi thì môn Lịch sử luôn là môn học, môn thi với nhiều nỗi lo, là tâm điểm cho sự quan tâm của dư luận xã hội.
 
Qua 2 kỳ thi quốc gia 2015, 2016 của Bộ GD&ĐT, hôm nay thầy giáo Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An đưa ra quan điểm của mình về việc học và lựa chọn môn Sử là môn thi hiện nay.

Bài viết thể hiện quan điểm, văn phong riêng của thầy. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Lý do nhiều năm học sinh “ngán” chọn Lịch sử là môn thi

Trong xu hướng các môn khoa học đang bị xem thường bởi rất nhiều nguyên nhân, môn Sử bị “quay lưng”, số lượng học sinh chọn và thi khối C giảm so với các khối thi khác (A, B, D…) thì việc đi tìm nguyên nhân, giải pháp từng bước nâng cao chất lượng dạy học môn Sử là một bài toán khó.

Ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29 “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, trong đó việc cải tiến và nâng cao chất lượng dạy học môn Sử cũng có nhiều phương cách từ đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa, phương pháp dạy học, phương thức kiểm tra đánh giá, thi cử (ra đề thi, chấm thi), cách thức xét tuyển…

Và khâu gần như cuối cùng và quan trọng nhất là khâu ra đề thi và đáp án.

Thầy giáo dạy Sử, Trần Trung Hiếu khẳng định: Từ nay, học sinh sẽ bớt “sợ” khi chọn thi Sử (Ảnh: NVCC)
Thầy giáo dạy Sử, Trần Trung Hiếu khẳng định: Từ nay, học sinh sẽ bớt “sợ” khi chọn thi Sử (Ảnh: NVCC)

Vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy môn Sử đã và đang được nhiều giáo viên phổ thông quan tâm trong khi họ vẫn đang phải giảng dạy theo nội dung và chương trình sách giáo khoa cũ đã có nhiều bất cập, lỗi thời. 

Cả giáo viên Sử và học sinh nhiều năm qua đã cảm thấy “ngán” và mệt mỏi bởi cứ nhìn vào sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành là sự “hiện hữu” dày đặc các sự kiện, con số, ngày tháng năm, kênh chữ “áp đảo” kênh hình.

Nguyên tắc vàng” của khoa học lịch sử là tái hiện lại quá khứ với bộ mặt vốn có của nó với sự kiện, thời gian, không gian, là bối cảnh, diễn biến, kết quả của các sự kiện, các vấn đề của lịch sử. 

Chương trình lịch sử phổ thông hiện hành (bậc THCS và THPT) là tái hiện lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc từ thời nguyên thủy đến nay theo chương trình đồng tâm. 

Thầy giáo dạy Sử khẳng định: Từ nay, học sinh sẽ bớt “sợ” khi chọn thi Sử ảnh 2

Thí sinh thích thú với đề Lịch sử bàn về truyền thống đoàn kết dân tộc

(GDVN) - Kết thúc môn thi Lịch sử sáng 4/7, nhiều thí sinh nhận định, đề thi năm nay ấn tượng, đặc biệt câu hỏi về truyền thống đoàn kết dân tộc rất thú vị.

Theo quy luật của lịch sử tự nhiên, càng lùi về sau càng nhiều sự kiện, kiến thức thời gian và không gian. 

Nội dung kiến thức chương trình thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Lịch sử hàng chục năm qua đều tập trung chủ yếu vào phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

Chính vì vậy, để ôn và thi các nội dung cơ bản đó, học sinh phải học và nhớ rất nhiều kiến thức, sự kiện mà ngay cả thầy cô giáo dạy Sử cũng khó có thể nhớ hết. 

Đến tiết Sử, nhiều học sinh vẫn thích nghe giáo viên dạy Sử và kể những câu chuyện lịch sử nhưng lại rất “ngán” chọn Lịch sử là môn thi. Đó là “hội chứng” về mặt tư tưởng, tâm lý “ngại” Sử.
 
Biểu hiện rõ nhất cho tâm lý “ngại” Sử của học sinh chính là việc số lượng quá “khiêm tốn” của thí sinh khi chọn Lịch sử là môn thi xét tốt nghiệp mà đa số thí sinh đều chọn Địa lý là môn thi xét tốt nghiệp.

Về mặt thực tiễn, nhiều năm qua, khi công tác coi thi được siết chặt, kỷ cương trường thi được nghiêm túc hơn thì cứ sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp hay tuyển sinh vào đại học và nay là kỳ thi quốc gia nhiều thí sinh đón nhận điểm số thi của môn Sử rất thấp, thậm chí có nhiều điểm 0, đồng nghĩa với điểm “tử” và trượt tốt nghiệp. 

Có những kỳ thi, giữa đề thi và đáp án có sự “vênh”, hỏi một đường, trả lời một nẻo tạo nên sự tranh cãi. Khi truyền thông “mổ xẻ” vấn đề, giáo viên Sử bức xúc, phụ huynh thì lo lắng, thí sinh thì hoang mang.

Tư tưởng và cách nhìn nhận của dư luận xã hội, phụ huynh, học sinh về môn Sử đã có sự “định kiến” và thiếu khách quan, công bằng so với các môn học, môn thi khác. 

Nhiều giáo viên dạy Sử phổ thông mất dần niềm tin và sự nhiệt huyết và có tư tưởng “buông xuôi” vì họ có cảm giác bị “phân biệt đối xử”. 

