Nhận định về Kỳ thi THPT quốc gia vừa diễn ra, với vai trò là một người thầy giáo đang giảng dạy ở bậc THPT, vừa là một bậc phụ huynh, thầy Trần Trung Hiếu – Giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, đến thời điểm này chưa thể và chưa nên đánh giá tổng quát và toàn diện về một kỳ thi.
Bởi nhiều yếu tố: công tác chuẩn bị thi, ra đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi, công bố kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và quy trình xét tuyển vào đại học sau khi đã công bố điểm thi.
Tuy nhiên, theo quan điểm của cá thầy Hiếu, về cơ bản kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu đổi mới của Bộ, đặc biệt là khâu ra đề và đáp án, khâu coi thi. Thầy Hiếu cho rằng, chính điểm số của thí sinh sau khi chấm xong và công bố sẽ nói lên được nhiều điều về chất lượng của kỳ thi này.
“Kỳ thi này đã được triển khai trên toàn quốc ở 2 cấp độ: kỳ thi do các trường đại học tổ chức giải quyết mục tiêu công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào đại học; thứ hai là do các sở và địa phương tổ chức, giải quyết mục tiêu tốt nghiệp THPT. Kỳ thi đã cơ bản đáp ứng được chủ trương “đổi mới toàn diện và đồng bộ” của Bộ GD&ĐT. thầy Hiếu cho biết.
Ảnh minh họa. Xuân Trung |
Cũng nhận định thêm, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, trong đề thi và đáp án năm nay, cơ bản số đông học sinh, phụ huynh và các thầy cô phấn khởi và có sự đồng thuận, kể cả những em không làm được bài.
Đa số thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội đều đồng thuận rằng, khâu coi thi đã nghiêm túc hơn, công bằng hơn và không còn sự “lộn xộn” tại các điểm thi, phòng thi.
Đề thi có mức độ phân hóa khá cao, bám vào các kỹ năng làm bài thi theo “ma trận đề” của Bộ và có những câu hỏi mang tính gợi mở khả năng tư duy của thí sinh, đặc biệt ở các môn tự luận.
Tuy nhiên, xét về mức độ phân hóa kiến thức giữa đề thi của môn này so với môn kia trong một khối thi có thể vẫn còn chưa thật sự đồng bộ.
Ví dụ, theo nhiều ý kiến của các thí sinh, so với năm ngoái thì đề thi môn Địa lí năm nay đề ra có vẻ như dễ hơn, hoặc môn Lịch sử là môn phân hóa học sinh rõ nhất trong 3 môn khối C Văn- Sử -Địa.
“Là năm học đầu tiên thực hiện kỳ thi “hai trong một”, đương nhiên sẽ có những thiếu sót. Vấn đề là Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn và khách quan nhìn nhận nguyên nhân và biểu hiện những thiếu sót, thậm chí có sai sót.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có công bố phổ điểm thi quốc gia không? |
Cá nhân tôi chưa đồng ý với việc sau khi vừa kết thúc môn thi cuối cùng là Bộ GD&Đ tổ chức họp báo ngay bởi nhiều thông số chưa có thể cập nhật một cách đầy đủ và toàn diện.
Trong nhiều năm qua, khi họp báo để tổng kết kỳ thi ở khâu coi thi, đề thi và đáp án, hầu như những thiếu sót, tồn tại chưa được Bộ nêu ra, mà chủ yếu nói về ưu điểm với những điệp từ quen thuộc kiểu như “ nghiêm túc, bình thường, an toàn, đúng quy chế...” Bộ phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại xuất hiện trong việc triển khai công tác thi để khắc phục và sửa đổi ”. thầy Hiếu nhấn mạnh.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay liệu có tiết kiệm hay lãng phí hơn so với các kỳ thi trước? Số lượng thí sinh bỏ thi và bị đình chỉ thi vẫn nhiều?
Hiện tại, nhiều Hội đồng chấm thi đã thông báo cho báo chí những điểm 10, vậy liệu có không những bài thi bị điểm O dù trong các câu hỏi của đề thi các môn đều giành đánh giá năng lực thí sinh từ thấp đến cao, từ dễ đến khó?
Những thí sinh nếu bị trượt trong kỳ thi này, liệu năm sau các em sẽ thi như thế nào, với những môn thi nào? Trước và sau Kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường đại học vẫn tổ chức những kỳ thi riêng xuất phát từ đặc thù của từng trường để “đánh giá năng lực” hoặc “đánh giá lại”, đó có phải là sự tốn kém từ sự tiết kiệm?
Kỳ thi năm nay, chúng ta vẫn có những hội đồng coi thi chỉ có 1 thí sinh thi môn Sử với hơn 60 cán bộ lãnh đạo thi, coi thi, thanh tra thi, bảo vệ và phục vụ thi. Đó có phải là một sự lãng phí?
“Bộ muốn 1 kỳ thi nhưng giải quyết được hai mục đích, cố gắng tiết kiệm, nhưng không có nghĩa là không lãng phí. Tôi nghĩ năm trước đã xảy những tình trạng đó thì năm nay khắc phục được, nhưng cuối cùng vẫn thế.” thầy Hiếu cho biết.
Thầy Hiếu cũng cho rằng, rất mong muốn Bộ GD&ĐT có cái nhìn thẳng thắn, tìm ra được những hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, thậm chí phải thay đổi nếu chưa phù hợp để những kỳ thi tiếp theo không còn là những kỳ thi mang tính “thí điểm”, “thí nghiệm”, “thử nghiệm”...!
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, GS. Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây là kỳ thi khiến không ít người lo lắng.
Lo vì đề thi ra để phân loại được hai mục tiêu khác nhau (xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học) là rất khó. Đề ra đạt được phổ thông thì mất đại học và đạt được đại học thì mất phổ thông. Cũng băn khoăn về 2 loại cụm thi khác nhau, đây là một trong những vấn đề được dư luận thời gian qua quan tâm.
GS. Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua vẫn tỏ ra tốn kém. Lấy ví dụ như ở Thanh Hóa, điểm thi từ đầu tỉnh tới cuối tỉnh dài khoảng 300km. GS. Hãn cho rằng, cách thi mà chúng ta vừa triển khai là học lại cách làm của nước khác đã có từ lâu và đã thất bại.
“Kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc thì tốt nghiệp THPT đưa về các tỉnh, các trường để kỳ thi nhẹ nhàng hơn, học sinh đỡ vất vả. Đồng ý là thi 8 môn nhưng cần chuyển kỳ thi này về các sở, các trường. Thi như hiện nay là tạo điều kiện cho học lệch, học sinh cứ chạy náo loạn ở trường phổ thông” GS. Hãn nhấn mạnh.