Thuộc đáp án trong đề cương thì sẽ được điểm cao thôi!

12/05/2017 08:27
Phan Tuyết
(GDVN) - Với cách học của phần lớn học sinh hiện nay cùng với cách ra đề máy móc nếu không có đề cương ôn tập học sinh sẽ chẳng bao giờ làm được bài.

LTS: Với cách ra đề máy móc như hiện nay, cô giáo Phan Tuyết cho rằng học sinh buộc phải học thuộc lòng các đáp án trong đề cương ôn tập thì mới mong đạt điểm cao.

Đây là một thực trạng đáng buồn khi việc thi cử không đánh giá được trình độ tư duy của học sinh mà chỉ đơn giản là ai học thuộc tốt hơn mà thôi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sáng 9/5, trước thời gian phát đề thi môn Toán và Sử của khối 11 trong đợt thi học kỳ 2 tại tỉnh Đồng Tháp, đề thi này đã bị lộ.

Từ tin báo của một số Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho dừng thi.

Trước đó, tại Trường Trung học phổ thông Thủ Thiêm, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thông tin đề thi Văn giữa kỳ lớp 10 bị lộ đã lan truyền trên mạng xã hội.

Cụ thể, ở phần “Làm văn” (7 điểm), đề thi yêu cầu học sinh “Thuyết minh về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi” là một trong hai đề mà học sinh ở một số lớp đã được ôn.

Việc lộ đề thi tại tỉnh Đồng Tháp có phải là cá biệt? (Ảnh: Tuoitre.vn)
Việc lộ đề thi tại tỉnh Đồng Tháp có phải là cá biệt? (Ảnh: Tuoitre.vn)

Rồi ở phần “Đọc hiểu” (3 điểm), theo thầy H., đề ra có thể nói là giống hệt với đề đã được cô Ng. và cô L. cho học sinh chép đầy đủ vào vở Văn ở những lớp mình dạy vào hai ngày trước khi thi.

Nếu nói như thế là lộ đề thì có rất nhiều trường học bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông trong cả nước bị lộ đề chứ chẳng riêng những trường học vừa bị nêu ở trên.

Giáo viên soạn sẵn đề cương

Gần đến ngày thi, hầu như tất cả giáo viên đều soạn sẵn đề cương cho học sinh ôn tập. Dĩ nhiên trong đề cương này có nội dung thi sắp tới.

Nếu là ở lớp chính khóa, học sinh có đề cương và tự soạn đề để học. Nhưng nếu ở lớp học thêm chính giáo viên là người giải đề cương cho các em.

Gần tới ngày thi, thầy cô giáo giới hạn đề cương thêm một lần nửa để học sinh ôn cho đúng trọng tâm.

Những môn phải học bài như Sử, Địa, Công dân… từ 20 câu trong đề cương ban đầu sẽ được giáo viên rút xuống phân nửa hoặc chỉ còn khoảng 7-8 câu nhưng đề thi đã có tới 6 câu như thế.

Theo tiết lộ của một số giáo viên, đề cương soạn sẵn, giới hạn sát nút nhưng nhiều em vẫn không chịu học bài.

Có giáo viên sốt ruột vì học trò nhiều điểm kém quá sẽ không đủ chỉ tiêu đăng kí, thầy cô phải bật mí tên bài nhưng nhiều em cũng chẳng thèm học.

Ngay môn Văn, đề cương cho 4 đề, gần ngày thi rút ngắn còn 2 đề, đến ngày gần thi “cứ thấy cô ôn đi ôn lại mỗi bài ấy. Thế rồi đề ra trúng phóc”. Nhiều học sinh hồ hởi reo lên.

Môn Toán, Lý, Hóa có giáo viên làm siêng chỉ ra trúng dạng nhưng nhiều giáo viên cho y chang đề sẽ thi vào hôm sau. Có điều để ngụy trang, phần lớn thầy cô cho thêm nhiều bài tập khác như thế.

Lợi cả đôi đường

Thuộc đáp án trong đề cương thì sẽ được điểm cao thôi! ảnh 2

Ra đề thi rất phức tạp, thầy có tâm mới làm được

(GDVN) - Quả thật, khâu ra đề làm sao cho công bằng, khách quan, không có những yếu tố khác tác động, chi phối dẫn đến lộ đề, chủ yếu phụ thuộc vào lương tâm nhà giáo.

Giáo viên vẫn biết việc soạn sẵn đề cương và giải giúp cho học sinh sẽ cho kết quả thi thiếu chính xác nếu không muốn nói là thiếu công bằng, thiếu trung thực (với những em đi học thêm sẽ được chính thầy cô giải đề cương) nhưng làm thế sẽ lợi cả đôi đường.

Học sinh làm bài tốt, nhiều em sẽ đạt những danh hiệu cao làm vui lòng các em, vui cả lòng ba mẹ.

Bên cạnh đó, chính giáo viên cũng đạt được chỉ tiêu chất lượng bộ môn đã đăng kí với nhà trường.

Đồng thời việc ôn đề trúng tủ còn kéo học sinh đến lớp dạy thêm của thầy cô ngày một đông hơn.

Cần đổi mới cách ra đề

Với cách học của phần lớn học sinh hiện nay cùng với cách ra đề máy móc (theo kiểu học thuộc bài mới làm được) nếu không có đề cương ôn tập học sinh sẽ chẳng bao giờ làm được bài kể cả học sinh đạt danh hiệu giỏi, tiên tiến.

Chẳng hạn trong một đề thi môn Địa lý lớp 11 ở một trường trung học phổ thông:

Trung Quốc đã áp dụng chính sách dân số như thế nào?

a.     Chưa triệt để

b.     Tương đối triệt để

c.     Triệt để

d.     Rất triệt để

Hay Dân cư của Trung Quốc có

a.     50 dân tộc khác nhau

b.     Trên 50 dân tộc khác nhau

c.     Dưới 50 dân tộc khác nhau.

Nhiều học sinh nói “Tụi em không chỉ học thuộc mà phải thuộc làu và nhớ từng câu từng chữ mới có thể làm bài được”.

Có giáo viên nói: “Chỉ sai đi vài chữ là sai luôn cả ý nghĩa yêu cầu của nội dung cần diễn đạt”.

Tránh tình trạng lộ đề cần phải xóa bỏ việc ôn tập theo đề cương mớm sẵn mà nhiều trường học vẫn đang áp dụng. Muốn vậy, các trường cần phải thay đổi cách ra đề như hiện nay.

Phan Tuyết