Hai năm qua đem lại tín hiệu vui cho những người dạy Sử, học Sử và thi Sử

Bắt đầu từ năm học 2014-2015, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi “hai trong một” với 2 mục tiêu: Vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Và tương thích với cách thức đó, vấn đề ra đề thi cũng đã dần có điều chỉnh  trong lộ trình đổi mới “căn bản và toàn diện”. 

Xét về góc độ ra đề thi và đáp án môn Sử ở kỳ thi quốc gia trong 2 năm vừa qua, quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, đó là một tín hiệu vui cho những người dạy Sử, học Sử và thi Sử.

Thứ nhất, về đề thi đã bám vào “ma trận đề” của Bộ GD&ĐT theo các kỹ năng đánh giá: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. 

Các câu hỏi từ phần lịch sử thế giới đến phần lịch sử Việt Nam đã không bắt học sinh phải thuộc lòng và trình bày một cách máy móc các kiến thức, sự kiện, với nhiều ngày tháng năm. 

Hai năm qua đem lại tín hiệu vui cho những người dạy Sử, học Sử và thi Sử (Ảnh: Thùy Linh)
Hai năm qua đem lại tín hiệu vui cho những người dạy Sử, học Sử và thi Sử (Ảnh: Thùy Linh)

Đề thi không ra tập trung vào một vấn đề hay giai đoạn lịch sử cụ thể mà có tính bao quát và xuyên suốt để hạn chế tư tưởng “đoán mò”, thói quen “học tủ” của học sinh. 

Đặc biệt, đề thi môn Sử đã có những câu hỏi mở, ý “mở” để tạo điều kiện cho thí sinh khi làm bài có cơ hội nêu nhận xét, đánh giá, suy nghĩ của mình từ những kiến thức cơ bản, những vấn đề mang tính thời sự của thế giới và đất nước. 

Từ đó giúp các em thể hiện thái độ, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước trong điều kiện, khả năng hiện tại của mình.

Thứ hai,về đáp án:

Một trong những điểm mới của Bộ GD&ĐT liên quan đến thi tuyển sinh vào đại học trong 2 năm gần đây là công khai đáp án môn Sử (cùng với các môn thi khác). 

Điều này đã thể hiện tính “minh bạch” về thông tin đối với các môn khoa học xã hội, trong đó có môn Sử - điều mà nhiều năm trước không thấy. 

Điều đáng chú ý là, trên cơ sở các câu hỏi của đề thi, đáp án của đề thi môn Sử trình bày những yêu cầu kiến thức rất cơ bản, rõ ràng, không yêu cầu thí sinh phải trình bày những kiến thức mà các em “ngán” như liệt kê chi tiết các số liệu, ngày tháng, thậm chí là năm của sự kiện. 

Thầy giáo dạy Sử khẳng định: Từ nay, học sinh sẽ bớt “sợ” khi chọn thi Sử ảnh 4

Thầy giáo chỉ bí quyết làm bài thi Sử đạt điểm cao trong kỳ thi Quốc gia sắp tới

(GDVN) - Để học và nhớ tốt bài học môn Sử, thầy Đạt cho rằng học sinh cần phải nắm vững tổng thể chương trình, rồi từ các chủ đề chính mới đi vào các thông tin chi tiết

Phổ điểm của các ý cần trả lời khá rộng (chủ yếu là từ 0,5 điểm trở lên). Ở những câu hỏi “mở”, đáp án cũng rất “mở” để thí sinh có thể nêu nhận thức, quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá và phát biểu suy nghĩ của mình về một vấn đề lịch sử, rèn luyện kỹ năng khái quát hóa, khả năng liên hệ bài học lịch sử, từ đó liên hệ đến thái độ, trách nhiệm của cá nhân đối với quốc gia, dân tộc.

Và điều quan trọng nhất là sau khi kết thúc phần thi môn Sử, Bộ GD&ĐT công bố đáp án khiến thí sinh và giáo viên Sử khá hài lòng.

Dù có thể có nhiều thí sinh không làm hết các câu, các ý trong đề thi môn Sử, nhưng đa số các em đều có cảm xúc phấn khởi với tâm lý tự tin hơn và có chung nhận xét là đáp án rõ ràng, cơ bản, có nhiều cơ hội có điểm.

Với sự đổi mới quan trọng trong khâu ra đề thi, đặc biệt là làm đáp án môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT qua kỳ thi THPT Quốc gia 2015, 2016, đông đảo thí sinh và giáo viên Sử phổ thông cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc dạy Sử, việc học và thi môn Sử. 

Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, yếu tố đầu tiên giúp các em an tâm và tự tin học Sử chính là sự định hướng về nội dung và phương pháp của giáo viên dạy Sử, dạy cho các em ôn và thi Sử. 

Đi theo hướng như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ “khai tử” dần tư tưởng “ngán” học Sử, “sợ” chọn Lịch sử là môn thi THPT quốc gia, từ đó thêm yêu bộ môn này hơn.

Khâu quan trọng cuối cùng cho một kỳ thi là chấm thi. Trên cơ sở đề thi như thế, đáp án như vậy, các giám khảo cần triển khai công tác thảo luận, thống nhất  đáp án chấm thật kỹ càng và khi chấm phải thật sự “linh hoạt” đối với những câu hỏi “mở”, ý “mở” để phân loại, phân hóa được điểm số và chất lượng của các bài thi.

Trần Trung Hiếu