LTS: Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong bài "Thêm 641 giáo viên, nhân viên hợp đồng ở Thanh Hóa có nguy cơ ra đường", vụ việc cắt hợp đồng hàng loạt giáo viên, nhân viên ở đây càng khiến dư luận bức xúc khi mới đây Ủy ban Nhân dân huyện lại xin tuyển dụng thêm 253 giáo viên mới.
Thày giáo Nguyễn Cao tiếp tục có ý kiến về vụ việc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Mấy tháng qua, báo giới đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về chuyện cắt một lúc 647 hợp đồng giáo viên ở huyện Yên Định (Thanh Hóa).
Lạm phát cấp Phó và thân phận giáo viên hợp đồng ở Thanh Hóa |
Vụ việc phản ánh không chỉ sự tắc trách của các cơ quan chức năng mà còn thiếu đi tính nhân văn với những giáo viên đã nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở đây.
Song, sự việc còn đẩy đến sự bất bình cho dư luận khi chỉ sau một thời gian rất ngắn cắt hợp đồng hàng trăm giáo viên này đi thì những lãnh đạo huyện lại xin tuyển dụng 253 giáo viên mới cho các bậc học.
Để tham mưu cho việc cắt hợp đồng hay tuyển dụng mới giáo viên có hai cơ quan là Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Nội vụ, cơ quan quyết định cuối cùng là Uỷ Ban Nhân dân huyện Yên Định.
Vì sao chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn lại có hai quyết định hoàn toàn trái ngược nhau, làm đảo lộn nhiều trường học và gia đình giáo viên? Lẽ nào Uỷ ban Nhân dân huyện khi ra quyết định cắt hợp đồng giáo viên lại có thể vội vàng để ảnh hưởng đến công việc của cả mấy trăm con người như vậy?
Thử hình dung, huyện Yên Định có 27 xã và 2 thị trấn, việc cắt hợp đồng một lúc với 647 giáo viên khiến mỗi xã, thị trấn có khoảng hơn 20 người bị mất việc - đây con số không hề nhỏ, nhất là với những gia đình hai vợ chồng cùng là giáo viên.
Hàng trăm giáo viên ở Yên Định đang kêu cứu vì quyết định chóng vánh của Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định (Thanh Hóa) (Ảnh: phapluatplus.vn). |
Sau khi lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân quyết tâm cắt hợp đồng, chưa đầy một tháng sau lại trình chủ trương xin tỉnh tuyển giáo viên mới. Khi được hỏi về việc cắt hợp đồng, ông Lê Xuân Thành (Phó Chủ tịch huyện Yên Định) cho biết:
“Chúng tôi buộc phải dừng hợp đồng lao động của 647 giáo viên là do thực hiện theo Nghị quyết số 39/TƯ của Bộ Chính trị và thực hiện theo kế hoạch của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Việc cắt hợp đồng lao động này là giải pháp tình thế, là cần thiết, bởi lao động hợp đồng ở huyện Yên Định là rất đông và nó không phù hợp với nhu cầu thực tế".
Vậy nhưng, khi Ủy ban Nhân dân huyện có chủ trương tuyển 253 giáo viên mới thì cũng ông Thành nói rằng:
“Đến nay tổng rà soát lại chúng tôi đang còn thiếu 253 vị trí việc làm kể cả ở bậc Trung học Cơ sở đó là các môn đặc thù như tin học, tiếng anh, âm nhạc và đối với bậc học Mầm non thì chúng tôi còn thiếu tới 150 giáo viên”.
Tại sao cũng là những lãnh đạo ấy mà lại có những phát biểu quan liêu, vô trách nhiệm đến như vậy?
Trước đó, khi dư luận lên tiếng về việc cắt hợp đồng giáo viên thì Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều công văn yêu cầu rà soát lại nhân sự của ngành giáo dục nhưng, Ủy ban Nhân dân huyện vẫn cương quyết cắt hợp đồng bởi lí do dôi dư.
Trước việc làm được xem lại tréo ngoe này, dư luận đang đặt ra câu hỏi, phải chăng đây là sự yếu kém của các cấp tham mưu hay là một uẩn khúc, tiêu cực gì?
Thêm 641 giáo viên, nhân viên hợp đồng ở Thanh Hóa có nguy cơ ra đường |
Việc này đã được ông Lưu Vũ Lâm (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định) trả lời trước báo chí:
“Lâu nay cứ toàn tiêu cực, tôi đã nói rồi, đến cái cuối cùng trong ngành giáo dục mà còn tiêu cực nữa thì xã hội méo mó lắm. Tỉnh làm nhiều rồi, mình hà cớ chi không làm, làm như thế không có tiêu cực, không chạy chọt chỗ nọ, chỗ kia”.
Điều này cũng đồng nghĩa là trước đây kí hợp đồng giáo viên là có tiêu cực, vì vậy, lần tuyển dụng mới này để tránh tiêu cực, nhưng, lấy gì để đảm bảo không có tiêu cực trong việc tuyển dụng mới?
Nghề giáo là một nghề đặc thù, không thể lãnh đạo địa phương thích là tuyển dụng và không thích là cắt hợp đồng, đây không chỉ là một việc làm thể hiện tính thiếu minh bạch trong tuyển dụng mà còn thiếu cả cái tâm của người lãnh đạo.
Đời giáo viên ngày nay muôn vàn áp lực, nếu lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị cắt hợp đồng hay điều chuyển công tác thì còn tâm trí nào dạy dỗ học trò?
Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã lùm xùm nhiều vụ về việc lạm phát cấp Phó, rồi trong tuyển dụng giáo viên, tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn chưa có thái độ dứt khoát để trả lời một cách thỏa đáng cho báo chí, dư luận.
Ngay cả Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng cứ lòng vòng, nào là tỉnh rộng, xin cơ chế đặc thù, do lịch sử để lại… nếu cứ giữ quan điểm này thì người dân không biết còn khổ đến bao giờ?