Thi học kỳ hay kiểm tra học kỳ?

19/12/2018 07:05
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Học thật, kiểm tra thật và “nói không” với bệnh thành tích, nâng điểm cho học trò ở học kỳ 1… đang là quan điểm, tinh thần chủ đạo của một số trường phổ thông.

LTS: Hiện nay, các trường phổ thông đang tổ chức kiểm tra học kỳ 1 cho học sinh. Trong bài viết này, thầy giáo Sông Trà nhấn mạnh đến việc học thật, kiểm tra thật, tránh bệnh thành tích.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Lâu nay, nhiều thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh phổ thông đã quen với cụm từ "Thi học kỳ", nhưng thực ra trong các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề có cụm từ này mà chỉ là cụm từ "kiểm tra học kỳ" (thuộc kiểm tra định kỳ).

Dùng cụm từ "Thi học kỳ" xem ra khá nặng nề, áp lực. Dùng từ "Kiểm tra học kỳ" có cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái.

Từ nay, trở đi, tất cả nhà trường, thầy cô giáo phổ thông nên bỏ hẳn cụm từ "Thi học kỳ" khi nói, khi viết, thay thế bằng cụm từ "kiểm tra học kỳ" để việc học, ôn tập và kiểm tra của con trẻ bớt đi tính chất quan trọng, nặng nề.

Tuần này và tuần đến, nhiều trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên cả nước tổ chức kiểm tra học kỳ 1, năm học 2018-2019 cho học sinh.

Có nơi các đề kiểm tra do Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo ra, kiểm tra theo lịch, theo hình thức tập trung.

Học thật, kiểm tra thật và “nói không” với bệnh thành tích, nâng điểm cho học trò ở học kỳ 1… đang là quan điểm, tinh thần chủ đạo của các trường phổ thông hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN
Học thật, kiểm tra thật và “nói không” với bệnh thành tích, nâng điểm cho học trò ở học kỳ 1… đang là quan điểm, tinh thần chủ đạo của các trường phổ thông hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN

Có nơi, các đề kiểm tra do các tổ, nhóm chuyên môn của nhà trường ra, cũng tổ chức kiểm tra theo từng khối, lớp, chia danh sách học sinh theo anh pha a, b, c.

Tất nhiên, trước khi đến tuần kiểm tra tập trung, các nhà trường, thầy cô giáo thường giới hạn đề cương ôn tập và hướng dẫn ôn tập cho các em.

Mức độ khó - dễ, nhiều - ít của các đề cương phụ thuộc vào từng nhà trường, thầy cô giáo và cả năng lực, trình độ học sinh của từng trường, từng khối lớp.

Học sinh nào mà chẳng trông mong đề cương ôn tập và đề kiểm tra vừa sức với khả năng của mình.

Học sinh nào mà không mong muốn các bài kiểm tra học kỳ của mình đạt điểm khá, điểm giỏi vì điểm kiểm tra học kỳ được tính hệ số 3, quan trọng hơn bài kiểm tra 15 phút và 1 tiết.

Thi học kỳ hay kiểm tra học kỳ? ảnh 2Kiểm tra học kỳ - những chuyện khôi hài nhưng có thật

Các năm trước đây, đề kiểm tra học kỳ của một số nhà trường, địa phương vẫn còn sai sót, thậm chí lộ đề, gây ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục, bị xử lý kỷ luật.

Mong sao, năm nay, các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo ra đề kiểm tra không để nảy ra bất kỳ sai sót nào về kiến thức lẫn kỹ thuật, phân loại được đối tượng học sinh và luôn giữ được tính bảo mật tuyệt đối của các đề kiểm tra.

Một số thầy cô đừng vì con em mình, đừng vì việc dạy học thêm hay chuyện khác mà mớm đề, lộ đề cho các em. Làm thế vừa có tội với phụ huynh, học sinh vừa vi phạm pháp luật, quy định của ngành.

Các nhà trường cũng quy định, yêu cầu chặt chẽ, nghiêm túc về giờ giấc, ý thức, thái độ của học sinh khi tham gia các bài kiểm tra học kỳ.

Em nào đi trễ quá 15 phút thì coi như bỏ kiểm tra, bị điểm không cột kiểm tra học kỳ môn đó (giống như thi Trung học phổ thông Quốc gia).

Em nào vi phạm kiểm tra: sử dụng tài liệu, xem bi, đưa bài cho bạn chép… bị lập biên bản, trừ điểm hoặc bị lĩnh điểm 0 bài kiểm tra môn đó.

Có trường quy định nghiêm ngặt hơn, ngoài bị điểm kém, các em vi phạm kiểm tra còn bị hạnh kiểm loại yếu học kỳ, bất luận hạnh kiểm các tháng trước đó đều xếp loại tốt.

Quy định chặt và xử lý nghiêm như vậy giúp cho học sinh lo học, lo ôn tập và có ý thức, thái độ kiểm tra rất tốt.

Học thật, kiểm tra thật và “nói không” với bệnh thành tích, nâng điểm cho học trò ở học kỳ 1… đang là quan điểm, tinh thần chủ đạo của một số trường phổ thông hiện nay.

Phụ huynh, học sinh và dư luận xã hội càng muốn có thêm nhiều nhà trường, thầy cô giáo thực sự chống được tiêu cực trong kiểm tra, thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục từ những việc làm, quy định cụ thể, thiết thực của mình để môi trường, chất lượng giáo dục luôn thực chất, có độ tin cậy cao.

SÔNG TRÀ